Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/07/2025 12:07
Thứ tư, 09/07/2025 08:07
TMO - Diễn đàn về mô hình OCOP sẽ tập trung vào 3 chủ đề chính, trong đó có thảo luận cấp Bộ trưởng về đóng góp của OCOP cho chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực - thực phẩm theo hướng bền vững và có tính chống chịu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, dự kiến ngày 15/7/2025, cơ quan này sẽ phối hợp với Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm cấp cao giữa các khu vực về mô hình OCOP. Đây là diễn đàn quy mô cấp Bộ trưởng, sẽ có sự tham gia của 14 Bộ trưởng các nước châu Phi.
Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Diễn đàn sẽ tập trung vào 3 chủ đề chính, gồm: Giới thiệu kinh nghiệm của Việt Nam trong triển khai chương trình OCOP; Thảo luận cấp Bộ trưởng về đóng góp của OCOP cho Chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực - thực phẩm theo hướng bền vững và có tính chống chịu; Đối thoại về tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và các sáng kiến cho chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực - thực phẩm.
Các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP luôn thu hút nhiều người xem, mua hàng.
Riêng với “Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng về đóng góp của OCOP cho Chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực - thực phẩm theo hướng bền vững và có tính chống chịu” kỳ vọng mở ra không gian chia sẻ kinh nghiệm và các bài học thành công cho phát triển chương trình OCOP, giúp tăng cường tiếp cận thị trường, thương mại và đầu tư, cũng như nâng cao dinh dưỡng của các sản phẩm đặc sản. Ngoài ra, bên lề Diễn đàn sẽ có các phiên họp xã giao giữa các lãnh đạo Việt Nam và Bộ Nông nghiệp các nước châu Phi.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam, đối thoại cấp Bộ trưởng về chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm hay Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là vấn đề chung của khu vực nên Diễn đàn sẽ là cơ hội để các quốc gia châu Á và châu Phi học hỏi từ các kinh nghiệm lẫn nhau. Định hướng hiện nay của Bộ Nông nghiệp và Môi trường là tập trung vào việc hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, bao gồm xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, và ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, việc tổ chức một cách hợp lý các gian hàng, trưng bày sản phẩm tại không gian Diễn đàn mang đậm đặc trưng của các làng nghề.
Sau nhiều năm thí điểm, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên toàn quốc từ giữa năm 2018. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương...) và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Chương trình OCOP được nhiều nước trên thế giới triển khai với các tên gọi khác nhau, nhưng đều có điểm chung là phát huy nội lực của các địa phương gắn với đơn vị làng, xã để tập trung phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn có giá trị gia tăng cao và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong cơ chế thị trường. Trọng tâm Chương trình OCOP ở Việt Nam là phát triển sản nhiều công nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, gắn với các chủ thể. Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP bao gồm các thành phần kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác) và kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất).
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương, các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ tín dụng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.
LÝ LAN
Bình luận