Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ tư, 13/09/2023 07:09
TMO - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước nhiều công trình hồ đập đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao trong mùa mưa lũ.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước, mặc dù địa phương này không chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới nhưng các loại hình thiên tai khác như lốc xoáy, lũ, ngập lụt, sạt lở xảy ra hầu hết ở các địa phương và đã gây thiệt hại đáng kể về tài sản, nhà cửa, cây trồng của nhân dân. Trong năm 2022, thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 17 tỷ đồng. 8 tháng của năm 2023, thiên tai làm 8 căn nhà bị sập, 243 căn bị tốc mái; gãy đổ và ngã rạp, thiệt hại 190,23ha cây trồng các loại; khoảng 17ha sầu riêng bị rụng trái non. Thiên tai cũng làm gãy đổ, bật gốc hàng loạt cây xanh trên các tuyến đường thuộc địa bàn thị xã Phước Long, huyện Bù Đăng, thành phố Đồng Xoài. Ngoài ra, thiên tai làm thiệt hại nhiều tài sản khác của người dân tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống thiên tai, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 62 hồ đập lớn nhỏ, thời gian xây dựng từ 15-20 năm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Tuy nhiên nguồn kinh phí hiện nay của tỉnh còn hạn hẹp chưa thể bố trí để sửa chữa đồng bộ. Tuyến đường ĐT.755B có chiều dài khoảng 33,6km, là tuyến đường độc đạo kết nối tỉnh Lâm Đồng - Bình Phước và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đóng vai trò quan trọng trong việc rút ngắn thời gian vận chuyển nông sản từ Lâm Đồng đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Thời gian qua do mưa lớn kéo dài đã bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt là đoạn Km18+450 và Km18+400. Tuy nhiên, kinh phí hạn hẹp nên tỉnh mới chỉ có giải pháp khắc phục tạm thời.
Tỉnh Bình Phước huy động các nguồn lực để đầu tư sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp.
Hiện nay tỉnh đã đầu tư 28 trạm đo mưa tự động giúp công tác dự báo, cảnh báo mưa lớn tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai ngày càng cao, một số trạm đã hết thời gian sử dụng nên hay bị hỏng hóc, do đó cần đầu tư thêm các trạm đo mưa và bố trí ngân sách hàng năm để duy trì hoạt động…Trong giai đoạn 2016 - 2021, tổng nguồn vốn thực hiện sửa chữa, nâng cấp các công trình đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh là 85 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 73 công trình thủy lợi vừa và nhỏ; trong đó, có 62 hồ chứa vừa và nhỏ, 9 đập dâng, 1 trạm bơm và 1 hệ thống kênh sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn.
Để công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả cao, Bình Phước kiến nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục cấp phát phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn kinh phí cho tỉnh đầu tư sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng 15 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp với tổng kinh phí khoảng 138 tỷ đồng.
Kiến nghị hỗ trợ nguồn kinh phí từ Quỹ phòng chống thiên tai Trung ương cho tỉnh đầu tư sửa chữa, khắc phục sự cố sạt lở tuyến đường ĐT 755B, với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Bình Phước cũng mong muốn trung ương hỗ trợ kinh phí để lắp đặt các hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai khu vực trọng điểm, sạt lở; các trạm đo mưa tự động, xây dựng bản đồ ngập lụt một số khu vực trọng điểm, để nâng cao năng lực cảnh báo lũ trên địa bàn tỉnh.
Cùng với những đề xuất, kiến nghị trên, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các công trình thủy điện, hồ đập trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát và yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành hồ Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng thực hiện nghiêm Quy trình vận hành liên hồ đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức tốt công tác phối hợp cung cấp, chia sẻ kịp thời thông tin, dữ liệu vận hành hồ chứa, quan trắc khí tượng thủy văn tại các trạm cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và các tỉnh, thành phố trên lưu vực đảm bảo thực thi hiệu quả trong tổ chức điều hành vận hành liên hồ chứa.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tổ chức điều hành, vận hành các hồ chứa trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Quy trình vận hành liên hồ đã được phê duyệt. Trong đó, thường trực theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tính toán quyết định phương án điều tiết, ban hành lệnh vận hành hồ kịp thời, đúng thời điểm và thông báo ngay cho các chủ hồ thực hiện và các đơn vị liên quan; đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện lệnh vận hành các hồ chứa trên lưu vực.
UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, đơn vị, địa phương phối hợp trong rà soát, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa trên địa bàn.
UBND các huyện Phú Riềng, Hớn Quản, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Lộc Ninh và thị xã Phước Long khẩn trương chỉ đạo rà soát, kiểm tra, nắm chắc số lượng nhân lực, phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng chống thiên tai ở từng địa phương, đơn vị và có phương án huy động phương tiện, lực lượng ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có thiên tai xảy ra; xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, phương án, kịch bản phòng chống thiên tai, nhất là các hình thái cực đoan như bão, lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất...
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai; tăng cường công tác cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy; chỉ đạo triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm "bốn tại chỗ"; tăng cường các lực lượng, đặc biệt là lực lượng xung kích cấp xã, huy động và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ người dân phòng chống, khắc phục thiên tai.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT - Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra các nhà máy thủy điện hoạt động trên Sông Bé thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa mưa lũ theo quy định của quy trình và rà soát kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, nhất là kịch bản khi có mưa lớn và thời tiết cực đoan.
Các đơn vị quản lý vận hành hồ thủy điện trên Sông Bé thực hiện nghiêm túc các quy định về vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai theo Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường theo dõi, cập nhật dự báo khí tượng thủy văn và áp dụng các công nghệ tiên tiến hỗ trợ điều tiết hồ chứa, vận hành đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du đập; cập nhật thông tin vận hành hồ chứa lên Trang điện tử quản lý hệ thống dữ liệu (tối thiểu 2 lần/ngày trong điều kiện thời tiết bình thường; 4 lần/ngày khi có mưa, lũ; trong trường hợp mực nước hồ cao hơn mực nước thiết kế phải quan trắc tối thiểu 1 lần/giờ) theo quy định. Rà soát, xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối và phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du của hồ chứa nước; thường xuyên tổ chức kiểm tra công trình, kể cả khi không có mưa, lũ; trực ban và giám sát an toàn công trình nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ xảy ra sự cố công trình.
Theo thống kê, cả nước hiện có 7.342 đập, hồ chứa thủy lợi trong đó có 592 đập dâng có chiều cao hơn 5 m và 6.750 hồ chứa với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, cấp khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp. Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ năm 2003 đến nay, cả nước đã sửa chữa khoảng 1.500 hồ chứa với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 337 hồ chứa ở 33 địa phương bị hư hỏng nặng chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp.
Để bảo đảm an toàn hồ chứa thủy lợi, đập trong mùa mưa lũ 2023 và những năm sau đó, Cục Thủy lợi cho rằng, các địa phương cần tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các đập, hồ chứa thủy lợi; bố trí kinh phí sửa chữa ngay các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn cao; sắp xếp thứ tự ưu tiên để sửa chữa nâng cấp các công trình, hạng mục công trình còn lại.
Đồng thời rà soát phương án ứng phó thiên tai, tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập; trong đó, lưu ý các kịch bản vận hành hồ chứa ứng phó mưa, lũ xảy ra với cường độ lớn, cực đoan; thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều tiết nguồn nước; ứng phó thiên tai liên quan nước, thích ứng biến đổi khí hậu; giám sát, quan trắc an toàn cho hệ thống hồ, đập; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, vận hành các hồ chứa, đập bảo đảm an toàn công trình và hạ du...
Đức Hoàng
Bình luận