Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ bảy, 22/07/2023 12:07
TMO - Trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ sạt lở, mức độ thiệt hại do sạt lở trên địa bàn An Giang tăng so với cùng kỳ năm 2022. Thực tế này đòi hỏi tỉnh An Giang cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra.
Thống kê của ngành chức năng tỉnh cho thấy, 6 tháng đầu năm nay toàn tỉnh xảy ra 41 vụ sạt lở với tổng chiều dài 1.983m, tăng 25 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Thiệt hại về đất do sạt lở với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2022 chỉ gần 1,4 tỷ đồng). Trong đó, An Phú là địa phương xảy ra nhiều vụ sạt lở nhất với 17 đoạn, thị xã Tân Châu và thành phố Long Xuyên 8 đoạn, huyện Chợ Mới 5 đoạn… Sạt lở gây ảnh hưởng đến 74 căn nhà của người dân, trong đó huyện An Phú bị ảnh hưởng nhiều nhất với 44 căn, thị xã Tân Châu 12 căn, thành phố Long Xuyên 11 căn và huyện Chợ Mới 7 căn. Sạt lở còn ảnh hưởng đến đường giao thông nông thôn trên địa bàn các huyện Chợ Mới, An Phú, thành phố Long Xuyên...nguy cơ ảnh hưởng đến Quốc lộ 91.
Sang đầu tháng 7, lại liên tiếp diễn ra sạt lở. Điển hình như ngày 3/7, trên tuyến đường bờ Nam kênh Đào (ấp Mỹ Chánh, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú) đã xảy ra sạt lở tại vị trí tiếp giáp với đoạn sạt lở cũ. Tổng chiều dài sạt lở khoảng 5m, ăn sâu vào mặt đê 2,5m, sụp xuống khoảng 2cm. Cũng trong ngày 3/7, trên tuyến kênh Mương Sung (thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới) đã xảy ra răn nứt, sụt lún đất; tổng chiều dài khoảng 45m.
Sạt lở bờ kênh Rạch Giá - Long Xuyên trên địa bàn xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên. Ảnh: TN.
Tại thị trấn An Phú (huyện An Phú), chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra sạt lở. Mới đây, ngày 10/7, địa bàn khóm An Hưng (thị trấn An Phú), tại vị trí sụt lún ngày 7/7/2023 (thuộc bờ Bắc kênh Mới, cách Trung tâm Y tế huyện An Phú về phía Nam khoảng 170m; chiều dài sụt lún khoảng 20m, ngang khoảng 3m, sụp lún sâu khoảng 0,5m), tiếp tục sụt lún thêm độ sâu khoảng 1,5 - 2m, vết nứt ăn sâu vào mép lộ nhựa khoảng 0,3 - 0,5m và lộ nhựa có nguy cơ bị sụp thêm.. Ngoài những điểm sạt lở mới, thì ở những đoạn bờ sông, kênh, rạch thường xảy ra sạt lở, nguy cơ sạt lở mở rộng là rất lớn.
Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, địa bàn tỉnh hiện có 56 đoạn nằm trong cảnh báo sạt lở từ đặc biệt nguy hiểm đến nguy hiểm, với tổng chiều dài khoảng 181.450 m. Sạt lở thường xảy ra trên các tuyến sông, kênh, rạch chính như: Sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di, sông Châu Đốc, sông Cái Vừng, kênh Xáng Tân An, rạch Ông Chưởng, rạch Cái Sắn. Các đoạn cảnh báo sạt lở có khả năng gây ảnh hưởng cho 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đánh giá, nguyên nhân sạt lở gia tăng là do diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mê Kông gây thiếu bùn cát bồi lắng và hoạt động khai thác cát, xây dựng, vận tải hai bên bờ sông... Bên cạnh đó, An Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh; việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông gây chấn động và sóng... là nguyên nhân gây sạt lở đất ven sông, kênh, rạch.
Để phòng ngừa, cảnh báo sạt lở, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức triển khai quan trắc, cảnh báo sạt lở định kỳ 2 lần/năm và đo đạc, phối hợp, hỗ trợ địa phương khảo sát, bảo cáo tình hình sạt lở đột xuất tại 20 điểm trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cảnh báo kịp thời cho địa phương và nhân dân trong vùng biết nguy hiểm. Trên cơ sở kết quả quan trắc cảnh báo sạt lở, tỉnh đã thực hiện cấm mốc trên thực địa khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở (khu vực nguy hiểm và khu vực an toàn) cho các đoạn được cảnh báo.
Các địa phương phát hiện có dấu hiệu xảy ra sạt lở bờ sông, kênh, rạch, cấp huyện, cấp xã sẽ chủ động thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó xử lý sạt lở bờ sông, như: Huy động lực lượng tại chỗ lực lượng xung kích, người dân địa phương,... sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và hiểm. Ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, địa phương sẽ thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Đồng thời, tổ chức xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở như: di dời nhà, công trình, vật kiến trúc ra khỏi khu vực sạt lở,...
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình được tỉnh An Giang đẩy mạnh thực hiện nhằm hạn chế thiệt hại do sạt lở bờ sông. Ảnh: NC.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, những tháng cuối năm 2023, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có nguy cơ xảy ra ngập lụt, úng tại khu vực có địa hình trũng, thấp, vùng ven sông, đặc biệt là khu vực đô thị tại thành phố Long Xuyên trong các đợt triều cường dâng cao, kết hợp lũ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về và mưa lớn nội vùng...
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang khuyến cáo, các Sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh cần tăng cường theo dõi, cảnh báo người dân ngay khi phát hiện dấu hiệu sạt lở; có giải pháp bảo vệ đường bờ sông tại khu vực đoạn cua cong; cắm biển báo khu vực sạt lở. Trước tình hình sạt lở gia tăng, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu, các Sở, ngành và địa phương tập trung phòng, chống; có kế hoạch đề xuất nạo vét khơi thông chỉnh trị dòng chảy hạn chế sạt lở, di dời người dân ra khỏi nơi xung yếu.
Để hạn chế thiệt hại về người, tài sản do sạt lở đất bờ sông, tỉnh An Giang tăng cường cảnh báo, phòng, chống và khắc phục hậu quả sạt lở đất bờ sông; tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo, theo dõi, quan trắc cảnh báo các đoạn sông xảy ra sạt lở. Các huyện, thị, thành tăng cường kiểm tra không để phát sinh, cải tạo gia tăng tải trọng nhà ở, công trình trên bờ sông, kênh, rạch trái phép; thanh tra, kiểm tra việc khai thác cát sông trái phép, xử lý nghiêm các sai phạm.
Bên cạnh những thiệt hại do sạt lở bờ sông, kênh, rạch An Giang còn đối diện với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Xen lẫn giữa mưa, giông, lốc, sét là hiện tượng nắng nóng, khô hạn do tác động của El Nino. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ mưa, giông, lốc, sét, làm 1 người chết do bị sét đánh; 146 căn nhà bị sập và tốc mái; 54,32ha lúa, hoa màu bị đổ, ngã. Mưa giông còn làm tốc mái nhà kho, trại quán của người dân.
Minh Trí
Bình luận