Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ sáu, 05/07/2024 07:07
TMO - Xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2024 mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng vẫn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức từ các thị trường xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 875 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm tới nay. Xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản chủ lực đều có tăng trưởng cao trong tháng 6: cá tra tăng 22%, cá ngừ tăng 40%, cua ghẹ tăng 59%. Riêng mặt hàng tôm tăng nhẹ 7%. Mực, bạch tuộc là sản phẩm duy nhất giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đem về trên 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm mang về hơn 1,6 tỷ USD, cao hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng nhẹ 3%; tôm sú đạt trên 200 triệu USD, giảm 10%. Riêng xuất khẩu tôm hùm tăng mạnh gấp 57 lần so với cùng kỳ đạt hơn 130 triệu USD.
Xuất khẩu cá tra nửa đầu năm nay đạt 922 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu cá tra nửa đầu năm nay đạt 922 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Tuy có cải thiện về nhu cầu nhưng giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường vẫn thấp, như Trung Quốc, EU, Anh… Chỉ có thị trường Hoa Kỳ có tín hiệu khả quan hơn về cả giá và khối lượng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam,
Xuất khẩu cá ngừ nửa đầu năm nay tăng gần 25% đạt 477 triệu USD, chủ yếu nhờ phân khúc cá đóng hộp, đóng túi tăng mạnh. Xuất khẩu cá ngừ sang hầu hết các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, hai thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, EU chiếm lần lượt 37% và 22% trong xuất cá ngừ của Việt Nam và ghi nhận tăng trưởng 30% và 37% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ sang Israel tăng mạnh nhất, với 64%; sang Nga tăng 58%, Hàn Quốc tăng 66%...
VASEP cho biết từ năm 2021 trở lại đây xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã tăng từ mức 169 triệu USD năm 2021 lên 255 triệu USD năm 2023, tăng 51% so với năm 2022. Đặc biệt bước sang năm 2024, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh hơn qua từng tháng. Trong khi đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc trong 6 tháng đầu năm nay giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 289 triệu USD.
Ngoài cá ngừ, còn có nhiều mặt hàng cá biển có nhu cầu và doanh số bán tăng mạnh trong nửa đầu năm nay. Trong đó, cá chẽm có tăng trưởng xuất khẩu 27% đạt trên 36 triệu USD, cá chỉ vàng tăng 14% đạt trên 29 triệu USD, cá thu tăng 6%, cá minh thái tăng 8% đạt 38 triệu USD, cá cam tăng 96%. Một số loài cá nước ngọt có nhu cầu tiêu thụ tăng bao gồm: cá diêu hồng tăng 32%, cá rô tăng 18%, lươn tăng 93%. Theo VASEP, trong top 5 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, tăng trưởng mạnh nhất vẫn là thị trường Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc, EU và Hàn Quốc.
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đối mặt nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng của biến động thế giới về chính trị, kinh tế, xã hội và xung đột Nga-Ukraine; giá cả một số hàng hóa, vật tư đều ở mức cao, chi phí logistic cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất; việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành; tổ chức liên kết trong khai thác và nuôi trồng còn hạn chế; Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam…
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về sản lượng và đứng thứ 3 về xuất khẩu sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên thế giới. Chiếm tỷ trọng lớn về giá trị, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang hơn 100 thị trường. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ so với cùng kỳ là tín hiệu tích cực của ngành hàng này.
Tuy nhiên, ngành hàng tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, lạm phát vẫn cao... Tại thị trường Mỹ, lạm phát vẫn cao, cộng với cước tàu tăng đột biến từ tháng 5 nên tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia. Điều này cũng khiến tôm Việt Nam chỉ tăng 1% so với cùng kỳ tại thị trường này. EU có mức tăng trưởng khá hơn, nhờ sự phục hồi trở lại từ tháng 4. Những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường EU dự kiến tăng nhẹ cho đến cuối năm. Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu hàng giá trị gia tăng của thị trường này sẽ tăng trưởng tốt hơn các mặt hàng truyền thống bởi tồn kho đã giảm nhiều.
Tại thị trường Nhật Bản, tuy xuất khẩu tôm giảm so với cùng kỳ, song Nhật Bản vẫn được coi là thị trường có nhu cầu nhập khẩu tương đối ổn định. Sản phẩm giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường này vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador. Nhu cầu nhập khẩu của thị trường Nhật Bản dự kiến sẽ tăng từ tháng 9 để phục vụ nhu cầu cuối năm. Cùng với việc nắm bắt cơ hội từ thị trường, các doanh nghiệp cũng nỗ lực khắc phục những hạn chế, khó khăn từ sản xuất trong nước. Chẳng hạn, giá thành tôm Việt còn khá cao do tỷ lệ nuôi thành công thấp.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới cần phải quan tâm hơn nữa đến quy trình, công nghệ, kỹ thuật mới. Ảnh: BĐK.
6 tháng cuối năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,89 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 1,57 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 3,32 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 5,1 tỷ USD. Để đạt được kết quả như kỳ vọng, Bộ NN&PTNT yêu cầu ngành thủy sản tập trung giảm sản lượng khai thác như mục tiêu đã đề ra; giảm đội tàu, chuyển đổi nghề; giải quyết các vấn đề liên quan đến chống khai thác IUU như quản lý đội tàu và giám sát đội tàu, VMS, màu sơn, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản; tăng cường xử lý vi phạm hành chính…
Với nuôi trồng thủy sản, phải quan tâm hơn nữa đến quy trình, công nghệ, kỹ thuật mới. Giải quyết khó khăn đối với từng đối tượng như cá tra, tôm, cá ngừ, nhuyển thể, nuôi biển… Xem xét quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực nuôi biển…
Các chuyên gia tại VASEP cho rằng, trong bối cảnh thế giới nhiều thách thức, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2024. Để đạt mục tiêu đặt ra, các doanh nghiệp thủy sản cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường, đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, đồng thời cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Thanh Hương
Bình luận