Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 04/07/2025 21:07
Thứ sáu, 04/07/2025 12:07
TMO - Huyện đảo Phú Quý chính thức trở thành đặc khu trực thuộc tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, tạo động lực để Phú Quý khai thác hiệu quả lợi thế trong phát triển kinh tế biển.
Từ ngày 1/7/2025, Phú Quý chính thức trở thành đặc khu duy nhất của tỉnh Lâm Đồng (mới) sau khi hợp nhất 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông. Đặc khu Phú Quý được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba xã Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh, với trung tâm hành chính-chính trị đặt tại xã Ngũ Phụng. Đặc khu có diện tích tự nhiên 18km2, dân số khoảng 32.000 người, nằm cách cảng Phan Thiết 56 hải lý (khoảng 120 km) về hướng Đông Nam.
Với những lợi thế cho phát triển các ngành kinh tế biển, những năm qua đặc khu Phú Quý đã khai thác hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đặc khu Phú Quý hiện có khoảng 1.740 chiếc, trong đó chủ yếu là tàu cá từ 6 m trở lên do Chi cục Thủy sản quản lý với 1.635 chiếc. Tính riêng số lượng tàu cá từ 15 m đến dưới 24 m có 540 chiếc, tàu cá từ 24 m đến dưới 30 m là 20 chiếc và tàu cá từ 30 m trở lên có 14 chiếc.
Đặc khu Phú Quý khai thác lợi thế đẩy mạnh phát triển hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản.
Trong nửa đầu năm 2025, dù thời tiết không thuận lợi nhưng sản lượng đánh bắt hải sản của Phú Quý vẫn ước đạt 17.000 tấn (chủ yếu là cá, mực) và bằng 56,67% kế hoạch năm. Địa phương này chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững gắn với thực hiện tốt công tác quản lý lồng bè, góp phần đa dạng hóa nguồn lợi và bảo vệ môi trường biển…
Những năm trở lại đây, Phú Quý dần trở thành điểm đến hút khách nhờ lưu giữ vẻ đẹp hoang sơ, có nhiều danh thắng, di sản văn hóa lịch sử như: Vạn An Thạnh (thờ Thần Nam Hải - cá Ông), Đền thờ Công chúa Bàn Tranh, Chùa Linh Quang. Hay như thắng cảnh Bãi Nhỏ - Gành Hang, vịnh Triều Dương, Hòn Tranh, ngọn Hải Đăng hùng vĩ, Cột cờ Phú Quý khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, núi Cao Cát với những vách đá hình thù lạ mắt… Du khách không chỉ đến để nghỉ dưỡng, mà còn để hòa vào không gian văn hóa, nơi tiếng trống chầu vang lên trong lễ hội cầu ngư, nơi những câu chuyện về tổ tiên đi mở biển vẫn được kể lại bên mâm cơm cá nục kho keo.
Trong năm 2024, Phú Quý đã thu hút hơn 150.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm ở nơi đầu sóng ngọn gió. Trong 6 tháng đầu năm nay, hoạt động du lịch trên địa bàn Phú Quý vẫn diễn ra sôi động và ước đón khoảng hơn 82.000 lượt khách, đồng thời dự báo lượng khách tiếp tục tăng trong mùa cao điểm du lịch Hè 2025.
Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại khu vực này.
Người dân kỳ vọng khi trở thành đặc khu, Phú Quý sẽ có cơ chế quản lý riêng, tạo động lực khai thác hiệu quả thế mạnh về du lịch và kinh tế biển. Đặc khu Phú Quý tiếp tục phát triển các ngành kinh tế biển các ngành chủ lực như khai thác xa bờ, nuôi trồng thủy sản, chế biến hải sản xuất khẩu. Các ngành này đang mang lại giá trị gia tăng cao, tạo việc làm ổn định, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Đặc khu Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Đặc khu Phú Quý thành Trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển của vùng và cả nước.
Bên cạnh đó, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn tại khu vực này. Phú Quý định hướng phát triển theo mô hình du lịch xanh, sạch, thông minh. Giảm thiểu bê tông hóa, bảo vệ cảnh quan tự nhiên và tài nguyên biển. Khai thác giá trị văn hóa ngư dân, tín ngưỡng dân gian, ẩm thực đặc trưng. Đặc biệt, địa phương cũng đề xuất sớm triển khai cáp điện từ đất liền và xây dựng sân bay chuyên dùng lưỡng dụng, nhằm đảm bảo kết nối bền vững, phục vụ phát triển kinh tế, du lịch và quốc phòng – an ninh.../.
Lê Nga
Bình luận