Hotline: 0941068156
Thứ ba, 01/07/2025 19:07
Thứ ba, 01/07/2025 14:07
TMO - Chủ trương hợp nhất hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị thành một đơn vị hành chính - tỉnh Quảng Trị (mới) là một quyết sách mang tầm chiến lược sâu rộng, thể hiện tầm nhìn sáng suốt, đúng đắn, toàn diện của Trung ương Đảng và Nhà nước. Đây không chỉ là bước đi mang tính lịch sử nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, mà còn là cơ hội tái cấu trúc mô hình phát triển, hoàn thiện thể chế, tối ưu nguồn lực, mở rộng không gian và nâng cao hiệu lực quản trị, điều hành - để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Vừa qua (30/6), tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Bình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị tổ chức Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương liên quan đến việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc hoạt động cấp huyện. Đây là một dấu mốc chính trị, hành chính có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, mở ra một chặng đường phát triển mới cho tỉnh Quảng Trị sau sáp nhập.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Quảng Trị mới.
Lễ công bố được tổ chức trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Việc sáp nhập tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị không chỉ là một sự kiện mang tính hành chính tổ chức đơn thuần mà còn là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân hai tỉnh.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trao Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, kèm theo đó là Quyết định của Bộ Chính trị về thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Trị mới. Quyết định của Bộ Chính trị về việc chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (gồm 61 đồng chí); Ban Thường vụ Tỉnh ủy (gồm 18 đồng chí), Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhiệm kỳ 2020–2025.
Phó Thủ tướng trao các Quyết định của Ban Bí thư về chỉ định Ủy ban Kiểm tra (gồm 15 đồng chí), Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng các Ban của Hội đồng đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Tiếp đó, Phó Thủ tướng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Quyết định của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành lập Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (mới).
Cùng tại buổi lễ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố thành lập Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Trị mới, góp phần hoàn thiện bộ máy hệ thống chính trị cấp tỉnh sau sáp nhập. Củng cố tổ chức đảng, chính quyền đến cấp xã, phường, đặc khu
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã công bố Quyết định thành lập Đảng bộ 78 xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh Quảng Trị (mới). Ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình và ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị và lãnh đạo 2 tỉnh đã trao Quyết định thành lập Đảng bộ, Quyết định chỉ định nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư cho 78 đồng chí Bí thư Đảng ủy các xã, phường, đặc khu. Sự kiện này cũng được tổ chức đồng loạt tại các điểm cầu trên toàn tỉnh, tạo nên khí thế chính trị sôi nổi, lan tỏa tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng bộ và nhân dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đây là một bước đi đột phá trong tiến trình cải cách bộ máy hành chính, hướng tới mô hình chính quyền hai cấp: tỉnh và xã, giảm cấp trung gian, tăng tính chủ động, linh hoạt và gần dân hơn. Việc sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị không chỉ là kết nối về địa lý, tổ chức hành chính mà còn là sự hòa quyện của lịch sử, thiên nhiên, văn hóa và con người...
Ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu nhận nhiệm vụ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Ngọc Quang khẳng định sẽ cùng tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và toàn thể hệ thống chính trị tỉnh Quảng Trị phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, đổi mới và khát vọng phát triển. Định hướng phát triển tỉnh sẽ tập trung vào: Phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp sạch, logistics, du lịch sinh thái – tâm linh – di sản. Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Bảo đảm an sinh xã hội. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư.
Tỉnh Quảng Trị mới có diện tích gần 12.700 km2, quy mô dân số hơn 1,8 triệu người, có 78 đơn vị hành chính xã, phường, đặc khu; trung tâm chính trị-hành chính đặt tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình (cũ).
Lãnh đạo chủ chốt của tỉnh bao gồm: Ông Lê Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình (cũ) được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị (mới). Ông Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị (cũ) được chỉ định làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị (mới). Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị (cũ) được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị (mới). Ông Trần Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình (cũ) được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (mới).
Lễ công bố các nghị quyết, quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính tỉnh Quảng Trị mới là một dấu son đậm nét trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước trong việc tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền.
Sự kiện trọng đại này không chỉ mang ý nghĩa chính trị - hành chính, mà còn khơi dậy niềm tin, khát vọng, sức mạnh nội sinh của hơn 1,8 triệu người dân Quảng Trị – Quảng Bình xưa, Quảng Trị mới hôm nay, cùng nhau viết tiếp hành trình xây dựng vùng đất giàu truyền thống thành trung tâm phát triển mới, năng động, hội nhập và bền vững của miền Trung và cả nước.
Nhật Nông - Trần Đạt
Bình luận