Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 16:01
Thứ bảy, 17/08/2024 06:08
TMO - Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng đầu gạo Việt Nam trong 7 tháng của năm 2024 với khối lượng gạo nhập khẩu hơn 2,3 triệu tấn.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2024 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 751.093 tấn, tương đương 451,77 triệu USD, tăng 46,3% về lượng, tăng 39,7% về trị giá so với tháng 6/2024. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 8,3% về lượng, tăng 27,7% về trị giá, với sản lượng gần 5,3 triệu tấn, tương đương gần 3,34 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu trung bình 7 tháng qua đạt 630,2 USD/tấn, tăng 18% so với cùng kỳ.
Thị trường mua nhiều gạo Việt nhất là Philippines, 7 tháng qua, các doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 2,31 triệu tấn, trị giá trên 1,42 tỷ USD sang thị trường này, tăng 19,4% về lượng, tăng 44,4% về trị giá. Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2, đạt 778.692 tấn, tương đương 481,69 triệu USD, tăng 29,2% về lượng, tăng 60,9% về trị giá, chiếm 14,7% trong tổng lượng và chiếm 14,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Thị trường Malaysia cũng tăng mua gạo Việt, sản lượng xuất khẩu 7 tháng sang Malaysia đạt 529.730 tấn, tương đương 314,18 triệu USD, tăng 129,3% về lượng, tăng 176,6% trị giá.
Giá gạo xuất khẩu sang các thị trường chủ lực này 7 tháng đều tăng mạnh. Cụ thể, giá xuất khẩu sang Philippines đạt 615 USD/tấn, tăng 21%, Indonesia đạt 618,6 USD/tấn, Malaysia có giá trung bình 593 USD/tấn. Philippines là nước tiêu thụ gạo lớn, và là một trong số các quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Trong những năm qua, lượng gạo nhập khẩu của Philippines hàng năm luôn ở mức cao, đạt kỷ lục 3,82 triệu tấn vào năm 2022.
Philippines có sản xuất lúa gạo, tuy nhiên trong nhiều năm qua sản xuất lúa gạo trong nước luôn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Tùy thuộc vào điều kiện canh tác và thời tiết, sản xuất nội địa trong những năm gần đây của Philippines đạt khoảng từ 19 đến 20 triệu tấn thóc, tương đương khoảng trên 12 triệu đến 13 triệu tấn gạo. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Gạo và của Bộ Nông nghiệp Philippines, sản xuất lúa nội địa của Philippines năm 2022 đạt khoảng 19,75 triệu tấn, tương đương với khoảng 12,74 triệu tấn gạo. Năm 2023, Philippines lần đầu sản xuất lúa nội địa cán mốc trên 20 triệu tấn (cụ thể là 20,06 triệu tấn).
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước của Philippines hàng năm từ khoảng 14,5 triệu đến 15 triệu tấn. Nhu cầu dự trữ tối thiểu đảm bảo đủ lương thực cho 30 ngày để đảm bảo an ninh lương thực trong nước của Philippines khoảng trên 1,2 triệu tấn. Vì vậy, tổng nhu cầu gạo hàng năm của Philippines khoảng trên 15,5 đến 17 triệu tấn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu.
Sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên hàng năm Philippines phải nhập khẩu từ khoảng trên 3 triệu đến 4 triệu tấn gạo. Trong đó, nhập khẩu gạo từ Việt Nam chiếm khoảng 85%; từ Thái Lan khoảng 10%; phần còn lại được nhập khẩu từ Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản, Đài Loan. Đặc biệt, kể từ năm 2019, khi Philippines ban hành và thực thi Luật số 11203 cho phép tự do xuất nhập khẩu và thương mại gạo, dỡ bỏ hạn ngạch và các hạn chế nhập khẩu gạo thì Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành nhà cung ứng gạo quan trọng, luôn giữ vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines.
Theo Tham tán thương mại tại Philippines, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước, bên cạnh tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới, cũng vẫn cần phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines. Bởi hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tiếp tục phối hợp tốt với Bộ Công Thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Philippines để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam. Tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm gạo xuất khẩu qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng gạo vào thị trường Philippines.
Đồng thời đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không chỉ quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình, chất lượng thấp hơn để phục vụ cho một số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp.
Trước đó, 9/7/2024, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Lê Minh Hoan đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel Jr. Hai Bộ trưởng nhất trí thành lập liên minh ngành lúa gạo, đồng thời kỳ vọng hai nước sẽ sớm chuyển dịch từ quan hệ thương mại sang quan hệ đối tác đầu tư trong ngành hàng lúa gạo
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trong bối cảnh mới hiện nay với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng và biến đổi khí hậu ngày một rõ nét, ngành lúa gạo Việt Nam đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong cả sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng ngành lúa gạo, giảm chi phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.
Theo ông Francisco Tiu Laurel Jr, ngành nông - ngư nghiệp Philippines hiện đối mặt với những thách thức to lớn do năng suất còn thấp, hoạt động sản xuất đa phần có quy mô nhỏ lẻ. Những thay đổi chính trị, xã hội và môi trường gần đây còn gây áp lực nặng nề lên hệ thống sản xuất và phân phối thực phẩm của Philippines, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực, dinh dưỡng trong nước. Ông Francisco đề nghị phía Việt Nam cùng với Philippines thành lập liên minh ngành lúa gạo, để chuyển đổi dần từ quan hệ thương mại lúa gạo sang hợp tác đầu tư sản xuất lúa gạo.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kỳ vọng hai nước sẽ sớm chuyển dịch từ quan hệ thương mại sang quan hệ đối tác đầu tư trong ngành hàng lúa gạo. Điều này sẽ cho phép Việt Nam đưa các công nghệ phù hợp để tối ưu hóa chuỗi sản xuất lúa gạo của nước bạn, thay vì xuất khẩu sản phẩm gạo đã xay xát. Thêm nữa, hai Bộ Nông nghiệp có thể khám phá khả năng liên doanh sản xuất lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực.
Lê Hương
Bình luận