Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 23:02
Dọc 2 bên đường dẫn vào Khu di tích lịch sử văn hoá đền Nưa (thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), có 22 cây xà cừ cổ thụ đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam năm 2022.
Theo các cụ cao niên ở làng Mậu, xã Tân Ninh cũ (nay là thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn), những cây xà cừ này được trồng khoảng những năm 1920, dưới thời Pháp thuộc. Hiện nay, hàng xà cừ cao sừng sững, tỏa bóng cho con đường dọc tỉnh lộ 517 chạy qua tổ dân phố 6, thị trấn Nưa, trở thành biểu tượng sinh thái thu hút du khách từ khắp nơi khi chiêm bái về Khu di tích lịch sử văn hoá đền Nưa.
Hầu hết xà cừ mọc một thân, một số ít cây chia thành hai, ba nhánh và vươn lên thẳng tắp. Cây cao nhất khoảng 40 m.
Đường kính cây xà cừ lớn nhất đo ở phần gốc khoảng 2m, phải 3- 4 người ôm mới xuể, với chiều cao khoảng 28m, các cây lớn tương đối đều nhau, tỏa tán rộng.
Có tuổi đời cả trăm năm nên thân xà cừ sần sùi, lộ ra những chiếc u rất lớn phần gốc.
Vào những ngày nắng nóng, hàng cây tỏa bóng mát thanh bình, nhiều người dừng chân dưới tán cây để nghỉ ngơi. Từ lâu, hàng cây xà cừ đã trở thành biểu tượng đẹp của người dân địa phương.
Tháng 06/2022, hàng cây xà cừ gồm 22 cây được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường vinh danh là Cây Di sản Việt Nam. Việc công nhận quần thể cây di sản tại thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa có ý nghĩa rất lớn không chỉ giúp lưu giữ nguồn gen quý, bảo vệ những cây cổ thụ lâu năm, đây còn là thông điệp về đạo lý, nhân văn bày tỏ lòng tri ân, kính trọng đối với các bậc tiền nhân có công bảo vệ và gìn giữ hàng cây cũng như phong tục, tập quán của người dân dưới bóng Ngàn Nưa "Địa linh nhân kiệt".
Quần thể cây xà cừ tại cụm di tích danh thắng quốc gia đền Nưa - Am Tiên gắn với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu được công nhận là Cây Di sản Việt Nam đã góp phần quảng bá sự phong phú và đa dạng của hệ thực vật nơi đây, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, phát triển du lịch địa phương.
Hàng cây gắn liền với cuộc sống của người dân địa phương nhiều đời qua, trở thành hình ảnh quen thuộc trong đời sống bao thế hệ. Cũng chính vì thế, việc bảo tồn quần thể cây xà cừ gắn với giữ gìn, phát huy giá trị của di tích đền Nưa - Am Tiên được Nhân dân chung tay bảo vệ.
Hoạt động vinh danh, bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng, triển khai từ năm 2010. Sau 13 năm, đến nay đã có gần 7.000 cây cổ thụ, quần thể cây cổ thụ trên khắp các vùng miền đất nước và ngoài hải đảo được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động cộng đồng tiêu biểu, nổi bật, hiệu quả cao của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trong suốt 2 nhiệm kỳ vừa qua. Hoạt động này cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được đưa vào Dự thảo Nghị quyết Đại hội VIII nhiệm kỳ mới (2023-2028).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam với nhiều nội dung quan trọng dự kiến diễn ra vào ngày 26/11 tại Hà Nội. Theo đó, Đại hội sẽ nghe Báo cáo, đánh giá kết quả hoạt động của nhiệm kỳ (2018-2023); Phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu trong nhiệm kỳ mới (2023-2028); Xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng khác, đặc biệt về nhân sự và Điều lệ hoạt động. Đại hội dự kiến có khoảng 200 đại biểu đại diện cho các cơ quan ban ngành, tổ chức, đoàn thể, các đơn vị trực thuộc, hội thành viên, các chuyên gia, nhà khoa học...sẽ tham dự. Cũng trong dịp này, Hội sẽ tổ chức Kỷ niệm 35 năm thành lập (26/11/1988- 26/11/2023).
Bài và ảnh: MAI LUÂN
Bình luận