Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ sáu, 01/09/2023 06:09
TMO - Trong tháng 8/2023, cả nước xảy ra 35 trận động đất, tập trung chủ yếu ở huyện Kon Plông (Kon Tum). Các chuyên gia nhận định, các trận động đất trên là động đất nhỏ, dù không gây rủi ro thiên tai, song cũng không thể chủ quan.
Trong số 35 trận động đất vừa xảy ra trong tháng 8/2023, có khoảng 30 trận động đất kích thích xảy tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Các trận động đất còn lại xảy ra tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh; huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Gần đây nhất, sáng 31/8 đã xảy ra 2 trận động đất. Trong đó, trận động đất mới nhất xảy ra vào lúc 7 giờ 28 phút trên địa bàn huyện Kon Plông với độ lớn 3,3. Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Trong tổng số gần 300 trận động đất xảy ra kể từ đầu năm 2023 đến nay (với độ lớn 2,5 - 4,2), có tới 95% số trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Viện Vật lý Địa cầu cho biết, các trận động đất trên là động đất nhỏ độ lớn chỉ từ 2,5 đến 3,6 mặc dù không gây rủi ro thiên tai, song cũng không thể chủ quan.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu TS. Nguyễn Xuân Anh cho biết, từ tháng 6/2021, đơn vị này đã cử cán bộ đến khu vực này để thiết lập thêm các trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn và cảnh báo kịp thời các hiện tượng địa chất nguy hiểm có thể xảy ra. Trên cơ sở đó, đầu tháng 9/2022, tỉnh Kon Tum đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt mới 3 trạm quan trắc cảnh báo động đất tại Thủy điện Thượng Kon Tum, nâng tổng số trạm quan trắc thuộc khu vực hoạt động của thủy điện này lên 6 trạm. Từ đầu năm 2023 đến nay đã có 8 trạm quan trắc được đưa vào hoạt động tại Kon Tum.
Hiện đơn vị này đang chờ phê duyệt đề tài "Nghiên cứu hoạt động động đất ở Kon Tum để đưa ra cảnh báo và giải pháp phù hợp. Dự kiến sau dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nghiên cứu này sẽ được triển khai thực hiện. Số liệu ghi nhận được từ các trạm cho thấy trong thời gian gần đây, tại khu vực huyện Kon Plông, động đất xảy ra thường xuyên hơn và có xu hướng mạnh hơn. Mặc dù đến nay chưa ghi nhận thiệt hại nhưng các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của người dân địa phương.
Động đất thường xuất hiện tại khu vực thôn Đắk Tăng, xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: HV.
Khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng những trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5,0. Dù vậy, Viện Vật lý Địa cầu vẫn thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này. Viện Vật lý Địa cầu khuyến cáo người dân và chính quyền địa phương cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh. Khi nhận được tin động đất, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải sẵn sàng sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.
Trước đó, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết trong tháng 7, cả nước xảy ra 93 trận động đất với độ lớn từ 2,5 đến 4,2. Trong số trên, có khoảng 90 trận động đất kích thích xảy tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Các trận động đất còn lại xảy ra tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Theo Viện Vật lý Địa cầu, các trận động đất trên là động đất nhỏ, dù không gây rủi ro thiên tai, song cũng không thể chủ quan. Đơn cử như tại huyện Kon Plông, từ đầu năm 2023 đến nay, động đất đã xảy ra liên tục với tần suất dày và cường độ mạnh hơn so với những năm trước đây.
Các đơn vị thủy điện chú trọng việc lắp đặt các trạm quan trắc, cảnh báo nguy cơ động đất. Ảnh: PH.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã ghi nhận hơn 100 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2.5 đến 4.7 độ. Trong số này có 8 trận động đất có độ lớn ≥ 3.5 richter đã được thông báo đầy đủ trên các phương tiện thông tin theo Quy chế làm việc của Chính phủ. Theo TS. Nguyễn Xuân Anh, có rất nhiều nguyên nhân quyết định đến mức độ thiệt hại của một trận động đất. Cụ thể về độ lớn, đông đất lớn thì năng lượng càng lớn và ảnh hưởng trên diện rộng; chấn tâm nông và gần khu vực đô thị, đông dân cư thì càng có nhiều khả năng gây rung động mạnh; nền đất yếu ở khu vực bị ảnh hưởng cũng góp phần làm mức độ thiệt hại tăng lên.
Bên cạnh đó, chất lượng xây dựng công trình chống chịu các trận động đất ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ thiệt hại. Ngoài ra có các yếu tố khác như thời điểm xảy ra động đất vào buổi sáng sớm cũng làm cho thiệt hại có thể tăng do nhiều người đang ở trong nhà, các trang thiết bị, nguồn lực cứu nạn cứu hộ sau khi động đất xảy ra, các diễn tập, kỹ năng của người dân về phòng chống động đất đều ảnh hưởng đến mức độ thiệt hại.
Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu nhấn mạnh: Động đất không thể tránh nhưng chúng ta có thể giảm nhẹ thiệt hại nếu động đất lớn xảy ra. Do đó, trước hết cần duy trì mạng trạm quốc gia quan sát động đất để có số liệu về hoạt động động đất chi tiết nhất có thể. Tiếp theo, cần có chương trình định kỳ vài năm một lần cập nhật về nguy hiểm động đất và đánh giá rủi ro do động đất trên quy mô cả nước, trong đó chi tiết hơn cho các khu vực độ thị, đông dân cư, công trình trọng điểm có khả năng bị ảnh hưởng của động đất.
Công tác ứng phó với động đất gần đây cho thấy ngoài việc đánh giá nguy hiểm động đất tự nhiên, cần thiết thực hiện đánh giá nguy hiểm do động đất kích thích có thể xảy ra khi xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi… Hàng năm, người dân cần được tuyên tuyên truyền, hướng dẫn về ảnh hưởng của động đất đến nhà cửa, cách phòng tránh và ứng phó khi động đất xảy ra.
Phạm Hồng
Bình luận