Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ ba, 29/08/2023 08:08
TMO - Sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra ở nhiều địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gây mất đất đai, nhà cửa của người dân. Trước tình hình này, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, các địa phương cần cấp bách phân bổ nguồn vốn cho công tác phòng, chống sạt lở.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, do diễn biến bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu và tác động của phát triển thiếu bền vững về kinh tế - xã hội tại các quốc gia vùng thượng nguồn và nội vùng ÐBSCL, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ÐBSCL đã và đang có diễn biến rất phức tạp, uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km. Trong đó, bờ sông là 666 điểm với chiều dài 744 km; bờ biển xuất hiện 113 điểm với 390 km. Có 281 điểm với 528 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần phải xây dựng công trình để bảo vệ; 155 điểm với 306 km sạt lở nguy hiểm và sạt lở bình thường là 343 điểm với 300 km.
Hơn 10 năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụt lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250 ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh Cà Mau). Còn hiện nay, tổng chiều dài các đoạn bờ sông bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở khoảng 425/8.118 km sông, rạch, trong đó các đoạn bờ sông bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm khoảng 120 km. Sạt lở bờ sông đã làm hư hỏng gần 28 km đường giao thông và hàng trăm căn nhà, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến khu vực với diện tích hơn 3.700 ha.
Sạt lở tại khu vực ĐBSCL diễn biến phức tạp, gia tăng mức độ nghiêm trọng trong những năm trở lại đây.
Tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 89 km, trong đó các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm khoảng 31 km với tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 25-50 m, đặc biệt có những nơi lên đến 80 m. Do quá trình sạt lở xảy ra mạnh và thường xuyên, nên đường bờ biển bị dịch vào phía đất liền nhanh chóng, rừng ngập mặn và các công trình hạ tầng khác bị phá hủy.
Tại Bạc Liêu, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 35 trường hợp sạt lở. Các đợt sạt lở đã làm thiệt hại 71 căn nhà, bị ảnh hưởng 119 căn nhà (xuất hiện các vết nứt); chiều dài sạt lở gần 1.700 m. Ước tính thiệt hại do các đợt sạt lở gây ra gần 23 tỷ đồng. Trong năm 2022, Bạc Liêu đã xảy ra 6 trường hợp sạt lở. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2023, Bạc Liêu đã xảy ra 8 trường hợp sạt lở bờ sông, bờ biển, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 và các năm trước đây. Các đợt sạt lở làm 119 căn nhà bị sập và bị ảnh hưởng, gây thiệt hại hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản và gây sập, thiệt hại các công trình khác.
Tại TP Cần Thơ, trong 8 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn TP xảy ra 37 đợt sạt lở ở các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Phong Ðiền, Vĩnh Thạnh (làm bị thương 2 người; sạt hoàn toàn 8 căn nhà, sạt một phần và ảnh hưởng nghiêm trọng 21 căn nhà), tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 2.025m với tổng thiệt hại ước khoảng 30,795 tỉ đồng.
Trong khi đó, tại tỉnh Trà Vinh, từ năm 2010 đến năm 2022, đã xảy ra sạt lở 222 điểm/khu vực với tổng chiều dài sạt lở 75,6 km, gây sụp lún 21.534 m kè, thiệt hại 9.940 ha hoa màu, cây ăn trái, lúa; 18 ha ao tôm, 29 ha rừng và đất sản xuất; ảnh hưởng 171 căn nhà, ước giá trị thiệt hại gần 331 tỉ đồng. Tại An Giang, từ đầu năm đến ngày 10/8, xảy ra 70 vụ sạt lở với tổng chiều dài 3.391 m, ảnh hưởng đến 95 căn nhà.
Tại Sóc Trăng từ đầu năm tới nay, đã có trên 80 đoạn sạt lở bờ sông dài khoảng gần 1.800 m. Tình trạng sạt lở đê biển chủ yếu trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Nhiều nơi hiện nay đai rừng phòng hộ không còn, sóng đánh trực tiếp vào thân đê nguy cơ vỡ đê vào những ngày triều cường là rất cao. Ngoài ra, triều cường sông Hậu gây tràn nhiều đoạn đê tại huyện Cù Lao Dung...
Theo phân tích của các chuyên gia, thiếu hụt bùn, cát tức là thiếu hụt chính nguồn vật liệu bồi đắp tạo nên đồng bằng này là nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tràn lan ở ĐBSCL ngày nay. Thống kê sơ bộ từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương ĐBSCL 11.453 tỷ đồng khắc phục 190 vị trí sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người dân. Từ năm 2015 đến nay, đã trồng và phục hồi 10.042 ha rừng ngập mặn với tổng kinh phí 1.931 tỷ đồng; dự kiến giai đoạn 2022-2025 tiếp tục trồng 2.631 ha rừng ngập mặn. Đã tổ chức di dời 21.696 hộ dân ra khỏi các khu vực sạt lở với tổng kinh phí hỗ trợ 1.773 tỷ đồng.
Các địa phương cần huy động, phân bổ nguồn vốn hiệu quả triển khai các công trình phòng, chống sạt lở trên địa bàn.
Trong khuôn khổ của cuộc họp với các bộ ngành về việc phân bổ vốn ngân sách Trung ương về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương, liên quan đến nguồn vốn cho công tác phòng chống sạt lở, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, việc sử dụng nguồn dự phòng theo quy định tại Nghị định 66/2021/NĐ-CP (hướng dẫn Luật Phòng, Chống Thiên tai) là ngân sách địa phương phải đảm bảo. Nếu không đảm bảo được, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ. Các bộ phải phối hợp với Bộ Tài chính trình nội dung cho phù hợp.
Các bộ, ngành thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong các cuộc làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát kỹ, đánh giá cùng các địa phương, xin ý kiến thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, tránh trùng lắp với những dự án có kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn khác, và phải làm một cách chặt chẽ, thận trọng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 để hỗ trợ các địa phương thực hiện 18 dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Danh mục các dự án này được tổng hợp trên cơ sở đề xuất của các địa phương tại thời điểm tháng 2,3/2023 và được Bộ tổng hợp trong phương án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
Hiện tình hình sạt lở trên hầu hết các địa bàn có mức độ khác nhau, công tác phòng, chống, khắc phục sạt lở cần làm đồng bộ, theo vùng. Nếu xử lý đơn lẻ từng địa phương, hiệu quả sẽ không cao. Do đó, vượt tầm xử lý của địa phương, cần có sự vào cuộc của trung ương, có sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương việc đề xuất danh mục dự án phải theo nguyên tắc trọng tâm, trọng điểm, giải quyết được vấn đề cấp bách và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, phải lựa chọn dự án nơi nào làm trước, nơi nào làm sau, sử dụng nguồn lực hiệu quả, làm dứt điểm từng khu vực, từng dự án.
Tại Hội nghị về công tác khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL tổ chức tại Cần Thơ (12/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cần nâng cao nhận thức về diễn biến phức tạp và hậu quả nghiêm trọng về sụt lún, sạt lở, ngập úng ở ĐBSCL. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền, huy động nguồn lực của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, huy động nguồn lực của Nhà nước, địa phương và các nguồn lực công tư khác, tăng cường tính tự lực, tự cường...
Thời gian tới, để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển, ĐBSCL cần ngăn chặn, đẩy lùi sụt lún, sạt lở và ngập úng, phát triển bảo vệ, khai thác bền vững đất rừng, tài nguyên khoáng sản, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, doanh nghiệp, sắp xếp không gian sinh tồn, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
Giải pháp trước mắt là các vấn đề cấp bách, phải khẩn trương phê duyệt dự án đúng quy định, chống lãng phí, tiêu cực; lâu dài là phải có các dự án để vừa phải bảo vệ và vừa phát triển nhanh và bền vững; huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, địa phương, nhân dân và các nguồn hợp tác công tư, nguồn hợp pháp khác; tăng cường tự lực, tự cường, vươn lên của địa phương; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; cải cách thủ tục hành chính.
Các địa phương quan tâm nhân dân những chỗ sạt lở, bố trí tái định cư; chủ động di dời các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao sạt lở, tránh bị động, bất ngờ, thiệt hại tính mạng và tài sản; tiếp tục xử lý các khu vực bị sạt lở; huy động nguồn tăng thu, giảm chi của các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, kinh phí dự phòng. Các giải pháp phi công trình như trồng rừng, cây đước, bán chứng chỉ carbon; thực hiện giải pháp quan trắc; nghiên cứu một số biện pháp bảo vệ tài nguyên môi trường; nghiên cứu đánh giá kỹ về nguyên nhân sụt lún, sạt lở, ngập úng, từ đó xác định rõ giải pháp trước mắt và lâu dài; kiểm soát kỹ quy hoạch, kiểm soát tình trạng xây dựng nhà sát ven sông, ven biển dễ dẫn đến bị ảnh hưởng do sạt lở; chủ động di dời dân khỏi khu vực nguy cơ sạt lở, ngăn chặn khai thác cát sỏi tại các khu vực có thể dẫn đến sạt lở. Ngoài ra, cần rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở để chủ động phòng chống từ sớm, từ xa; tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, rút ra bài học kinh nghiệm, các mô hình hay, giải pháp tốt để ứng dụng từng khu vực; tại các khu vực bị xâm thực, cần có giải pháp căn cơ, bài bản; bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn.
Đức Nam
Bình luận