Hotline: 0941068156
Thứ năm, 10/07/2025 04:07
Thứ tư, 09/07/2025 19:07
TMO – ‘Phải chủ động khảo sát địa chất, xây dựng hướng tuyến, không trông chờ, tổ chức ra quân đồng loạt triển khai giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam vào dịp 19/8/2025 để hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2026’, nội dung được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.
Theo đó, sau khi nghe các Bộ, ngành liên quan và địa phương báo cáo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Xây dựng trong việc triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và Trưởng Ban Chỉ đạo giao, cơ bản đáp ứng yêu cầu, tiến độ. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu.
Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, Ban Chỉ đạo thực hiện chỉ đạo, đôn đốc, thống nhất chủ trương, còn các Bộ, ngành, các địa phương căn cứ vào chức năng, nghiệp vụ, quyền hạn, ban hành cụ thể hoá các quyết định theo luật pháp để thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả, sát tình hình; những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Riêng Hà Nội và TP. HCM triển khai thực hiện các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù, đặc biệt dành cho 02 địa phương; nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ xem xét.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các công trình đường sắt góp phần tạo ra không gian phát triển mới; tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành hàng hoá; góp phần hiện đại hoá đất nước; góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân… Do đó, phải nỗ lực thực hiện, đảm bảo các mục tiêu đã đề ra, theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là làm đến nơi đến chốn, làm việc nào ra việc nấy, làm việc nào dứt việc đó; tinh thần là vừa làm vừa điều chỉnh, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, làm đâu chắc đó, làm đâu được đấy, vừa chạy vừa xếp hàng nhưng trên cơ sở khoa học, an toàn, hiệu quả, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm; triển khai nhiều nhiệm vụ một lúc nhưng có thứ tự ưu tiên.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan. Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thành việc thẩm định, công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng nêu rõ, đã tách khỏi dự án đầu tư và giao các tỉnh, thành phố. Do đó trên tinh thần chủ động, tích cực, hiệu quả các địa phương, nhất là người đứng đầu phải chủ động triển khai, chỉ đạo các xã, phường và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tổ chức thực hiện; các cơ quan sớm bàn giao hướng tuyến có tính đến sự phát triển để các đơn vị triển khai các bước tiếp theo. Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tổ chức ra quân đồng loạt triển khai giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam vào dịp 19/8/2025 để hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2026.
Ga Sài Gòn hiện tại.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được Quốc hội thông qua vào chiều 30/11/2024. Đến tháng 12/2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết 172/2024 về chủ trương đầu tư Dự án. Theo Nghị quyết 172, dự án đặt mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông - Tây và các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Với tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, dự án này được Quốc hội thông qua ngày 19/2/2025. Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, bảo đảm kết nối hiệu quả các mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Điểm đầu tuyến tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (Hải Phòng). Chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km; chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9 km; tuyến đi qua địa phận tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và TP. Hải Phòng.
LÊ HÙNG
Bình luận