Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 04/07/2025 01:07
Thứ năm, 03/07/2025 19:07
TMO - Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao, dự báo cuối tháng 5, tăng trưởng quý II đạt 7,67%. Tính chung 6 tháng, tăng trưởng kinh tế đạt 7,31% so với cùng kỳ. Ước số liệu đến hết tháng 6, tăng trưởng 6 tháng có thể tăng thêm 0,2-0,3% so với dự báo, tức tăng khoảng trên 7,5% đến hơn 7,6%, mức này cao nhất cùng kỳ kể từ 2008.
Chiều 3/7, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, ngân sách nhà nước (NSNN)… tốt hơn qua từng tháng, từng quý; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
06 tháng đầu năm 2025, trong bối cảnh khó khăn thách thức, cả hệ thống đã rất nỗ lực, quyết tâm, kiên định với mục tiêu, bản lĩnh trong triển khai công việc, ứng phó kịp thời, hiệu quả với tình hình, nhờ đó đạt được những kết quả phát triển kinh tế-xã hội khá toàn diện, tăng trưởng cao, "ngược chiều" với triển vọng suy giảm của kinh tế thế giới. Trong đó, thu ngân sách nhà nước, thu hút FDI, xuất khẩu, phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh… đạt nhiều điểm sáng nổi bật; đạt mục tiêu, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng về thể chế, sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức, bộ máy, hệ thống chính quyền, thực hiện 03 đột phá chiến lược; đàm phán thương mại với Hoa Kỳ và hội nhập quốc tế…
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Kết quả cụ thể, công nghiệp chế biến, chế tạo Quý II tăng 10,65% so với cùng kỳ, 06 tháng tăng 10%, đạt kịch bản đề ra và thuộc số ít các năm tăng trưởng 6 tháng đạt hai con số kể từ năm 2011 . Xuất khẩu 6 tháng tăng 14,4%, xuất siêu ước đạt 7,63 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Quý II tăng 9% so với cùng kỳ, 06 tháng tăng 9,3%; khách du lịch quốc tế 06 tháng đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội Quý II tăng 10,5% so với cùng kỳ, 06 tháng tăng 9,8%; tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt trên 21,5 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ (cao nhất từ năm 2009), vốn FDI thực hiện đạt trên 11,7 tỷ USD, tăng 8,1%. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 06 tháng đạt 152,7 nghìn doanh nghiệp, cao hơn 20% so với số rút lui khỏi thị trường (127,2 nghìn doanh nghiệp).
Đặc biệt, tính riêng tháng 6, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 24,4 nghìn doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay, với tổng số vốn đăng ký gần 177 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 60,5% và 21,2% so với cùng kỳ; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động gần 14,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 91,05%; hộ kinh doanh thành lập mới đạt trên 124,3 nghìn hộ, tăng 118,4%... Tính chung 06 tháng, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt gần 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 89,03% so với cùng kỳ.
(Ảnh minh họa)
Các lĩnh vực như văn hóa, xã hội, an sinh xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ tiếp tục được chú trọng; Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai tích cực; Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp đã cơ bản đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, thời gian tới dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức hơn; yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải chủ động, quyết liệt, sát sao hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong tháng 7 và Quý III. Theo đó, khẩn trương trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Theo dõi sát hoạt động của chính quyền 2 cấp, việc triển khai các quy định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ dứt điểm vướng mắc của địa phương, bảo đảm đồng bộ, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện thông suốt các công việc theo thẩm quyền 2 cấp.
Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững với các nước. Không ngừng hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng trong nước và phát triển các động lực tăng trưởng mới. Các Bộ, ngành và địa phương theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu thuộc phạm vi quản lý, kịp thời có giải pháp quản lý, kiểm soát giá cả phù hợp, bảo đảm ổn định thị trường, không để đầu cơ, làm giá… Tiếp tục chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường…/.
ĐOÀN VINH
Bình luận