Hotline: 0941068156
Thứ năm, 03/07/2025 16:07
Thứ năm, 03/07/2025 05:07
TMO - Xã Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) đã chủ động xây dựng và triển khai các phương án phòng, chống úng ngập trong mùa mưa bão năm nay. Lực lượng ứng trực được bố trí sẵn sàng, thiết bị, vật tư được chuẩn bị đầy đủ nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống mưa lớn, đảm bảo an toàn cho người dân và ổn định sản xuất.
Trước diễn biến thời tiết phức tạp trong mùa mưa bão, xã Yên Mỹ (huyện Yên Mỹ trước đây) đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống úng ngập nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã rà soát toàn bộ hệ thống kênh mương, cống tiêu, trạm bơm để kịp thời sửa chữa, nạo vét, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước.
Lực lượng xung kích tại chỗ được kiện toàn, thường trực 24/24 giờ trong những ngày mưa lớn để ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, các thiết bị, phương tiện như máy bơm dã chiến, vật tư gia cố bờ vùng, bờ thửa cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để người dân chủ động chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản và diện tích sản xuất nông nghiệp.
Với sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền đến cơ sở, xã Yên Mỹ đặt mục tiêu bảo vệ an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do úng ngập gây ra, góp phần giữ vững ổn định sản xuất và đời sống trong mùa mưa bão năm nay.
Tuy vậy, việc hoàn trả các công trình thủy lợi theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương còn chậm làm ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước. Thêm vào đó, trên một số tuyến sông trục, kênh tưới, kênh tiêu còn xảy ra tình trạng đổ rác thải, vật cản gây cản trở dòng chảy…
Xã Yên Mỹ đã rà soát, đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi; hiện trạng hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ tưới, tiêu. Từ đó xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2025; Kế hoạch phòng, chống lụt, bão, úng năm 2025.
Người dân Yên Mỹ phải sử dụng thuyền để di chuyển trong đợt mưa lớn gây lũ lụt năm 2024.
Để phòng, chống hạn hạn, huyện thiết kế đặt 1 tổ máy bơm dã chiến công suất 1.000m3/giờ tại thôn Tráng Vũ, để lấy nước ở sông Đồng Than, hỗ trợ tưới cho gần 20ha lúa và rau màu; nâng cấp 1 tổ máy có công suất 540m3/giờ của trạm bơm Xuân Tràng lấy nước từ sông Kim Sơn lên 1000m3/giờ; đầu tư sửa chữa các cống điều tiết; nạo vét, tu bổ và trục vớt rau, bèo, vật cản trên hệ thống công trình thủy lợi…
Đối với công tác phòng, chống lụt, bão, úng, qua khảo sát cho thấy, có 11 công trình, dự án khi thi công đã gây ảnh hưởng tới việc tiêu thoát nước của hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện. Chủ yếu là do, các đơn vị tiến hành đắp các đập đất để phục vụ thi công hoặc phần đất giao cho doanh nghiệp có hệ thống kênh tưới, tiêu nhưng đơn vị chưa đào đắp hoàn trả kênh, mương theo quy định.
Cụ thể, do thi công hạ tầng Khu Công nghiệp Yên Mỹ đã gây ách tắc do nhiều rau bèo, vật cản làm cản trở dòng chảy trên kênh tưới tiêu N2 của Trạm bơm Đầm và kênh tiêu Boi thuộc; Công ty cổ phần xây dựng, thương mại và vật liệu Sông Hồng khi thực hiện dự án kè mái đoạn hạ lưu cống D199, sông Đồng Quê thuộc địa phận xã Yên Phú đã đắp 2 đập đất ngăn dòng chảy; Công ty TNHH Gia Anh Hưng Yên ở Yên Mỹ khi đặt cống để làm đường đi vào công ty đã đặt cống có khẩu độ nhỏ, bị bồi lắng, gây ách tắc, không bảo đảm tiêu thoát nước; Công ty TNHH phát triển hạ tầng KCN Hòa Phát Hưng Yên chưa hoàn trả tuyến kênh có chiều dài 1.600m trên kênh tiêu chính của Trạm bơm Quần Ngọc và tuyến kênh trên kênh tiêu của Trạm bơm Trung Đạo có chiều dài 1.691m ảnh hưởng đến dòng chảy và tiêu thoát nước…
Bên cạnh đó, một số đoạn kênh, mương chưa được trục vớt rau, bèo, vật cản thường xuyên cũng làm cản trở dòng chảy, ảnh hưởng tới hiệu quả tưới, tiêu.
Lãnh đạo Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi xã Yên Mỹ cho biết: Trên cơ sở hiện trạng và phân tích nguyên nhân, xí nghiệp tham mưu, đề xuất với huyện những giải pháp nhằm sẵn sàng thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán, úng ngập. Đối với các điểm ách tắc cục bộ do thi công công trình, huyện yêu cầu các đơn vị thi công, chủ đầu tư ký cam kết với huyện về việc chủ động, tích cực phá dỡ các đập chắn nước khi có mưa lớn xảy ra nhằm bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời.
Năm 2024, toàn xã có 20 điểm đang thi công công trình gây ách tắc dòng chảy, đến nay, đã có 10 điểm xử lý xong, còn 10 điểm tồn tại, xí nghiệp đang tiếp tục đề nghị chủ đầu tư xử lý thanh thải dòng chảy, lắp đặt hoàn trả hệ thống, công trình thủy lợi. Cùng với đó, xí nghiệp thực hiện nạo vét, duy tu, trục vớt vật cản tại khu vực các trạm bơm và trên các tuyến kênh, mương do đơn vị quản lý; đôn đốc các địa phương trục vớt rác thải, vật cản trên các tuyến kênh nội đồng…
Lực lượng chức năng xã Yên Mỹ kiểm tra an toàn hồ chứa.
Để sớm chủ động trước thiên tai, mưa bão, ngày21/4/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND về việc phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên năm 2025.
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tại để phát huy tinh thần tự giác, chủ động phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai; Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; Huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị để triển khai có hiệu quả các biện pháp cơ bản nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra và thích ứng với biến đổi khí hậu đối với hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân;…
Tại Quyết định cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp đề ra, gồm công tác chuẩn bị, sẵn sàng trước thiên tai; công tác phòng, chống thiên tai và bảo vệ đê điều; công tác phòng, chống úng, chống hạn nội đồng; chế độ trực và tuần tra canh gác; xử lý sự cố trong lũ; Công tác tìm kiếm cứu nạn; giải quyết hậu quả sau lũ, bão, úng; một số quy định trong mùa mưa, bão; công tác thông tin, tuyên truyền.
Việc chủ động triển khai các phương án phòng, chống úng ngập tại xã Yên Mỹ thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của chính quyền địa phương trước những diễn biến phức tạp của thời tiết.
Với phương châm “4 tại chỗ”, xã đã huy động tối đa nguồn lực sẵn có, từ lực lượng ứng trực đến vật tư, thiết bị phục vụ tiêu thoát nước. Đồng thời, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc phối hợp ứng phó thiên tai cũng được chú trọng, nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại khi mưa lớn xảy ra. Sự chủ động này không chỉ góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, mà còn giúp đảm bảo tiến độ sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống trong mùa mưa bão. Thực tế cho thấy, khi công tác phòng, chống úng ngập được triển khai đồng bộ, bài bản từ sớm, sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt.
Vũ Huyền
Bình luận