Hotline: 0941068156
Thứ hai, 07/07/2025 11:07
Thứ hai, 07/07/2025 08:07
TMO – Trước các yêu cầu khắt khe về dư lượng kim loại nặng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã yêu cầu các phòng thử nghiệm tăng công suất kiểm tra cadimi và vàng O. Đến nay, có 24 phòng thử nghiệm cadimi và 14 phòng thử nghiệm vàng O được GACC phê duyệt.
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 5.217 lô sầu riêng tươi với sản lượng gần 130.000 tấn. Đáng chú ý, sầu riêng đông lạnh ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc với 388 lô xuất khẩu, đạt 14.282 tấn, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại họp báo thương kỳ, đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết thị trường xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2025 đã gặp không ít khó khăn khi nhiều quốc gia nhập khẩu tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm. Các lô hàng sầu riêng bị cảnh báo chủ yếu do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, phát hiện kim loại nặng như cadimi và một số hóa chất cấm.
(Ảnh minh họa)
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Kết quả, 829 mã số vùng trồng và 131 cơ sở đóng gói đã được khôi phục. Dự kiến những ngày tới, chuyên gia GACC sẽ sang Việt Nam kiểm tra thực địa chuỗi sản xuất, đóng gói và xuất khẩu sầu riêng.
Đáng chú ý, nhằm tăng cường quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật đã số hóa toàn bộ dữ liệu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc trên toàn quốc. Tính đến tháng 6, đã có 1.396 mã số vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã số, đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.
Về xây dựng Quy trình kiểm soát chất lượng tại cơ sở đóng gói sầu riêng phục vụ xuất khẩu, hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xin ý kiến lần 2 của các bên liên quan đối với dự thảo. Xuất khẩu sầu riêng tươi phục hồi mạnh từ tháng 8. Với việc Trung Quốc đã phê duyệt thêm gần 1.000 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, cùng với những tín hiệu tốt từ một số thị trường nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật dự báo, xuất khẩu sầu riêng tươi có khả năng phục hồi từ quý 3, đặc biệt là vào mùa vụ chính từ tháng 8 đến tháng 10. Tuy nhiên, mức phục hồi vẫn phụ thuộc lớn vào việc doanh nghiệp và nông dân có duy trì được điều kiện an toàn thực phẩm như đã cam kết hay không. Nếu tình trạng vi phạm vẫn còn tái diễn thì rủi ro xuất khẩu với ngành hàng này vẫn còn rất lớn.
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tiềm năng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được nhìn nhận sẽ tiếp tục là điểm sáng trong thời gian tới nhờ tính ổn định, khả năng bảo quản lâu. Hiện nay cũng đã có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư dây chuyền chế biến và kho lạnh hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn của Trung Quốc và các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU... Trước các yêu cầu khắt khe về dư lượng kim loại nặng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã yêu cầu các phòng thử nghiệm tăng công suất kiểm tra cadimi và vàng O. Đến nay, có 24 phòng thử nghiệm cadimi và 14 phòng thử nghiệm vàng O được GACC phê duyệt.
Đồng thời, chỉ đạo thiết lập bản đồ phân bố cadimi tại các vùng trồng trọng điểm, triển khai lấy mẫu đất, nước và phân bón tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long để đánh giá nguy cơ ô nhiễm. Quy trình canh tác mới đã được ban hành, khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học thay thế các loại phân có hàm lượng cadimi cao. Việc giám sát sẽ được thực hiện thường xuyên từ sản xuất đến đóng gói để hạn chế thấp nhất các trường hợp tái phạm…/.
THIÊN LÝ
Bình luận