Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 05:01
Thứ hai, 04/07/2022 13:07
TMO - Thời gian qua, tỉnh Lào Cai tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế và liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, tạo ra chuỗi giá trị đã và mở ra hướng đổi mới, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng, Lào Cai được đánh giá là một trong những “thủ phủ” của các cây dược liệu quý tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc Lào Cai khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển cây dược liệu gắn liền với sinh kế của người dân các cộng đồng dân cư thôn bản sống gần rừng và sống dựa vào rừng.
Theo thống kê, Lào Cai hiện có khoảng 850 loại cây thuốc trong tổng số trên 3.900 loại thực vật có công dụng làm thuốc, 70 loại cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn. Đặc biệt, tiềm năng đất rừng của Lào Cai với những cánh rừng già, rừng tự nhiên lâu năm có mức độ đa dạng sinh học cao và trữ lượng nhiều cây dược liệu tự nhiên quý hiếm và có giá trị y dược cao như: Sâm Ngọc Linh, Giảo cổ lam, Sa nhân tím, Tam Thất hoàng,…
Vùng trồng cây dược liệu Đương Quy tại huyện Si Ma Cai
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, tổng diện tích cây dược liệu của Lào Cai hết năm 2021, diện tích cây dược liệu tại tỉnh Lào Cai đạt 3.584ha. Sản lượng đạt 18.200 tấn tươi. Giá trị thu nhập bình quân đạt từ 120 - 150 triệu đồng/ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Thị xã Sa Pa.
Diện tích cây dược liệu đạt chứng nhận GACP đạt hơn 140ha trên 11 loại cây dược liệu. Đến nay, một số địa phương tại Lào Cai đã đẩy mạnh phát triển nhóm cây dược liệu chiết suất tinh dầu (chùa dù, thuốc tắm người Dao...), phát triển gắn với du lịch để nâng cao giá trị.
Đánh giá, tiềm năng và cơ hội phát triển dược liệu của Lào Cai là rất lớn, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, 10 chủng loại cây dược liệu có thế mạnh sẽ được tỉnh ưu tiên phát triển như: Đương Quy, Xuyên Khung, Actiso, Đảng Sâm, Tam Thất… Vùng phát triển cây dược liệu được quy hoạch tập trung tại các huyện có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, phù hợp như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương và Văn Bàn.
Người dân tại thị xã Sa Pa mở rộng diện tích trồng Atiso
Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2030, diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh lên 22 chủng loại chính với diện tích đạt 3.700ha, sản lượng đạt khoảng 16.000-17.000 tấn/năm; 100% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO).
Đồng thời, địa phương nâng cao vai trò quản lý của nhà nước trong công tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu 100% sản lượng cây dược liệu được tổ chức theo chuỗi khép kín từ quản lý sản xuất đến tiêu thụ và chế biến sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
Thị xã Sa Pa là một trong những địa phương có truyền thống trồng cây dược liệu. Sa Pa đang hướng tới vùng sản xuất cây dược liệu với diện tích 100 ha, tiếp đó là 150 ha, tập trung vào các cây dược liệu tiềm năng như atisô, đẳng sâm, đỗ trọng, đương quy, mộc hương, tam thất, xuyên khung…
Với giá 2.200 đồng/kg, mỗi năm người dân Sa Pa thu về khoảng 4,5 tỷ đồng từ lá atiso. Các sản phẩm hoa, hạt, củ atiso… cũng được người dân chế biến và bán ra thị trường. Ước tính, thu nhập từ trồng atiso của người dân Sa Pa đạt khoảng 7 tỷ đồng mỗi năm. Cây dược liệu đã và đang góp phần tạo sinh kế, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi đây.
Nhiều địa phương như Bắc Hà, Sa Pa, Bảo Yên... đang tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển dược liệu, ổn định cuộc sống
Bắc Hà cũng là một trong những vùng trọng điểm trồng cây dược liệu của Lào Cai. Hiện toàn huyện có khoảng từ 90 -100 ha trồng dược liệu. Bắc Hà tập trung với 3 loại cây chủ lực là Atiso, Đương Quy và Cát Cánh. Năm 2019, theo tính toán của ngành nông nghiệp huyện, thu hoạch Atiso, Đương quy và Cát Cánh đạt khoảng 8,8 tỷ đồng. Những cánh đồng dược liệu quý hiếm đã, đang khẳng định vị thế cây chủ lực xóa nghèo hiệu quả, mở ra cơ hội làm giàu cho bà con vùng đất này.
Trong những năm qua, sản xuất dược liệu ở Lào Cai đã có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Diện tích trồng các loại cây dược liệu chính đạt 2.300ha, tăng 2,5 lần so với năm 2016, thu nhập bình quân đạt từ 120-150 triệu đồng/ha, tăng 25% so với năm 2016.
Việc đẩy mạnh khai thác lợi thế trong phát triển cây dược liệu đang giúp tỉnh Lào Cai phát huy hiệu quả tiềm năng điều kiện tự nhiên, đồng thời góp phần ổn định sinh kế cho người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai chú trọng phát triển sản xuất dược liệu gắn với hoạt động du lịch sinh thái, phát huy các thế mạnh của địa phương, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững; xây dựng thương hiệu và cấp mã cho các vùng trồng cây dược liệu gắn với thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm, tạo ra sản phẩm làm quà cho du khách mang nét đặc trưng riêng của Lào Cai.
Đồng thời, xây dựng mới các mô hình theo hướng bảo tồn và phát triển cây dược liệu bền vững; đồng thời, địa phương tiếp tục chuyển giao công nghệ, khuyến nông đào tạo tập huấn cho nông dân về sản xuất dược liệu an toàn, chất lượng để đáp ứng yêu caầu thu mua của doanh nghiệp.
Trần Tuấn
Bình luận