Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 13:11
Thứ tư, 07/08/2024 14:08
TMO - Nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời với thiên tai, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kế hoạch; lên phương án sẵn sàng ứng phó và kịp thời khắc phục sự cố, nhất là các tuyến đường huyết mạch, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt; giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh có khoảng 4.822km, bao gồm 8 tuyến Quốc lộ; 21 tuyến đường tỉnh, các tuyến đường đô thị, đường huyện; đường xã và trên 6.600 km đường dân sinh cấp thấp khác. Với địa hình đa dạng từ đồi núi trung du đến đồng bằng, giao thông Thái Nguyên có nhiều nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai như: lũ quét, ngập úng, sạt lở… Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mùa mưa lũ năm 2024 được dự báo diễn biến phức tạp, tiềm ẩn các yếu tố cực đoan.
Với phương châm "Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả", ngay từ đầu năm, Sở GTVT Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kế hoạch; lên phương án sẵn sàng ứng phó và kịp thời khắc phục sự cố, nhất là các tuyến đường huyết mạch. Các đơn vị quản lý cầu, đường bộ đã rà soát vật tư dự phòng, sẵn sàng sử dụng ứng cứu, đảm bảo giao thông khi xảy ra sự cố sụt trượt, ách tắc trên các tuyến đường bộ được giao quản lý.
Đồng thời kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở cao, các đoạn tuyến nền đường thấp trũng thường xuyên ngập úng; thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm rào chắn kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại khi xảy ra sự cố, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng đảm bảo an toàn giao thông. Khi ách tắc xảy ra kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đồng thời tổ chức triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả, đảm bảo thông xe trong thời gian nhanh nhất.
Ngành GTVT Thái Nguyên lên phương án sẵn sàng ứng phó và kịp thời khắc phục sự cố, nhất là các tuyến đường huyết mạch (Ảnh minh họa).
Bên cạnh sự chủ động của các nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên, Sở GTVT Thái Nguyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương bố trí, huy động nhân lực, thiết bị, vật tư tại chỗ kịp thời ứng phó thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, hậu cần tại chỗ; thiết bị tại chỗ).
Sở và các đơn vị trong ngành trực sẵn sàng chỉ huy ứng cứu, khắc phục thiệt hại trong mọi tình huống với thời gian ngắn nhất, bảo đảm giao thông thông suốt. Cùng với đó là rà soát, xác định rõ những vị trí thường xuyên xảy ra sự cố sạt lở trên tất cả các tuyến đường để chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng, chống, phương án khắc phục các vị trí xung yếu trên các tuyến đường. Trong đó đặc biệt chú ý các tuyến đường có nhiều đèo dốc nguy hiểm, nằm trong vùng thấp và đầu mối giao thông có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao như: ĐT.270; Quốc lộ 37 đoạn qua Núi Pháo; Quốc lộ 3C đoạn qua đèo So...
Sở GTVT cùng với Công an tỉnh và các ngành liên quan rà soát việc thực hiện quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường thủy (Ảnh minh họa).
Đối với hoạt động giao thông đường thủy, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có sông Công dài 96km, sông Cầu dài trên 90 km; có 94 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có những hồ lớn như: Hồ Núi Cốc, hồ Gò Miếu (huyện Đại từ), hồ Bảo Linh (huyện Định Hóa), hồ Trại Gạo (huyện Phú Bình), hồ Suối Lạnh, hồ Nước Hai (thành phố Phổ Yên).
Trước tình hình mưa báo, lũ lụt diễn biến phức tạp, việc tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa là cần thiết, qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và các đơn vị, doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa .
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, nhất là trong mùa mưa bão, Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp với các đơn vị liên quan như Chi Cục đăng kiểm số 1, Cảng vụ đường thủy nội đia Khu vực II và Sở GTVT đã tiến hành kiểm tra toàn bộ hoạt động liên quan đến đường thủy nội địa, chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trước và trong mùa mưa bão. Theo đó, Sở GTVT cùng với Công an tỉnh và các ngành liên quan, ban an toàn giao thông các địa phương, chính quyền các huyện, thành tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đối với hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách, vận tải khách du lịch bằng đường thủy trên địa bàn; hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện, đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ chuyên môn, giấy phép cho người điều khiển phương tiện thủy và các tổ chức tham gia hoạt động vận tải thủy nội địa theo đúng quy định.
Rà soát các vị trí nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa. Chuẩn bị các phương án chống lũ, chống sạt lở đường gây ách tắc giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt - an toàn trong mùa mưa bão.
Lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông tăng cường phối hợp liên ngành tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa; kiên quyết đình chỉ hoạt động của các bến đò ngang không đủ điều kiện hoạt động, phương tiện thủy không đủ đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn, thiếu phao cứu sinh và các thiết bị an toàn; xử lý và ngăn chặn không để các công trình, cảng, bến hoạt động vi phạm không đúng quy định trong hành lang bảo vệ công trình vượt sông, hành lang đê, hành lang an toàn giao thông đường thủy; khai thác cát sỏi trái phép; ký cam kết với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận tải thủy, các chủ phương tiện, chủ bến đò và người dân chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Thực hiện Công điện số 75/CĐ-TTg ngày 4/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT vừa ban hành có công điện yêu cầu các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan lên phương án chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiến hành rà soát và có các giải pháp khắc phục các điểm gây cản trở đến việc thoát lũ, gây ngập cho các khu dân cư và làm ách tắc giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, các tuyến đường cao tốc và tuyến đường sắt Bắc - Nam. Các đơn vị, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng như: dầm thép, rọ đá, đá hộc, đá giăm, đường ray, tà vẹt… và máy móc thiết bị bố trí ở những vị trí thường xuyên bị ách tắc giao thông do mưa lũ để sẵn sàng sử dụng khi có tình huống thiên tai.
Bên cạnh đó, các đơn vị tà soát, hoàn thiện phương án đảm bảo giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt; phương án tăng bo, chuyển tải hành khách; quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan ở địa phương trong việc đảm bảo giao thông trên các tuyến thường xuyên bị ách tắc giao thông khi có mưa lũ.
Đối với Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các khu quản đường bộ chủ trì, phối hợp với các sở giao thông vận tải, các lực lượng chức năng của địa phương có phương án tổ chức, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí đường bị ngập nước sâu, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở…, kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện trên các tuyến đường bộ.
Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước...
Về phía các sở giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, khu quản lý đường bộ và các đơn vị quản lý và sữa chữa đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị, máy móc… để tham gia khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra. Song song đó, các đơn vị tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương được giao quản lý, tổ chức hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các khu vực giao thông bị ngập nước, các bến đò để đảm bảo an toàn, phối hợp điều hành việc vận tải, tăng bo hành khách và hàng hóa ngay khi lũ rút.../.
Hồng Ngát
Bình luận