Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/07/2025 01:07
Thứ ba, 15/07/2025 15:07
TMO - Những năm qua, Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) triển khai hiệu quả chính sách giao khoán bảo vệ rừng, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý trên địa bàn.
Hiện nay, Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé (Ban quản lý) được giao quản lý gần 47.000ha rừng và đất lâm nghiệp chưa có rừng, trong đó rừng đặc dụng hơn 36.000ha, trên 1.000ha đất lâm nghiệp được quy hoạch rừng đặc dụng giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Tại khu vực vùng đệm của Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé diện tích đất sản xuất nông nghiệp manh mún, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Các ngành nghề phụ chưa phát triển, thu nhập từ nông nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Người dân sống ven rừng vẫn là thói quen dựa vào rừng...
Trước thực tế này, Ban quản lý đẩy mạnh thực hiện chính sách giao khoán rừng cho các nhóm, hộ gia đình. Năm 2025 đơn vị đã thực hiện khoán 19.602ha rừng cho các đơn vị, cộng đồng dân cư thuộc 28 bản của các xã vùng đệm rừng đặc dụng. Ban Quản lý thành lập 29 nhóm cộng đồng và 12 nhóm tổ chức tham gia bảo vệ, được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Với việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp người dân sống bằng nghề rừng có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Ngoài việc tăng cường tuần tra, Ban quản lý chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, Trạm quản lý bảo vệ rừng các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; quy định phòng cháy chữa cháy rừng. Trong quý I năm 2025, Ban quản lý tổ chức 410 lượt tuần tra, kiểm tra, chốt chặn với sự tham gia của 3.389 lượt người, trong đó 232 lượt viên chức, người lao động trong đơn vị tham gia.
Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé là một trong những khu rừng đặc dụng lớn của cả nước. Khu vực này ghi nhận 976 loài thực vật (trong đó 33 loài đặc hữu, 128 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN) và 458 loài động vật hoang dã, với 97 loài có giá trị bảo tồn cao của quốc gia và quốc tế, như vượn đen tuyền Tây Bắc, vượn má trắng, sóc bay, sẻ đồng ngực vàng, mèo rừng...
Xác định nhiệm vụ bảo vệ rừng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ hệ sinh thái nhất là đa dạng sinh học, Ban quản lý đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Kịp thời ngăn chặn xử lý nghiêm, triệt để các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật, tình trạng khai thác, vận chuyển tiêu thụ lâm sản bất hợp pháp, tình trạng săn bắt, bẫy, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã. Đồng thời luôn nỗ lực để đảm bảo cho sự phát triển, tính bảo tồn của hệ sinh thái rừng nói chung và đa dạng về loài thực vật bậc cao ở khu vực này.../.
Hải Đăng
Bình luận