Hotline: 0941068156
Thứ ba, 08/07/2025 18:07
Thứ hai, 07/07/2025 15:07
TMO - Tỉnh Lạng Sơn đề nghị các địa phương, doanh nghiệp triển khai phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong mùa mưa bão.
Những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các loại hình thiên tai, hiện tượng thời tiết cực đoan cả về cường độ, tần suất và phạm vi ảnh hưởng. Trên địa bàn tỉnh thời gian qua thường xuất hiện các loại hình thiên tai, thời tiết cực đoan như: dông lốc, lũ lụt, sạt lở, hạn hán kéo dài… gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và hoạt động sản xuất của người dân.
Năm 2024, trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi các đợt thiên tai như: rét đậm, rét hại và mưa lũ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản (ước tổng thiệt hại trên 1.379 tỷ đồng). Đặc biệt, từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thời tiết diễn biến phức tạp như: nắng nóng kéo dài, cùng với đó là nhiều đợt mưa lớn, dông lốc xảy ra vào tháng 5 và đầu tháng 6/2025 đã gây ảnh hưởng và thiệt hại về tài sản của người dân.
Theo dự báo, mùa mưa, bão năm nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Trong đó, các đợt mưa lớn chủ yếu xuất hiện vào tháng 8 đến tháng 10 và có khả năng xuất hiện lũ lớn nhất trong năm. Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: dông, lốc, sét và gió giật mạnh cũng có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sức khỏe cộng đồng.
Tỉnh Lạng Sơn đề nghị các địa phương, doanh nghiệp triển khai phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong mùa mưa bão.
Một trong những nhiệm vụ của công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh là chủ động phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đề nghị các địa phương và 33 đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong mùa mưa bão năm 2025.
Các địa phương chủ động rà soát, điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Thường xuyên theo dõi vận hành các công trình xử lý chất thải, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, trong đó tăng cường công tác kiểm tra các hồ chứa chất thải hoặc các bãi lưu giữ chất thải.
Các địa phương đặc biệt lưu ý tại các bãi thải quặng, hồ chứa quặng đuôi của các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, cơ sở sản xuất phân bón, hoá chất; bãi lưu giữ chất thải rắn của nhà máy nhiệt điện, luyện kim, khai thác than và cơ sở xử lý chất thải; hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện có nguy cơ sạt lở hoặc vỡ đập do mưa lớn, lũ lụt; kho chứa hàng hóa..
Bên cạnh đó, cần chủ động rà soát hệ thống thoát nước mưa bề mặt, đê chắn bao quanh các khu vực nêu trên để tiến hành cải tạo, gia cố, đặc biệt là các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo chắc chắn, không bị sạt lở do mưa bão, lũ lụt gây ra; chú trọng đầu tư công trình, trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; xây dựng, huấn luyện lực lượng tại chỗ cho ứng phó sự cố môi trường; kịp thời thông tin về sự cố môi trường đến các cơ quan có thẩm quyền và thực hiện tổ chức ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định, phù hợp với nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường.
Đồng thời thực hiện đúng và đầy đủ yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Ngoài ra cũng cần xây dựng, huấn luyện lực lượng tại chỗ và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố môi trường. Trường hợp xảy ra sự cố, tổ chức thực hiện ứng phó và kịp thời thông tin, báo cáo đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.../.
Lê Hường
Bình luận