Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ năm, 12/09/2024 07:09
TMO - TP. HCM đặt mục tiêu phấn đấu đưa địa phương trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.
TP. HCM dẫn đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics (LCI) cấp tỉnh do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA) cùng Viện Nghiên cứu & Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) và Dream Incubator (DI) công bố cuối năm ngoái. Với vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, TP. HCM là nơi sản xuất và tiêu dùng một lượng lớn hàng hóa. Bên cạnh đó, địa phương này có lợi thế về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông Bắc-Nam, Đông-Tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho các tỉnh phía Nam.
Theo Sở Công Thương TP. HCM, với những thuận lợi đặc thù về thương mại và vận tải quốc tế, TP. HCM đã và đang có vị thế lý tưởng để trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Nam và cả nước. Toàn TP. HCM hiện có 9.600 doanh nghiệp đăng ký ngành dịch vụ logistics (chiếm 36,7% cả nước). Thành phố cũng chiếm tỷ trọng 54% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước (khoảng 2.700 doanh nghiệp), đây là những doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong hoạt động giao thông vận tải, hậu cần, logistics, giúp TP. HCM duy trì vị thế là địa phương dẫn đầu trong hoạt động logistics trong khu vực và cả nước.
Về cơ sở hạ tầng, thành phố có cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với tần suất cất - hạ cánh cao nhất cả nước, xấp xỉ 260.000 lượt và hành khách đạt 42 triệu lượt (gấp rưỡi so với công suất khai thác thiết kế) vào 2023. Với đường biển, Cát Lái là cảng biển lớn nhất cả nước với công suất 6,4 triệu TEU mỗi năm. Hàng hóa qua cảng này chiếm 85% tổng sản lượng các cảng phía Nam và 50% cả nước. TP. HCM đang nghiên cứu xây dựng cảng Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lên tới 250.000 DWT (24.000 TEU), vốn đầu tư gần 5,5 tỷ USD.
Theo số liệu từ Cục Thống kê TP. HCM, 8 tháng đầu năm, tổng doanh thu các dịch vụ logistics đạt gần 289.400 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vận tải hàng hóa tăng 12,3%; dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải... gần 54%. Năm nay thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5-8%. Để đạt mục tiêu này, TP. HCM đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy đầu tư công, dịch vụ tiêu dùng trong nửa cuối năm.
TP. HCM hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.
Tuy nhiên, hạ tầng dịch vụ logistics của TP.HCM chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành trong thời gian tới. Trong đó, chưa có trung tâm logistics quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại. Cùng với đó, công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics tại thành phố còn chậm, chưa thực sự đồng đều; quy mô doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics còn hạn chế về năng lực hoạt động… Mặc dù được đánh giá cao về năng lực cạnh tranh logistics so với các địa phương khác song thực tế, hệ thống logistics của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố nói riêng, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Sở Công Thương TP. HCM cho biết, giao thông vận tải TP. HCM gắn liền với các tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và được định hướng trở thành đầu mối giao thông kết nối khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ, với khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống đường bộ, đặc biệt hệ thống đường vành đai 2, 3, 4 chưa hoàn chỉnh, thường tắc nghẽn các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, ICD Trường Thọ...
Tuyến Bắc-Nam kết nối kém với cảng biển, cảng hàng không, sản lượng thấp, tiêu chuẩn kỹ thuật lạc hậu, thiếu vốn đầu tư nâng cấp, chuyển đổi. Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, các ga hàng không đã hết công suất, chưa phát triển theo mô hình ga cảng hàng không nối dài. Trên địa bàn TP. HCM hiện có 1.505 nhà kho, đa số đều có diện tích nhỏ, xu hướng kho thu hẹp và chuyển dịch sang các tỉnh lân cận.
Trước thực tế trên, nhằm phát huy những lợi thế trong phát triển ngành dịch vụ logistics tương xứng với tiềm năng, UBND TP. HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển; đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, các dự án đầu tư phải được triển khai thực hiện một cách nhất quán, hiệu quả, minh bạch, công bằng và phù hợp quy định pháp luật; huy động tối đa nguồn lực xã hội trong quá trình triển khai, khuyến khích đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân bằng cách tạo điều kiện thuận lợi về chính sách thuế, đất đai và thủ tục hành chính. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và dịch vụ công, phát triển hạ tầng kỹ thuật số phải được thực hiện để tạo điều kiện cho kết nối và trao đổi thông tin nhanh chóng và hiệu quả, góp phần vào quá trình chuyển đổi số của TP. HCM.
Kế hoạch nêu rõ, mục tiêu của TP. HCM đến năm 2030 là phát triển logistics trở thành một ngành có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế thành phố trên cơ sở tận dụng tối đa các cơ hội đón đầu các chuỗi cung ứng toàn cầu; Phấn đấu đưa thành phố trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, trong đó tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics và cảng biển đồng bộ, hiện đại, tăng cường kết nối các trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại dịch vụ, phân phối của Vùng Đông Nam bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Về tầm nhìn đến năm 2045, sẽ phát triển logistics trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở chủ động xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng theo hướng bền vững, tích hợp, tối ưu hóa và quản lý hiệu quả để nâng cao khả năng linh hoạt, nhanh chóng thích ứng với sự biến đổi của thị trường; Phấn đấu xây dựng thành phố xây dựng trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.
TP. HCM sẽ tập trung chuyển đổi, áp dụng logistics xanh trong chuỗi cung ứng giúp vận chuyển hàng hóa hiệu quả mà vẫn giảm thiểu khí thải, ô nhiễm, thân thiện môi trường, xem đây là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển, hội nhập, giúp các doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững; Ưu tiên triển khai các dự án ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ kỹ thuật cao, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường.
Hồng Liên
Bình luận