Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ bảy, 24/08/2024 06:08
TMO - Nhiều hồ, đập thủy lợi tại tỉnh Thừa Thiên-Huế được xây dựng lâu năm nên hiện nay có nhiều công trình bị xuống cấp, ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa nhất là trong mùa mưa lũ.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế có khoảng 1.000 công trình thủy lợi là các hồ chứa nước, đập dâng, trạm bơm, cống, nhiều km kênh mương, đê biển và kè bảo vệ bờ sông để phục vụ tưới, tiêu cho hơn 60.000 ha/năm. Trong đó, có 56 hồ chứa thủy lợi gồm 1 hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, 8 hồ chứa nước loại lớn, 17 hồ chứa nước loại vừa, 30 hồ chứa nước loại nhỏ.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, kết quả kiểm tra hiện trạng an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa, lũ năm 2024 trên địa bàn tỉnh cho thấy, hiện đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp 55/55 hồ chứa nước theo quy định, tuy nhiên đa số các phương án đều chưa xây dựng được bản đồ ngập lụt hạ du do thiếu kinh phí.
Trong đó, số lượng đập, hồ chứa nước bị sự cố do mưa, lũ lớn gây ra gồm 2 hồ (hồ Thôn 1 và hồ Nam Giản) và đã được khắc phục các hư hỏng, tại thời điểm kiểm tra 2 hồ chứa này vẫn đang tích nước đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, có 10 hồ có đập nước bị thấm và biến dạng mái đập, trong đó gồm các hồ Bến Ván 1, Bến Ván 2, Mỹ Xuyên, Nam Giản, Khe Nước, các hồ hiện vẫn tích nước, đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, có 7 hồ có tràn bị nứt và 17 hồ xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng như hồ chứa nước Thủy Yên (huyện Phú Lộc) bị sau đuôi tràn, có khả năng bị mở rộng hố xói. Đường quản lý vận hành một số hồ đã xuống cấp như hồ Khe Ngang (TP Huế - đường thấp và ngập lụt đang được UBND phường tiến hành nâng cấp), hồ Hòa Mỹ (huyện Phong Điền - đường đất chưa được đầu tư), hồ Truồi (huyện Phú Lộc - đường cứu hộ dọc theo kênh chính lên đầu mối chưa được bê tông hóa hoàn thiện).
Trước mùa mưa bão, ngành chức năng tỉnh đã đánh giá hiện trạng an toàn công trình thủy lợi cho thấy nhiều công trình có nguy cơ mất an toàn cao.
Do các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh hầu hết được đầu tư từ rất lâu, chịu ảnh hưởng của nhiều đợt thiên tai và thời tiết cực đoan nên đa số các công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng, một số công trình hiện tượng thấm và hư hỏng nhỏ gây ảnh hưởng đến việc cấp nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết khắc nghiệt, số lượng đập, hồ chứa thủy lợi loại vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh còn lớn (chiếm 85%), phần lớn được xây dựng trong phong trào huy động nhân dân làm thủy lợi, chất lượng công trình rất đáng lo ngại; nhiều hồ trong số này do các xã, huyện quản lý, người quản lý không được đào tạo về chuyên môn tối thiểu, thiếu kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng…
Cùng với chức năng bảo đảm cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, thoát lũ, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, hiện nay có một số đập, hồ chứa nước thủy lợi vừa và nhỏ được đầu tư xây dựng từ lâu nhưng chưa được bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, việc quản lý, khai thác công trình thủy lợi đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiên tai xảy ra bất thường với tần suất, cường độ ngày càng gia tăng... tác động lớn tới công trình và công tác quản lý, vận hành. Ngoài ra, các quy định pháp luật đan xen, chưa phù hợp với ngành. Kinh phí cấp không đảm bảo để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình quy định tại Luật Thủy lợi.
Do đó, để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong quá trình quản lý, vận hành và khai thác, thực hiện tốt chính sách về thủy lợi, khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh khai thác đa mục tiêu, đa giá trị công trình, trong điều kiện nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, Sở NN&PTNT đề nghị Cục Thủy lợi tham mưu Bộ NN&PTNT xem xét trình Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ ngân sách cho tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện các dự án nâng cao an toàn đập, hồ chứa nước còn lại; đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi để bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp yêu cầu các địa phương, đơn vị thường xuyên kiểm tra, nắm chắc hiện trạng công trình và xác định các khu vực trọng điểm xung yếu của đê điều, hồ đập để xây dựng phương án ứng phó kịp thời sát với tình hình thực tế của địa phương. Ngoài những khu vực trọng điểm mất an toàn, cấp huyện tiếp tục rà soát điểm xung yếu khác, từ đó chủ động các phương án phòng, chống khi có sự cố xảy ra.
Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu, mưa, bão, lũ, các hồ chứa nước thủy lợi nếu không bảo đảm an toàn thì khi xảy ra sự cố sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Trên địa bàn cả nước có 6.750 hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ từ 50.000 m3 hoặc chiều cao đập từ 5m trở lên. Qua thống kê ở 45 địa phương hiện nay có 1.159 hồ đang bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó có 338 hồ chứa nước thủy lợi bị hư hỏng nặng, 555 hư hỏng vừa và 266 hư hỏng nhẹ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do nhiều công trình thủy lợi, trong đó có hồ chứa nước thủy lợi được đầu tư lâu, thi công xây dựng chủ yếu bằng thủ công, đập đất, nhiều công trình không có tràn sự cố, thiếu năng lực xả lũ. Trong quá trình vận hành, khai thác không đủ kinh phí để bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn...
Để bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nước thủy lợi trong mùa mưa, bão, lũ năm nay, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương cần tổ chức kiểm tra tổng thể các hồ chứa thủy lợi, nhất là các hồ chứa bị hư hỏng nặng nhằm chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án bảo đảm an toàn công trình theo phương châm "bốn tại chỗ"; tổ chức vận hành thử các cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước và bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn đập theo quy định.
Trong đó, hoàn thiện đăng ký an toàn đập; lập và thực hiện phương án ứng phó thiên tai, tình huống khẩn cấp; đánh giá an toàn các hồ chứa nước thủy lợi kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để có hướng xử lý kịp thời; chủ động xử lý các ẩn họa trên mái đập, thân đập như: Phát dọn cây cỏ, tổ mối, tháo dỡ chướng ngại vật trên tràn... bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình.../.
Hải Long
Bình luận