Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ bảy, 25/02/2023 05:02
TMO - Một trong những thách thức của biến đổi khí hậu mà tỉnh Cà Mau đang đối mặt là tình trạng sạt lở bờ biển có xu hướng ngày càng tăng, đe dọa nghiêm trọng đến ổn định dân sinh, kinh tế, xã hội vùng ven biển. Thực trạng này, đòi hỏi tỉnh Cà Mau phải triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng chống sạt lở bờ biển.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh này có bờ biển dài 254km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn ngày càng gia tăng cả về mức độ và phạm vi; là mối đe dọa rất lớn đến ổn định dân sinh, kinh tế, xã hội vùng ven biển. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở làm mất rừng ven biển của Cà Mau khoảng 5.251 ha (tương đương với diện tích một xã của tỉnh). Riêng năm 2021, diện tích sạt lở ven biển là 300 ha...
Tuyến bờ biển Đông đang bị sạt lở nhanh, xuất hiện nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng.
Nhiều năm qua tỉnh đã xây dựng gần 58,5 km kè bảo vệ với tổng kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng. Trong đó, công trình chống sạt lở ở bờ biển Tây dài gần 42 km, kinh phí 1.057 tỷ đồng; ở bờ biển Đông gần 13 km, vốn đầu tư 745 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tốc độ sạt lở bờ biển như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay, trong vài năm tiếp theo sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất, diện tích rừng phòng hộ ven biển đã hình thành qua hàng trăm năm. Qua thống kê, các khu vực bị sạt lở ở mức độ rất nghiêm trọng (tốc độ sạt lở bình quân 45 - 50 m/năm) cần phải có các giải pháp công trình bảo vệ ngay với chiều dài khoảng 132,5 km (bờ biển Đông 87 km, bờ biển Tây khoảng 45,5 km); các khu vực sạt lở ở mức độ nghiêm trọng có chiều dài khoảng 67 km.
UBND tỉnh Cà Mau thống kê, các khu vực bị sạt lở ở mức độ rất nghiêm trọng (tốc độ sạt lở bình quân 45m - 50m/năm) cần phải có các giải pháp công trình bảo vệ ngay với chiều dài khoảng 132,5km; còn các khu vực sạt lở ở mức độ nghiêm trọng có chiều dài khoảng 67km. Ngoài ra, thời gian gần đây xuất hiện thêm các khu vực sạt lở rất nghiêm trọng tại khu vực cửa sông, cửa biển với diễn biến có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Những vị trí này cần phải triển khai cấp bách đầu tư xây dựng công trình xử lý xói lở nhằm bảo vệ an toàn cho các khu dân cư tập trung, các công trình hạ tầng quan trọng như: Đường Hồ Chí Minh; khu vực xây dựng tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc...
Trước tình hình đó, trước mắt UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hỗ trợ tỉnh 970 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương (nguồn vượt thu) để đầu tư hoàn thành các công trình chống sạt lở đặc biệt nguy hiểm nói trên. Về lâu dài trong những năm tiếp theo, cần bố trí vốn hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau tiếp tục đầu tư 131,5km công trình chống sạt lở rất nguy hiểm còn lại (bờ biển Đông khoảng 64,5km, bờ biển Tây khoảng 67km).
Lực lượng ứng trực gia cố đê biển Tây tháng 7/2022 trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: HN.
Theo tờ trình của tỉnh Cà Mau, các dự án cần hỗ trợ cấp bách, gồm: Dự án đầu tư xây dựng kè chống xói lở cửa biển Hốc Năng (huyện Ngọc Hiển) dài 5km, vốn 186 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng kè chống xói lở bờ biển đoạn từ Kênh Năm đến Kênh Chùm Gọng (huyện Ngọc Hiển) dài 5km, vốn 256 tỷ đồng; dự án đầu tư kè phòng, chống sạt lở bờ biển Đông tại những khu vực đặc biệt xung yếu (cửa biển huyện Đầm Dơi, cửa biển Kiến Vàng đến Vàm Lũng, cửa biển Rạch Gốc, cửa biển Vàm Xoáy) dài gần 8km, vốn 528 tỷ đồng.
UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Hằng năm địa phương đều triển khai đánh giá cụ thể từng giải pháp để rút kinh nghiệm, hướng tới đầu tư đạt hiệu quả cao nhất. Việc đầu tư cũng phải căn cơ, dài hạn nhằm ứng phó với sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ðặc biệt việc triển khai bảo vệ đê biển Tây vẫn cấp bách và từng nơi, từng vị trí sẽ có từng giải pháp phù hợp. Ðối với những đoạn bờ biển đang bị xói lở mà đã có dự án đầu tư thì đầu tư bằng các giải pháp, công trình cơ bản, lâu dài. Hiện Cà Mau đang đi theo hướng đầu tư kè phá sóng bên ngoài để vừa bảo vệ đai rừng còn lại, đồng thời bảo vệ công trình đê biển phòng chống thiên tai ở bên trong.
Hoàng Nam
Bình luận