Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 16:01
Thứ năm, 16/05/2024 14:05
TMO - Thời gian qua, việc phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Gia Lai là địa phương có diện tích lớn thứ 2 cả nước, khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp để phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Gia Lai vốn được mệnh danh là thủ phủ của các mặt hàng nông sản ở khu vực Tây Nguyên. Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, ổn định bền vững diện tích cây trồng, giữ vững thị trường…nhiều đơn vị, tổ chức đã tìm kiếm con đường phát triển bằng nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác. Những mô hình này đang dần khẳng định hướng đi đúng đắn trong bối cảnh ngành nông nghiệp có nhiều biến động.
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 439 HTX, trong lĩnh vực nông nghiệp có 354 HTX, chiếm 80,6% tổng số HTX trên địa bàn tỉnh, với tổng số thành viên: 10.315 thành viên. Phần lớn các HTX hoạt động ổn định, giải quyết được việc làm cho người dân lao động tại địa phương, nâng cao thu nhập cho các thành viên, góp phần đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đặc biệt các HTX nông nghiệp đã thu hút được nhiều doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư; nhiều HTX xây dựng được vùng nguyên liệu lớn, phát triển thị trường, mở rộng sản xuất, thu hút được nhiều lao động nông dân nông thôn tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những HTX hoạt động hiệu quả, vẫn tồn tại các HTX hoạt động sản xuất kinh doanh còn yếu, thiếu tính ổn định, năng lực nội tại, năng lực cạnh tranh yếu, thiếu nguồn vốn đầu tư cho sản xuất và mở rộng sản xuất, quy mô hoạt động, sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, còn thiếu sự hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ có trình độ còn chiếm tỷ lệ thấp, việc chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Cơ sở vật chất kỹ thuật của nhiều HTX nông nghiệp còn hạn chế, máy móc thiết bị cũ, trình độ công nghệ lạc hậu, sản xuất thủ công là phổ biến nên gặp khó khăn về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và tiêu thụ hàng hóa.
Việc phát triển mô hình KTTT, HTX nhất là các HTX nông nghiệp trên địa bàn đã góp phần nâng cao chất lượng nông sản trên địa bàn. Ảnh: ND.
Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Có 13 HTX với sự tham gia của 438 thành viên, giải quyết việc làm cho 323 lao động. Phần lớn các HTX có quy mô nhỏ, trình độ kỹ thuật công nghệ lạc hậu, lao động thủ công là chính, hiệu quả kinh doanh thấp. Lĩnh vực vận tải: Có 37 HTX với sự tham gia của 461 thành viên và giải quyết việc làm cho 203 lao động. Một số HTX hoạt động có hiệu quả, đã đầu tư vốn mua sắm phương tiện mới, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.
Ở lĩnh vực thương mại: Có 18 HTX lĩnh vực thương mại với 135 thành viên. Phần lớn các HTX hoạt động ổn định các hình thức liên doanh, liên kết ngày càng đem lại hiệu quả khá cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động. Tuy nhiên các HTX vẫn gặp khó khăn do quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện mở rộng nguồn hàng và địa bàn kinh doanh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, việc liên kết giữa HTX với các hộ nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan trong tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm (sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản) đã có sự chuyển biến tích cực. Phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị ngày càng hoạt động có hiệu quả và được các cấp, các ngành chú trọng, tạo điều kiện phát triển. Đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung và có nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định được đầu ra sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm ở nông thôn, tạo nên mối liên kết bền chặt giữa người nông dân, HTX và doanh nghiệp.
Hiện nay, trên toàn tỉnh có khoảng 237.346,49 ha diện tích cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (khoảng 15 chuỗi chính trong liên kết sản xuất các loại cây trồng). Đối tượng tham gia liên kết: Khoảng 88 HTX, 72 tổ hợp tác (THT), khoảng trên 23.806 hộ nông dân và trên 61 doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết liên kết sản xuất các loại cây trồng. Toàn tỉnh có 32 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ nhà lưới, nhà màng, bảo quản nông sản lạnh nhanh, công nghệ sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi, áp dụng dây chuyền chế biến, đóng gói, sử dụng phần mềm bán hàng, phần mềm kế toán,....
Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong năm 2023, khu vực KTTT, HTX tiếp tục phát triển ổn định, số lượng HTX năm sau cao hơn năm trước, các HTX đã từng bước củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều HTX đã phát huy được vai trò tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; các HTX hoạt động ổn định, có lãi đã tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và đem lại lợi ích cho thành viên.
Việc phát triển KTTT, HTX cũng đã góp phần lớn trong việc cung ứng dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh. Một số HTX nông nghiệp đã sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm khép kín, từ sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX với các thành viên, hộ gia đình để có sản phẩm đầu vào ổn định đến chế biến và liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu các sản phẩm của HTX, từ đó góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Chất lượng nông sản hàng hóa của các HTX nông nghiệp ngày càng được nâng lên; sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì phong phú; thông qua các HTX đã thu hút được nhiều doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư; nhiều HTX xây dựng được vùng nguyên liệu lớn, phát triển thị trường, mở rộng sản xuất, thu hút được nhiều lao động nông nhàn ở nông thôn tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tỉnh Gia Lai huyến khích phát triển KTTT trong các ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình KTTT và HTX trên địa bàn, tỉnh Gia Lai khuyến khích phát triển KTTT trong các ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh như: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến từ sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, liên kết các HTX và các thành phần kinh tế khác, chương trình OCOP, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nông thôn mới,...
Hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, nhiều thành viên, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng. Tiếp tục củng cố, đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của các HTX hiện có. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 475 HTX với 19.317 thành viên; có 03 LH HTX với 13 HTX thành viên; có 510 THT (trong đó có khoảng 411 THT có đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương). Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 32% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Để đạt được các mục tiêu trên, địa phương này tiếp tục phổ biến, tập huấn các thông tin mới liên quan đến Luật HTX năm 2023, các văn bản hướng dẫn sau khi được ban hành. Tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển HTX; lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ HTX, THT. Có kế hoạch hợp tác với các trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ, viện nghiên cứu để làm cầu nối tư vấn, hỗ trợ các tổ chức KTTT ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động, sản xuất kinh doanh.
Tăng cường hoạt động khuyến nông, khuyến công ở khu vực nông thôn với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, cùng với sự huy động vốn các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân. ăng cường nghiên cứu dự báo nhu cầu thị trường, tư vấn cho các tổ chức KTTT, nông dân để có thể sản xuất theo đúng nhu cầu thị trường. Hỗ trợ xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm, thiết kế logo, bao bì và các ấn phẩm quảng bá khác giúp các HTX nông nghiệp có được nhãn hiệu hàng hoá uy tín, có vị thế vững chắc trên thị trường.
Hỗ trợ các HTX nông nghiệp trên địa bàn tham gia các sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường, cũng như tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về ứng dụng thương mại điện tử. Hướng dẫn, hỗ trợ HTX, THT đăng ký sử dụng mã số mã vạch GS1; ghi nhãn hàng hóa; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; áp dụng và công bố sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia; áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm như: ISO 9001, ISO 22000, HACCP,…; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.
Tiếp tục xây dựng mô hình HTX và tổng kết mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; sản xuất thông minh, ứng dụng thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại sản phẩm của HTX. Khuyến khích các HTX phát triển sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP tiết kiệm và sử dụng nguồn lực đầu vào (đất đai, lao động, vốn,...) hợp lý, hiệu quả nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; thực hiện chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, tiên tiến, nhất là công nghệ về giống, công nghệ về sơ chế, bảo quản - chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tiếp tục hỗ trợ các tổ chức KTTT tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài nước; tham gia các phiên chợ hàng Việt, chương trình kết nối cung cầu giữa các nhà sản xuất, các cơ sở sản xuất hàng nông sản trên địa bàn với các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị nhằm giới thiệu, hỗ trợ, giúp các cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển KTTT, HTX, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, các tỉnh trong nước có phong trào HTX mạnh.
Lê Đức
Bình luận