Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ năm, 27/04/2023 14:04
TMO - Cố Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quý từng chia sẻ: “Tôi có duyên với tiếng líu lo của chim từ thủa ấu thơ. Tôi có thói quen quan sát chim từ lúc 5-6 tuổi nên biết tất cả các loài chim của quê hương. Biết từng thói quen của từng loài như thức dậy lúc mấy giờ, bay về tổ lúc nào, ăn quả cây gì, sinh sản ra sao...Ngay cả khi trưởng thành tôi vẫn đứng lặng im hàng tiếng đồng hồ để nghe chim trò chuyện, giao duyên với nhau. Hình như duyên trời định đưa tôi đến với ngành Điểu học khi chương trình này bắt đầu giảng dạy tại Khoa Sinh học, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1956....”.
Cố Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quý chia sẻ: “Khi lên đại học, tôi quyết định đi theo con đường làm khoa học và các loài chim trở thành đối tượng nghiên cứu của tôi. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đi sâu tìm hiểu sự đa dạng và phức tạp của ngành Điểu học. Khi mới trên 30 tuổi, tôi đã phát hiện một loài Trĩ mới ở cùng Kẻ Gỗ (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Dù cho các nhà khoa học Thế giới từ chối công nhận phát hiện mới, tôi vẫn kiên trì nghiên cứu Trĩ lam Hà Tĩnh (hay còn gọi là “gà lừng” theo tiếng địa phương). Hai mươi năm sau, những tài liệu nghiên cứu thực tế của tôi đã thuyết phục giới khoa học quốc tế. Từ đó, Hội đồng Quốc tế Bảo vệ chim (ICBP) đã đặt trên cho loài chim này là “Vo Quy Pheasant” (Trĩ Võ Quý) để ghi nhớ công lao của người đã phát hiện và mô tả chính xác một loài Trĩ mới quý hiếm ở Việt Nam”.
Cố Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quý trong chuyến đi khảo sát nghiên cứu về loài chim (Ảnh do gia đình cung cấp).
Nhiều người đánh giá rằng, cố Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quý trước hết là một nhà giáo, ông công tác tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (sau thành Đại học Quốc gia Hà Nội). Ngoài ra, Giáo sư còn giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Wiscosin, Đại học California tại Berkley (Mỹ).... Tiếp đến, cố Giáo sư còn là nhà sinh học có uy tín của Việt Nam. Ông là người tiên phong và đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu bảo vệ môi trường thiên nhiên. Cố Giáo sư đã cùng các đồng nghiệp, học trò lập hồ sơ thông tin cho hơn 1.000 loài và phân loài chim ở Việt Nam. Ông viết 14 cuốn sách về loài chim, trong đó có các cuốn sách như: “Chim Việt Nam (tập 1,2)”, “Cuộc sống của loài chim”, “Danh mục các loài chim Việt Nam”.... đồng thời là dịch giả chính của 3 cuốn sách về môi trường thiên nhiên và cũng là tác giả của hơn 100 công trình khoa học đã công bố trong và ngoài nước. Chính vì tình yêu đối với các loài chim và có đóng góp quan trọng cho ngành Điểu học trong và ngoài nước nên bạn bè, đồng nghiệp, học trò gọi cố giáo sư với cái tên thân mật là “Giáo sư chim”.
Sự am hiểu về chim khiến cố giáo sư quyết định nghiên cứu đánh giá tác động của chất độc hóa học (Dioxin) đối với Việt Nam dựa trên sự tồn tại của các loài chim. Vì ông hiểu nơi nào có chim nơi đó có sự sống. Những hình ảnh do cố giáo sư ghi lại về những cánh rừng rộng lớn chết khô vì chất độc da cam, quang cảnh hoang vắng, không một tiếng chim kêu đã thuyết phục cả Thế giới về tác động khủng khiếp của chất độc da cam đối với môi trường thiên nhiên ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu, giúp cố Giáo sư có đánh giá khoa học về tác động lâu dài của chất độc hóa học. Ngay những năm 1980 của thế kỷ XX, cố Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quý đã khẳng định, phải mất hàng trăm năm thì hai triệu hecta rừng bị tàn phá do chất độc mới có thể tự hồi sinh.
Năm 1994, tại Hội nghị Chiến lược toàn cầu về môi trường tại Canada, cố Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quý đưa ra quan điểm khoa học, muốn bảo vệ rừng phải có sự tham gia của cộng đồng, thuyết phục mỗi người dân trở thành một kiểm lâm viên. Không chỉ đưa ra quan điểm, cố Giáo sư và các đồng nghiệp đã cùng nhau hiện thực hóa các ý tưởng của mình. Nhà khoa học chân chính dùng toàn bộ tiền thưởng trị giá hàng chục tỷ đồng để bảo vệ môi trường thiên nhiên ở Hà Tĩnh và giúp đỡ cán bộ ngành môi trường tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước.
Cố Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quý là người đứng đầu hoặc là người sáng lập và thành viên tích cực của nhiều tổ chức xã hội-nghề nghiệp như: Tổng Hội Các nhà sinh học Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội Sinh thái học Việt Nam... Cố Giáo sư cũng đồng sáng lập và là Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm hai Chương trình quốc gia về môi trường từ năm 1981 đến năm 1990. Cố Giáo sư đã có những chính sách đóng góp quan trọng trong việc đề xuất các chính sách phát triển bền vững như thành lập các khu bảo tồn và thúc đẩy Việt Nam tham gia các thỏa thuận quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Cố Giáo sư cũng là người biên tập và là đồng tác giả của bản thảo đầu tiên về Chiến lược bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam. Cố Giáo sư Võ Quý là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Hội đồng Vườn quốc gia và Khu bảo tồn quốc tế, Hội đồng quốc tế về Bảo vệ các loài nguy cấp.
Các địa biểu Nam Phi chúc mừng Giáo sư Võ Quý nhận Huy chương vàng của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (WFF) (Ảnh do gia đình cung cấp).
Với những đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ môi trường thiên nhiên và bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ các loài chim nên cố Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quý nhận được nhiều phần thưởng cao quý: Năm 1988 được tặng Huân chương vàng về thành tích bảo tồn động vật hoang dã và xây dựng khu bảo vệ thiên nhiên do Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) trao tặng; Năm 1994, nhận được huân chương của Hiệp hội Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (IUCN); Năm 1995 nhận giải thưởng về môi trường của Trường đại học Michigan của Mỹ. Cố Giáo sư là người Việt Nam đầu tiên nhận bằng Danh dự Global 500 của Chương trình Môi trường của LHQ (1992); Huân chương John Philipps của Hiệp hội Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (IUCN) và giải thưởng hạng nhất của Đức về bảo vệ môi trường sinh thái (1994). Cố Giáo sư Võ Quý là 1 trong 35 nhà khoa học được bầu chọn là Anh hùng môi trường theo Tạp chí Time, Hoa Kỳ (2008).
HD (ghi)
Bình luận