Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ năm, 18/05/2023 14:05
TMO - Theo dự báo, năm nay tỉnh Kon Tum tiếp tục phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai, bất thường về cường độ và phạm vi ảnh hưởng, gây thiệt hại về người và tài sản. Do vậy, việc nâng cao năng lực dự báo, chủ động chuẩn bị phòng, tránh thiên tai là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách hàng năm đối với chính quyền và người dân trên địa bàn.
Trong các tháng đầu năm 2023, diễn biến thời tiết trên địaa bàn tỉnh Kon Tum có nhiều khác biệt giữa các vùng trong tỉnh; khu vực phía Tây, phía Nam và giữa tỉnh thời tiết khô hanh, lạnh trong tháng 01-02 và chuyển dần sang khô, nóng trong tháng 3-4; ở khu vực phía Đông, Đông Bắc thời tiết ẩm, lạnh và có rét trong tháng 01-02 và chuyển dần sang khô, mát trong tháng 3-4; tháng 3-4 trên phạm vi toàn tỉnh xảy ra mưa dông kèm theo sét, gió lốc, mưa đá.
Theo thống kê sơ bộ, trong 4 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều thiệt hại do mưa giông, gió lốc. Đã có khoảng 116 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng; khoảng 179,56 ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng; một số tuyến đường giao thông bị ngập cục bộ gây khó khăn, trong quá trình lưu thông... ước tổng giá trị thiệt hại do ảnh hưởng của mưa giông, gió lốc gây ra từ đầu năm 2023 đến nay khoảng 8,3 tỷ đồng.
Hằng năm, thiên tai đặc biệt là mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân. Ảnh: TH.
Theo dự báo tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh, trong năm 2023 có khoảng từ 3 - 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến thời tiết tỉnh Kon Tum, tập trung trong thời kỳ từ tháng 8 đến tháng 11; chủ yếu gây mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng gây ra mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Tổng lượng mưa ở các khu vực có khả năng đạt từ 250 - 400mm, có nơi hơn 400mm, lượng mưa trong toàn mùa mưa đạt xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ và cao hơn so với mùa mưa năm 2022; các tháng giữa và cuối mùa mưa khả năng xảy ra từ 4 - 5 đợt mưa to trên diện rộng với số ngày mưa liên tục từ 2 - 3 ngày và tổng lượng mưa đạt từ 150- 350mm/đợt có thể gây ra lũ quét và sạt lở đất; nhiệt độ trung bình các tháng phổ biến đạt xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ.
Dự báo, năm 2023 sẽ có từ 5 - 7 đợt lũ, trong đó có từ 3 - 4 đợt lũ trung bình và lớn (có mực nước đỉnh lũ đạt mức báo động cấp 2 trở lên), tập trung xuất hiện trong thời kỳ từ tháng 8 đến tháng 10 đối với lưu vực sông Pô Kô, Sa Thầy và từ tháng 9 đến 11 trên lưu vực sông Đăk Bla. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất năm của năm 2023 có khả năng xuất hiện trong tháng 9, tháng 10 với mực nước cao nhất trên các sông đạt cao hơn mức báo động cấp 03 từ 1,00 - 2,50m.
Trước dự báo trên, để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai và các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Rà soát, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) và Phòng thủ dân sự các ngành, địa phương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; xác định phòng chống, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng dân cư trên địa bàn; khi có thiên tai xảy ra, cần huy động tổng hợp các lực lượng trên địa bàn, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, nhất là lực lượng xung kích cấp xã, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện và các yếu tố đảm bảo để triển khai nhiệm vụ kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các địa phương chủ động phương án ứng phó, diễn tập với các loại hình thiên tai nhất là mưa dông, lũ quét gây sạt lở nghiêm trọng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng phương án tăng cường bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2023. Trong đó, tập trung rà soát, đánh giá hiện trạng của tất cả các công trình hồ đập; lập, điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa, vận hành cửa van hồ chứa; tiến hành bảo trì cho từng hạng mục công trình và thực hiện kiểm định an toàn hồ đập; xây dựng phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước khi mưa lũ xảy ra.
Các ngành, các địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 cho phù hợp với tình hình thực tế; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm, lực lượng sẵn sàng cho mọi tình huống với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao năng lực và khả năng ứng phó với thiên cho người dân, nhất là ở những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá ở ven sông, suối; các khu vực ngầm, cầu tạm.
Đồng thời, nhanh chóng rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh các phương án chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai; xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, diễn tập về phòng chống, ứng phó thiên tai cấp huyện, thành phố sát với tình hình thực tế của địa phương, không để bị động, lúng túng trong mọi tình huống. Các cấp, các ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết; tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời đến cộng đồng dân cư.
Theo báo cáo công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2022, tỉnh Kon Tum chịu ảnh hưởng của thiên tai như: Các cơn bão số 4, số 5, mưa lũ, sạt lở, lũ ống, lũ quét, ngập lụt đã ảnh hưởng và gây thiệt hại về người, tài sản và nhiều cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế giáo dục; biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan đã gây ra hạn hán, thiếu nước, nguy cơ cháy rừng... tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, ước thiệt hại trên 319 tỷ đồng. Ngoài ra, theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, trên địa bàn huyện Kon Plông đã xảy ra 316 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4,7 độ richter, mặc dù chưa gây thiệt hại về người và tài sản nhưng gây lo lắng hoang mang cho người dân trên địa bàn.
Nhằm tăng cường thông tin truyền thông; nâng cao năng lực cộng đồng, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng chống thiên tai; sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai năm 2023, Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2023 (từ ngày 15 - 22/5/2023) có chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm”, do Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai phát động trong phạm vi cả nước.
Năm 2023, tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường. Vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão để hạn chế rủi ro luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, năm 2022, ở nước ta, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), ghi nhận 1.072 trận thiên tai. Trong năm 2023, tính từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển. Trong đó ngay cuối tháng 3/2023 đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hòa Bình. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Để chủ động phòng, chống và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cần có chiến lược dài hạn, mang tầm vĩ mô, nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó trước tiên cần nâng cao năng lực dự báo, chất lượng bản tin dự báo thời tiết. Tiếp đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác phòng, chống thiên tai tại các địa phương.
Minh Lê
Bình luận