Hotline: 0941068156

Thứ bảy, 18/01/2025 17:01

Tin nóng

Đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025

Thêm 15 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Bến Tre: Thiên tuế hơn 200 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Việt Nam – Lào: Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế theo hướng bền vững

Dấu ấn VACNE năm 2024

Thủ tướng: Đổi mới, sáng tạo, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình

TP. HCM: 8 cổ thụ tại Thảo Cầm viên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Mù Cang Chải (Yên Bái): 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu quan trọng về chính sách, pháp luật ngành tài nguyên, môi trường

Đồng Tháp: Ghi nhận 7 cá thể sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Quảng Ninh: 156 cây cổ thụ tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long được công nhận Cây Di sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố loạt sự kiện nổi bật của ngành năm 2024

Nhiều ý nghĩa trong việc sớm hoàn thành tái thiết các khu dân cư

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Giai đoạn 2021-2030 Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân từ 8,5 - 9,5%

Hải Phòng: Thêm 4 cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thêm 49 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 8%, tạo đà năm 2026

Thứ bảy, 18/01/2025

Tăng cường giải pháp ứng phó tình trạng sạt lở bờ sông

Thứ năm, 13/06/2024 14:06

TMO - Trước diễn biến phức tạp của tình trạng sạt lở bờ sông, nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài đã được thành phố Cần Thơ triển khai để nâng cao năng lực ứng phó, phòng chống và giảm thiểu thiệt hại.

Từ giữa tháng 5/2024 đến nay, trên địa bàn TP.Cần Thơ liên tục xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng sinh hoạt, kinh doanh của người dân. Gần đây nhất, sáng 31/5/2024, tại quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ đã xảy ra sạt lở bờ sông Bình Thủy; đoạn sạt lở dài khoảng 70m, rộng trung bình 8m, làm 10 căn nhà ven mặt tiền đường Bùi Hữu Nghĩa sụp một phần xuống sông Bình Thủy, rất may là không có thiệt hại về người. 

Ngay sau khi sạt lở xảy ra tại quận Bình Thủy, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận Bình Thủy, UBND phường Long Hòa đã huy động lực lượng tại chỗ khoảng 70 người hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sạt lở tháo dỡ, di dời khẩn cấp các vật dụng, đồ dùng đến nơi an toàn; lắp đặt biển báo, căng dây cảnh báo và thông báo rộng rãi cho người dân quanh khu vực biết để phối hợp, chủ động phòng, chống; tuyên truyền, vận động không để người còn ở lại trong các căn nhà bị ảnh hưởng bởi sạt lở.

Hiện trường vụ sạt lở tại khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Ảnh: BCT. 

Trước đó, sáng 30/5 tại bờ sông Cái Sắn thuộc khu vực Thới Hòa 2, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt đã xảy ra sạt lở, sụp lún với chiều dài 41m, rộng 4m, ăn sâu vào mặt đường nhựa của quốc lộ 80. Vị trí sạt lở thuộc dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 80 do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư.

UBND quận Thốt Nốt cùng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận kịp thời chỉ đạo, huy động lực lượng phối hợp chủ đầu tư và đơn vị thi công phân luồng giao thông, ứng phó tại đoạn sạt lở, sụp lún. Tuy nhiên, khu vực bị sạt lở là tuyến đường huyết mạch nối ngã ba Lộ Tẻ (nút giao quốc lộ 80 với quốc lộ 91) đi về TP Rạch Giá (Kiên Giang) và lên quốc lộ N2B đi về cầu Vàm Cống, vào cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Trên tuyến này có lưu lượng phương tiện qua lại rất đông, nên khi đường bị sạt đã dẫn đến tình trạng kẹt xe kéo dài nhiều ngày liền.

Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ, tuyến sông Bình Thủy, Cái Sắn… đã từng bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng trong những năm qua, bởi các con sông này có dòng chảy xiết, nhiều phương tiện giao thông thủy qua lại… Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã báo cáo UBND thành phố và đề xuất bộ, ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng các tuyến kè chống sạt lở bờ sông để bảo vệ nhà cửa, tài sản của người dân cũng như các công trình ven sông.

Trong đó có 2 dự án kè chống sạt lở sông Trà Nóc, với chiều dài 2,5km, kinh phí đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng; Dự án kè chống sạt lở khẩn cấp sông Bình Thủy (đoạn từ cầu Rạch Chanh đến cầu Rạch Cam - khu vực vừa xảy ra sạt lở ngày 31-5) với chiều dài xây dựng 650m, kinh phí đầu tư dự kiến 100 tỷ đồng; Dự án kè chống sạt lở khẩn cấp kênh Cái Sắn với chiều dài 2km, kinh phí đầu tư dự kiến 300 tỷ đồng…Các dự án trên được triển khai thực hiện sẽ góp phần ổn định bờ sông, phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch và đô thị tại TP.Cần Thơ. 

Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do sạt lở bờ sông, các quận, huyện cần chủ động tổ chức các đoàn đi thực địa để tiến hành rà soát các nơi có nguy cơ sạt lở cao có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân và tài sản của Nhà nước trên các tuyến sông, kênh, rạch; kịp thời thông báo, cảnh báo để người dân chủ động di dời đến nơi an toàn; thường xuyên cập nhật các điểm có nguy cơ sạt lở cao báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để không ngừng nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là nâng cao ý thức phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Chỉ đạo các phòng chức năng chủ động rà soát các tuyến đường giao thông cặp theo các tuyến sông, kênh, rạch thuộc phạm vi quản lý, hạn chế tải trọng và tốc độ xe lưu thông để chủ động phòng, chống sạt lở, đặc biệt là đối với các tuyến đường đã xuất hiện các vết nứt, sụt lún...

Lực lượng cứu hộ hỗ trợ người dân phường Thuận Hưng (quận Thốt Nốt) trục vớt tài sản sụp đổ trong vụ sạt lở. 

Để ứng phó, hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra, những năm qua TP.Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức cắm biển cảnh báo ở các điểm sạt lở nguy hiểm, lập bản đồ dự báo vùng sạt lở, hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả sạt lở. Đồng thời, triển khai xây dựng kè chống sạt lở kiên cố và bán kiên cố cũng như tổ chức gia cố các điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 12.500m. Trong đó, các tuyến kè kiên cố bằng bê tông cốt thép có chiều dài hơn 8.500m, tổng vốn đầu tư hơn 848 tỷ đồng.

Đặc biệt, hiện nay TP.Cần Thơ được Trung ương bổ sung thêm 250 tỷ đồng. Thành phố đang gấp rút bổ sung đầu tư các công trình sạt lở bờ sông cấp bách trên địa bàn trong giai đoạn 2023-2024. Các điểm sạt lở theo các con sông lớn, có địa hình phức tạp, diễn biến sạt lở nhanh như sông Cần Thơ, sông Trà Nóc, sông Bình Thủy, sông Ô Môn…và các cồn, cù lao trên sông Hậu là những điểm có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần được ưu tiên đầu tư kè kiên cố.

Còn các điểm sạt lở bình thường trên các tuyến kênh, rạch nhỏ có thể xử lý sạt lở bằng các giải pháp xây bán kiên cố, kè bảo vệ bờ bằng vật liệu thô sơ tại địa phương, kết cấu đơn giản (cừ dừa, cừ bạch đàn, cừ tràm kết hợp rọ đá và vải địa kỹ thuật ...) kết hợp cắm biển cảnh báo sạt lở và di dời dân cư để đảm bảo an toàn. 

Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ, năm 2023 là năm trên địa bàn TP.Cần Thơ có số vụ sạt lở tăng cao, với 41 vụ sạt lở, tăng 28 vụ so với năm 2022. Các vụ sạt lở được ghi nhận trên địa bàn các huyện Thới Lai, Phong Điền, Vĩnh Thạnh, các quận Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn và Thốt Nốt, làm 8 căn nhà sạt hoàn toàn xuống sông, 21 căn bị ảnh hưởng. Ngoài ra, sạt lở cũng làm 2 người bị thương. Tổng chiều dài sạt lở gần 2.450m, ước thiệt hại gần 34,5 tỉ đồng…

Trước tình hình trên, TP.Cần Thơ đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đến nay, UBND thành phố đã ban hành 17 lệnh xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp với tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng, khắc phục xử lý trên 1.700m sạt lở. Trong năm 2023, từ nguồn vốn sự nghiệp, Chi cục Thủy lợi thành phố đã gia cố 860m kè chống sạt lở trên địa bàn. 

Các địa phương cần chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế để tiến hành rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, bão, lốc xoáy; các nơi có nguy cơ sạt lở cao gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân trên các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm sông, kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát nước tự nhiên trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đề xuất các giải pháp khắc phục sạt lở ở khu vực đã và có nguy cơ xảy ra sạt lở…

Thời gian tới, đối với các dự án, công trình khắc phục sạt lở đã có kế hoạch đầu tư thực hiện, các sở, ngành chức năng thành phố sớm hoàn thành thủ tục để triển khai thực hiện theo kế hoạch. Song song đó, các địa phương thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ đơn vị thi công các công trình chống sạt lở đẩy nhanh tiến độ thực hiện khi điều kiện thời tiết thuận lợi, mực nước hạ thấp dưới kênh, rạch; kịp thời gia cố đê bao, đường giao thông, khu dân cư có nguy cơ sạt lở, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi mùa mưa bão.

 

 

Hà Vân

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline