Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Chủ nhật, 27/08/2023 07:08
TMO - Tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều điểm mới với quy mô, mức độ sạt lớn, cần được khẩn trương khắc phục nhằm hạn chế những thiệt hại.
Do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây sạt lở trong thời gian dài đã làm cho nhiều đoạn đai rừng phòng hộ ngày càng mỏng dần, một số vị trí sạt lở đã khoét sâu vào phía trong. Đặc biệt, trong mùa mưa bão hiện nay, nước biển dâng cộng với sóng to, gió lớn đã phát sinh diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm đối với 6 đoạn bờ biển, tổng chiều dài hơn 29.000m qua địa phận huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Năm Căn. Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh.
Trong 6 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có 6 đoạn thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển, gồm: Cửa biển Hốc Năng, chiều dài 2.500m; Kênh Năm đến kênh Chùm Gọng, dài 4.100m; Kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy, dài 7.150m; Kiến Vàng đến Ông Tà, dài 6.400m. Hai đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm còn lại gồm: Cửa biển tại ấp Lưu Hoa Thanh (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi), đoạn L3 dài 1.000m; Hố Gùi đến Bồ Đề (huyện Năm Căn), dài 8.000 m.
Sạt lở bờ biển tại Cà Mau thời gian qua diễn biến phức tạp, gia tăng mức độ nghiệm trọng. Ảnh: BCM.
Hiện diễn biến sạt lở ngày càng gia tăng, với tốc độ sạt lở như hiện nay nếu không được xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ đe dọa đến các khu dân cư tập trung xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi); các trường học, trụ sở cơ quan nhà nước, hệ thống công trình lưới điện, đất sản xuất của người dân, đặc biệt là tuyến đường Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Ngọc Hiển.
Để chủ động ứng phó nhanh với tình huống sạt lở nguy cấp nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau được giao phối hợp chính quyền các địa phương trong vùng sạt lở (Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi) có trách nhiệm huy động các nguồn lực (vật tư, trang thiết bị, phương tiện...) và triển khai các biện pháp cần thiết khác để ứng phó với tình huống khẩn cấp; thông báo, cắm biển khoanh vùng cảnh báo, ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở; bố trí cán bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, nghiêm cấm mọi tác động vào các khu vực này...
Đồng thời, tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án phòng, chống sạt lở theo tình huống khẩn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định. Tổ chức triển khai thực hiện công trình theo tình huống khẩn cấp. Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao Ủy ban nhân dân tỉnh giao chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về bố trí kế hoạch vốn để triển khai công trình khẩn cấp ứng phó với sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Sở Nông nghiệp và Phát tỉnh Cà Mau cho biết, thực trạng sạt lở vùng ĐBSCL xảy ra bởi sự cộng hưởng của nhiều nguyên nhân. Việc tổng hợp các yếu tố nguy cơ từ những nguyên nhân gây sạt lở, rồi lập bản đồ sạt lở để xác định và cảnh báo khu vực tiềm năng là rất cần thiết để nhận diện sớm những khu vực dễ tổn thương, có nguy cơ sạt lở cao. Tiếp đến, trong công tác quy hoạch các điểm dân cư ven sông, cần tính toán đến các yếu tố về tải trọng và khả năng chịu lực của nền địa chất tại chỗ để có giải pháp hạn chế phát sinh và thực hiện di dời nhà ở ven sông.
Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp, tỉnh Cà Mau huy động nhiều nguồn lực triển khai các đoạn kè khẩn cấp bảo vệ đê biển. Ảnh: KB.
Tỉnh Cà Mau có bờ biển dài hơn 254km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước. Trong đó, có 107km bờ biển Đông và hơn 140km bờ biển Tây. Trong 10 năm trở lại đây, sạt lở đất bờ biển đã làm mất hơn 5.000ha đất rừng. Riêng tính từ đầu năm 2023 đến nay, có hơn 50ha đất rừng đã biến mất hoàn toàn do sạt lở. Qua đó, có thể thấy, sạt lở đất đang là loại hình thiên tai nặng nề nhất của tỉnh Cà Mau. Sạt lở bờ biển hiện đang đe dọa và ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân, nhất là bà con sinh sống ven đê biển.
Trước thực trạng đó, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã huy động nhiều nguồn lực triển khai các đoạn kè khẩn cấp bảo vệ đê biển trước nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư các đoạn kè là rất lớn, do vậy những điểm xung yếu sẽ được ưu tiên thực hiện trước. Theo đó, các đoạn kè, gồm: Đoạn từ bờ Bắc Sào Lưới đến vàm Ba Tỉnh (huyện Trần Văn Thời), với chiều dài hơn 740 mét; đoạn Vàm T25 đến Vàm Khánh Hội (xã Khánh Hội, huyện U Minh) khoảng hơn 1.000 mét và đoạn Hương Mai đến Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) khoảng hơn 1.000 mét là 03 gói kè cứng hóa mặt đê được thực hiện khẩn cấp nhằm bảo vệ mái đê trong mùa mưa bão năm nay. Hiện các công trình này đang được ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Trong những năm gần đây, tỉnh Cà Mau đã xây dựng được hơn 58km kè bảo vệ đê, với tổng kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng. Năm 2023, tỉnh đã triển khai khẩn cấp khắc phục sạt lở kè và cứng hóa mái đê, với chiều dài hơn 3,9km, với mức đầu tư gần 09 tỷ đồng. Những công trình kè chống sạt lở bờ biển được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ.
UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đưa vào danh mục đầu tư đối với 22km bờ biển Tây bị sạt lở nguy hiểm nhằm khép kín hệ thống công trình kè bảo vệ bờ biển Tây theo ý kiến gợi ý của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí thực hiện khoảng 770 tỷ đồng và đưa nội dung này vào báo cáo gửi Thủ tướng và Bộ, ngành Trung ương. Đối với bờ biển Đông, trước mắt đầu tư khắc phục các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài khoảng 29,15 km (đang lập hồ sơ đầu tư).
Thu Hương
Bình luận