Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 13/07/2025 20:07
Chủ nhật, 13/07/2025 11:07
TMO - Những năm qua, tỉnh An Giang đẩy mạnh phát triển trồng cây dược liệu theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và sinh kế người dân.
Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang cho biết: Từ năm 1981, An Giang đã bắt đầu nghiên cứu và phát hiện khoảng 350 loài cây thuốc, trong đó nhiều loài có giá trị cao. Đến năm 1991, An Giang đã nghiên cứu tăng đến 680 loài cây làm thuốc và biên tập thành tập sách “Cây thuốc An Giang”. Tỉnh xây dựng vùng “Sưu tập và bảo tồn cây dược liệu quý vùng Bảy Núi” vào năm 2008.
Các nghiên cứu sau đó đã ghi nhận khoảng 1.083 loài cây dược liệu, đặc biệt ở vùng Bảy Núi, một số loài quý hiếm nằm trong danh mục đỏ và tỉnh có nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ sản xuất các sản phẩm từ dược liệu, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm thực dưỡng
Tỉnh An Giang xác định, cây dược liệu là sản phẩm tiềm năng, cần quy hoạch, bảo tồn và phát triển. Do đó, An Giang đã từng bước khuyến khích người dân gây trồng trên vùng đồi núi, khu vực được quy hoạch Lâm nghiệp. Đồng thời có chính sách hỗ trợ thích đáng để người dân phát triển vùng gây trồng cây dược liệu, đảm bảo ưu tiên chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình là những hộ nhận khoán rừng trên vùng đồi núi.
Năm 2014 tỉnh An Giang đã thực hiện Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định mục tiêu là Quy hoạch vùng bảo tồn và gây trồng cây dược liệu tiềm năng, chủ yếu là trồng các loài dược liệu phù hợp dưới tán rừng để tạo thêm thu nhập cho những hộ nhận khoán rừng nhằm góp phần bảo vệ rừng bền vững.
Tỉnh An Giang tiếp tục khai thác, phát triển cây dược liệu theo hướng bền vững (Ảnh: KA).
Kế hoạch số 855/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển ngành hàng dược liệu tỉnh An Giang theo chuỗi giá trị giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển ngành hàng dược liệu theo chuỗi giá trị, gắn với bảo tồn các nguồn gen đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế; gắn với quảng bá và phát triển du lịch tại địa phương. Góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình kinh doanh dược liệu nhỏ lẻ trong tỉnh.
Địa phương này khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư xây dựng vùng trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ dược liệu, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ dược liệu kết hợp với chuỗi hệ sinh thái du lịch, du lịch nghĩ dưỡng, chăm sóc sức khỏe từ dược liệu, tích hợp đa giá trị trên sản phẩm, phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, sinh thái, sản xuất sạch và có trách nhiệm.
Bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu có khả năng sản xuất tiêu thụ được và gây trồng tại tỉnh An Giang. Thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra một hệ sinh thái bền vững cho ngành hàng dược liệu “Thất sơn”, là nguồn cung cấp nguyên liệu cho phát triển ngành y - dược gắn với tạo sinh kế, bảo vệ và phát triển rừng; Phát huy lợi thế thổ nhưỡng sẵn có của vùng đồi, núi tỉnh An Giang, kết hợp phát huy các tiềm năng và lợi thế của hệ sinh thái du lịch thiên nhiên, nền tảng lịch sử - tâm linh của vùng “Thất Sơn”, góp phần tăng thu nhập cho người dân trồng - bảo vệ - phát triển rừng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương vùng miền, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Tỉnh cũng tập trung, ưu tiên nguồn kinh phí để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về cây dược liệu. Trong đó có nhiều đề tài đã được nghiệm thu như: điều tra hiện trạng, lập danh mục cây dược liệu có chỉ dẫn địa lý trên vùng đồi núi. Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng, chế biến và tạo sản phẩm đặc sản từ cây huyền. Nghiên cứu các sản phẩm từ tinh dầu chúc được trồng tại An Giang có tác dụng kháng khuẩn và khử mùi. Nghiên cứu quy trình sản xuất thực phẩm chức năng từ thân rễ cây ngải trắng. Phát triển chế phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị từ cây ngải đen. Nghiên cứu thành phần các hoạt chất có tác động hỗ trợ điều trị ung thư đường tiêu hóa từ củ ngải bún.
Thời gian tới, nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên dược liệu tỉnh An Giang tiếp tục thu hút đầu tư các tập đoàn, doanh nghiệp dược trong và ngoài nước; đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến hiện đại, đạt tiêu chuẩn; đầu tư bảo tàng dược liệu An Giang kết hợp đầu tư địa điểm tham quan, nghỉ dưỡng sinh thái, chăm sóc sức khỏe và để thực tập sinh nghiên cứu.
Đặc biệt, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu; quy hoạch vùng bảo tồn, vùng trồng nguyên liệu, cấp mã số vùng trồng, đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu, sản phẩm OCOP và thương hiệu dược liệu An Giang. Cùng với triển khai hiệu quả cơ chế chính sách phát triển cây dược liệu, tăng cường chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp chế biến các sản phẩm dược liệu; tăng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, kết nối phát triển thị trường dược liệu.../.
Hà Thu
Bình luận