Hotline: 0941068156
Thứ tư, 02/07/2025 14:07
Thứ ba, 01/07/2025 15:07
TMO - Tỉnh Lai Châu yêu cầu các địa phương lập phương án, chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực (nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất và kinh phí dự phòng...) phục vụ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường sau mưa lũ, bão, thiên tai…
Thiên tai không những gây ra những tổn thất về tài sản, tính mạng, sức khỏe cho những vùng trực tiếp chịu tác động mà còn gây ra nhiều thiệt hại cho môi trường tự nhiên, môi trường sống của nhân dân và môi trường sản xuất. Những vùng bị ngập lụt, môi trường bị ô nhiễm nặng ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do phân, rác, nước thải, bãi thu gom, tập kết xử lý chất thải rắn, kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật... bị cuốn chung vào nguồn nước.
Các công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy làm cho phân, rác, nước thải tồn đọng từ các nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi tràn trực tiếp ra môi trường. Cây cối, hoa màu bị chết vì bị ngâm trong nước lâu ngày; xác chết của một số loài động vật, gia súc, gia cầm làm phát sinh dịch bệnh cho người và gia súc gia cầm...
Trước thực tế trên, tỉnh Lai Châu yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão. Trong đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục phương tiện, trang thiết bị ứng phó nhằm kịp thời khắc phục những hỏng hóc bất thường để đảm bảo trong trạng thái sẵn sàng ứng phó.
Đồng thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực đầu tư, mua sắm bổ sung, tăng cường các phương tiện, trang thiết bị, đào tạo nhân lực của tỉnh cho những năm tiếp theo, nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ khi có các sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền mua sắm phương tiện, trang thiết bị theo quy định. Tổ chức chỉ huy tại hiện trường, tham gia đề xuất các biện pháp ứng phó các sự cố môi trường và chỉ huy trực tiếp công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, điều hành ở các cấp và hành động phối hợp, hiệp đồng của bộ đội trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố môi trường gây ra. Chỉ đạo Ban Chỉ huy khu vực phòng thủ, lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và Công an triển khai lực lượng bảo vệ hiện trường, bảo đảm an ninh trật tự; triển khai lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh.
Việc đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập trong mùa mưa lũ là nhiệm vụ quan trọng được nhấn mạnh triển khai.
Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đê điều, hồ chứa thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn, gia cố, tu sửa các công trình trước mùa mưa lũ; phát hiện và xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
Xây dựng, tổ chức thực hiện phương án chống ngập, chống hạn, phương án khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Đối với các công trình đang thi công, chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công và có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ.
Thường xuyên thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động có nguy cơ xảy ra sự cố chất thải thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường và phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai đến nơi ở an toàn. Tổ chức cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét... Tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi, hồ chứa nước thủy lợi trước, trong và sau mùa mưa lũ
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, hạn hán, mưa, bão, lũ quét, lũ ống, phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch để chủ động điều chỉnh bố trí cây trồng vật nuôi phù hợp với khả năng cung cấp nước của từng vùng, từng địa phương; Chỉ đạo Công ty TNHH MTV quản lý thủy nông Lai Châu và các tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra, rà soát, tiến hành gia cố bờ hồ, đập chứa, các công trình thủy lợi, các khu vực nuôi trồng thủy sản; xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó khi có sự cố xảy ra; hướng dẫn các địa phương, cơ sở chăn nuôi xử lý, tiêu hủy gia súc, gia cầm, động vật chết do bão, lũ lụt đảm bảo đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh
UBND tỉnh giao Sở Công Thương thực hiện kiểm tra, rà soát đập, hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện có nguy cơ xảy ra sự cố do mưa lớn, lũ lụt… trên cơ sở đó đề nghị chủ đầu tư các công trình thủy điện chủ động thực hiện các biện pháp gia cố, xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó khi có sự cố xảy ra với phương châm “4 tại chỗ”. Phối hợp với Sở Tài chính, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu bắt buộc hoặc cưỡng chế bên gây ra sự cố tràn dầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Các địa phương hủ động rà soát, kiểm tra các khu vực trên địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.
UBND cấp xã chủ động rà soát, kiểm tra các khu vực trên địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường nhất là trong các mùa mưa lũ, bão, thiên tai như: Khu vực có nguy cơ bị ngập lụt; khu vực lưu chứa, xử lý các loại chất thải, hóa chất; kho thuốc bảo vệ thực vật… để có các phương án di chuyển kịp thời, không để bị ngập lụt hoặc nước cuốn trôi, đảm bảo an toàn và hiệu quảLập phương án, chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực (nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất và kinh phí dự phòng...) phục vụ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường sau mưa lũ, bão, thiên tai….
Chủ động xử lý tiêu hủy xác động vật chết sau mưa lũ, bão, thiên tai bảo đảm đúng quy định; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác động vật chết xuống các dòng sông, ao, mương, bãi đất trống, bụi cây..., làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện các bước xử lý môi trường sau mưa lũ, bão, thiên tai theo quy trình...
UBND xã các yêu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn đặc biệt là các cơ sở có nguy cơ dễ phát sinh sự cố môi trường như: Cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản; cơ sở sản xuất phân bón; bãi lưu giữ chất thải rắn của nhà máy chế biến sắn, dong riềng; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, và các cơ sở khác có hồ chứa chất thải, nước thải hoặc các bãi lưu giữ chất thải... tiến hành rà soát hệ thống thoát nước mưa bề mặt để cải tạo, gia cố trước thời điểm mưa bão, đảm bảo chắc chắn, không bị sạt lở; xây dựng phương án, bố trí các nguồn lực; đầu tư công trình, trang thiết bị, phương tiện sẵn sàng ứng phó sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường do sạt lở các hồ chứa, bãi thải gây ra; xây dựng, huấn luyện lực lượng tại chỗ cho ứng phó sự cố môi trường.../.
Bùi Thuận
Bình luận