Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 15:01
Thứ tư, 08/05/2024 07:05
TMO - Năm 2023, tỉnh Bình Phước tiếp tục hoàn thành vượt chỉ tiêu giảm nghèo bền vững theo nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra. Toàn tỉnh hiện còn khoảng 1.121 hộ nghèo, chiếm 0,40% tổng số hộ dân, trong đó 574 hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 51,2% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, có ba huyện giáp biên giới Campuchia gồm: Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Bù Đốp, với đường biên dài hơn 260km. Dân số hơn 1 triệu người, trong đó khoảng 20% là đồng bào dân tộc thiểu số sống đan xen tại 111 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Bình Phước đã luôn đề cao, chú trọng trong công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm giải quyết việc làm, ổn định sinh kế và giảm nghèo bền vững.
Bù Gia Mập là một trong những huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Bình Phước với hơn 73% số hộ là đồng bào DTTS. Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương quan tâm thực hiện. Nhờ đó, đời sống người dân nơi đây ngày một cải thiện, nâng cao. Riêng trong năm 2023, từ các nguồn lực xã Bù Gia Mập đã triển khai hỗ trợ 672 nhu cầu cho hộ nghèo với tổng kinh phí gần 15,5 tỷ đồng.
Trong đó, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh hỗ trợ 70 hộ với 422 nhu cầu, tổng kinh phí hơn 10,3 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo của huyện hỗ trợ 35 hộ với 230 nhu cầu, tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở và nhà ở cho 48 hộ theo chương trình hỗ trợ tái định canh, định cư hộ đồng bào DTTS, tổng kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hộ nghèo, cận nghèo còn được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến hết năm 2023, xã Bù Gia Mập đã giảm 105 hộ nghèo, hiện chỉ còn 127 hộ nghèo và 80 hộ cận nghèo.
Nhiều hộ dân vùng đồng bào DTTS được hỗ trợ bò giống, phát triển kinh tế. Ảnh: TT.
Bù Đăng là huyện có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 23,1% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Tuy nhiên, nhờ đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, kết hợp với nhiều cách làm hay, tận dụng lợi thế từ đất đai nên trong những năm qua, huyện luôn thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo so với nghị quyết đề ra. Là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh, trong thời gian qua, các cấp chính quyền huyện Bù Đăng đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh phong trào Nông dân thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, qua đó đẩy mạnh liên kết và phát triển nông nghiệp bền vững.
Bù Đăng có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp phát triển nhiều loại cây công nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp nông - lâm nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với tiềm năng thuận lợi này đã tạo điều kiện cho Bù Đăng phát triển ngành nông nghiệp bền vững, là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện. Toàn huyện hiện có 59.600 ha điều, 31.170 ha cao su, 10.200 ha cà phê, 1.370 ha hồ tiêu, 980 ha cây ăn trái...
Hiện Bù Đăng có diện tích cây hằng năm là 6.000 ha, diện tích cây lâu năm 104.780 ha. Trong đó, nhiều mô hình cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bưởi da xanh, bơ sáp… trồng theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp. Năm 2023, huyện Bù Đăng đã giảm 669 hộ nghèo, đạt 105,5% chỉ tiêu tỉnh giao. Với kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo năm 2023, Bù Đăng đã hoàn thành sớm chỉ tiêu giảm hộ nghèo giai đoạn 2020-2025 mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 3,7% còn 0,6% vào năm 2023.
Huyện biên giới Lộc Ninh, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với giảm 1.000 hộ nghèo DTTS được triển khai trọng tâm, trọng điểm thời gian qua. Do được ưu tiên bố trí nguồn lực, trong đó vốn tín dụng chính sách được triển khai rộng khắp đã và đang tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, tạo sức bật quan trọng cho công tác giảm nghèo bền vững nơi đây.
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lộc Ninh cho biết: Năm 2023, Ngân hàng CSXH huyện xét cho 230 hộ nghèo, khó khăn vay với tổng hơn 9 tỷ đồng. Ngoài tạo điều kiện tốt nhất để các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp cận vốn này, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đã chủ động tìm hiểu nhu cầu, định hướng cây - con giống phù hợp, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Qua đó, giúp các hộ vay sử dụng hiệu quả nguồn vốn, từng bước thoát nghèo bền vững.
Với phương châm hỗ trợ sinh kế, thay đổi nếp nghĩ, cách làm nhằm tạo động lực để các hộ thoát nghèo bền vững, điểm nhấn trong công tác giảm nghèo năm 2023 của huyện Lộc Ninh là đã lồng ghép nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi cùng chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn thực hiện trong năm qua hơn 200 tỷ đồng. Qua đó đã kịp thời hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Từ những chính sách hỗ trợ thiết thực, đến cuối năm 2023, toàn huyện Lộc Ninh giảm được 196 hộ nghèo, trong đó, giảm 125 hộ nghèo DTTS, đưa số hộ nghèo toàn huyện xuống còn 34 hộ, chiếm 0,1% tổng số hộ dân. Trong đó, số hộ nghèo DTTS giảm còn 14, chiếm 41,17% tổng số hộ nghèo; vượt chỉ tiêu tỉnh giao 0,02%. Các xã Lộc Ðiền, Lộc Thạnh, Lộc Thịnh và thị trấn Lộc Ninh không còn hộ nghèo. Hiện toàn huyện còn 422 hộ cận nghèo, chiếm 1,27% tổng số hộ dân, trong đó 227 hộ cận nghèo DTTS, chiếm 54,69%.
Các địa phương khai thác lợi thế đất đai, phát triển cây công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2024. Cụ thể, địa phương sẽ giải quyết đất ở cho 10 hộ; nhà ở cho 124 hộ (trong đó xây dựng mới 99 hộ); hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 91 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 57 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung 5 công trình. Đồng thời tiếp tục đầu tư các dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và những nơi cần thiết.
Tỉnh phấn đấu 100% thôn có đường giao thông đến trung tâm được cứng hóa; đầu tư hoàn chỉnh một số công trình cơ sở hạ tầng thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng đó, tỉnh hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; đào tạo nghề cho khoảng 400 người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã đặc biệt khó khăn...Trên 95% phụ nữ có thai được phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; xây dựng các mô hình văn hóa truyền thống; các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại thôn, ấp vùng dân tộc thiểu số và miền núi…Ngoài ra, Bình Phước còn hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu của Chương trình sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và người dân tộc thiểu số nhằm thay đổi, chuyển biến nhận thức trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, ngân sách tỉnh, huyện đối ứng và huy động, lồng ghép nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định; đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.
Bình Phước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.
Hương Giang
Bình luận