Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 09:01
Thứ hai, 31/07/2023 14:07
TMO - Tháng 10/2013, cụm ba cây K'tung - bồ đề - bằng lăng tại buôn Kroa B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đây là cây cổ thụ đầu tiên của tỉnh và khu vực Tây Nguyên được công nhận là Cây Di sản.
Việc cây cổ thụ đầu tiên trên địa bàn tỉnh được công nhận là Cây Di sản không chỉ có ý nghĩa trong việc gìn giữ những cây cổ thụ quý, bảo vệ nguồn gen đa dạng sinh học mà còn góp phần nâng cao ý thức của mọi người và toàn xã hội về vấn đề bảo vệ môi trường và gìn giữ cây xanh.
Lễ công nhận cụm ba cây K'tung - bồ đề - bằng lăng buôn Kroa B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar là Cây Di sản năm 2013.
Năm cách nhà cộng đồng của buôn Kroa B khoảng 1km, cum ba cây K'tung - bồ đề - bằng lăng ở đầu suối Ea Mkang có tuổi đời khoảng 200 năm với chiều cao trên 30m, chu vi 10,5m tỏa bóng sum suê. Sở dĩ người dân trong buôn gọi đây là cây “Đoàn kết” bởi cả ba cây quấn chặt lấy nhau, đan xen như một thể thống nhất và cùng chung sống từ bao đời nay.
Chẳng ai biết cây “Đoàn kết” được trồng từ bao giờ, người già trong buôn bảo từ khi sinh ra đã thấy cây tỏa bóng xanh mát. Trải qua bao nhiêu thăng trầm , biến cố của lịch sử, đến những cuộc “đi săn” của bọn buôn gỗ, cây “Đoàn kết” vẫn sừng sững giữa đại ngàn, trở thành báu vật của buôn làng. Già làng trong buôn Kroa B nhớ lại “Không biết cây được trồng từ đời nào mà tôi chỉ nhớ là lúc còn nhỏ thường theo mẹ ra suối tăm giặt đã thấy cây to như thế rồi”.
Cây "Đoàn kết" đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân địa phương.
Theo quan niệm của đồng bào Ê đê thì “còn rừng cây là còn nguồn nước” nên chẳng ai dám chặt rừng. Dẫu nhiều lúc dân làng thiếu củi đốt, nhưng chẳng ai dám bẻ, chặt cành cây “Đoàn kết” vì mọi người đều xem cây như vị thần canh giữ đại ngàn. Chính vì thế, đã nhiều lần những lái buôn gỗ từ các nơi tìm đến gạ mua cây cổ thụ này với giá hàng chục triệu đồng nhưng với quyết tâm giữ cây đầu nguồn để bảo tồn nguồn nước nên dân làng Kroa B không đồng ý. Với vị trí nằm ở đầu nguồn con nước, nên cây “Đoàn kết” đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, bởi vào mùa mưa hay mùa khô, suối Ea Mkang vẫn tuôn trào dòng nước trong mát.
Mỗi buổi chiều người dân buôn Kroa A và Kroa B lại gùi can, chai nhựa đến lấy nước về để nấu ăn uống, cũng có người đến suối để tắm, giặt sau khi đi làm nương rẫy về. Sự gắn bó, tương trợ nhau để sinh tồn của ba cây “Đoàn kết” từ bao đời nay như tượng trưng cho tinh thần đoàn kết chống lại kẻ thù của các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Sự kiện vinh danh Cây Di sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân buôn Kroa B.
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, sự kiện vinh danh Cây Di sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân buôn Kroa B bởi đây là cụm cây cổ thụ được cộng đồng các dân tộc địa phương gìn giữ từ nhiều đời nay. Đó cũng chính là động lực để họ tiếp tục tham gia bảo tồn những loài cây quý và cũng chính là bảo vệ nguồn sống cho chính mình.
Việc cộng đồng buôn Kroa B gìn giữ, bảo tồn cụm cây K'tung - bồ đề - bằng lăng từ bao đời nay cho thấy ý thức và quyết tâm của người dân là rất lớn. Do đó, khi cây “Đoàn kết” được vinh danh Cây Di sản mọi người đều vui mừng phấn khởi. Đây cũng là niềm tự hào của người dân địa phương nói riêng và của tỉnh Đắk Lắk nói chung.
T. H
Bình luận