Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Chủ nhật, 28/01/2024 06:01
TMO - Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng, UBND tỉnh Long An yêu cầu các ngành, địa phương triển khai linh hoạt nhiều giải pháp, đảm bảo nguồn nước góp phần bảo vệ vùng sản xuất và đời sống người dân.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2023-2024, tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Kông về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu thế giảm dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10-15%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều với xu thế xuống dần. Trong các tháng mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL khả năng đến sớm hơn, cao hơn so với TBNN.
Về tình hình xâm nhập mặn trên hệ thống sông Vàm Cỏ mùa khô năm 2023-2024, Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Long An dự báo, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng thấp hơn TBNN. Mực nước đầu nguồn sông Long An chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và ở mức xấp xỉ TBNN, xâm nhập mặn vùng cửa sông tỉnh Long An ở mức cao hơn TBNN.
Cụ thể, trong các tháng mùa khô, độ mặn tại trạm Cầu Nổi trên sông Vàm Cỏ (huyện Cần Đước) dao động từ 14-19 gram/lít (g/l); tại trạm Bến Lức trên sông Vàm Cỏ Đông (huyện Bến Lức) dao động từ 2-9 g/l; tại trạm Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây (TP.Tân An) dao động từ 1-8 g/l; tại trạm Tuyên Nhơn trên sông Vàm Cỏ Tây (huyện Thạnh Hóa) dao động từ 0,1-0,7 g/l; tại trạm Xuân Khánh trên sông Vàm Cỏ Đông (huyện Đức Hòa) dao động từ 0,1-2,5 g/l.
Thông tin từ ngành Nông nghiệp tỉnh, qua rà soát, đánh giá của các huyện Thủ Thừa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Châu Thành, Tân Trụ và TP.Tân An, có khoảng 19.662ha diện tích cây trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay.
Các địa phương vận hành hiệu quả công trình thủy lợi nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nước cho sản xuất của người dân. Ảnh: BLA.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh có liên quan, UBND cấp huyện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố cần quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai và xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương, hiệu quả); trong đó, lấy phòng ngừa là chính, nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho nhân dân trong các tháng mùa khô năm 2023-2024, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn gây ra.
Bên cạnh đó, các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, trên cơ sở lịch sử xâm nhập mặn tại địa phương cần tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và khoanh vùng lên bản đồ các khu vực có nguy cơ bị thiếu nước, xâm nhập mặn trong tháng 01/2024 làm cơ sở cho việc triển khai các biện pháp cấp bách. Ngoài ra, tập trung xác định các công trình trọng điểm, xung yếu ưu tiên cần thực hiện khẩn trương đầu tư để ngăn mặn, trữ ngọt; các công trình cấp bách cần nạo vét để sớm đầu tư bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất; các công trình cấp nước sinh hoạt để bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân
Tổ chức rà soát, xác định, khoanh vùng các khu vực có khả năng, nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai các giải pháp cụ thể, bảo đảm cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt tới từng hộ dân, từng ấp, xã, huyện; nhất là tại các vùng xa khu dân cư tập trung, vùng ven sông các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô để có giải pháp bảo đảm nguồn nước phù hợp; tăng cường vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, tránh triệt để làm thất thoát, lãng phí nước; quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt. Đồng thời hỗ trợ người dân mua sắm, sử dụng các dụng cụ, trang thiết bị cấp, trữ nước như lu, bể, bồn, túi chứa nước và các hình thức khác... để tích trữ đủ nguồn nước ngọt phục vụ cho toàn bộ thời gian xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023-2024.
Hộ dân chủ động tích trữ nước ngay tại vườn.
Tại huyện Thủ Thừa, nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện chủ yếu từ sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Theo dự báo, hạn, mặn sẽ giống năm 2015-2016, ảnh hưởng nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện. Vì vậy, để ứng phó với hạn, mặn, UBND huyện Thủ Thừa cho biết: Huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung khuyến cáo nông dân về lịch gieo sạ, trong đó, lịch gieo sạ vụ Đông Xuân đợt 1 từ ngày 13/11 đến 25/11/2023, đợt 2 từ ngày 10/12 đến 25/12/2023. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn có diện tích lúa Thu Đông gieo sạ muộn thì vận động nông dân không gieo sạ vụ Đông Xuân. Ngành Nông nghiệp huyện rà soát lại hệ thống kênh, mương để có kế hoạch nạo vét, dự trữ nước, bảo đảm nước ngọt phục vụ sản xuất.
Huyện Bến Lức là địa phương trồng chanh nhiều nhất tỉnh, với diện tích khoảng 7.000ha. Mùa vụ năm 2019-2020, huyện có diện tích chanh bị ảnh hưởng khoảng 2.000ha, thiệt hại từ 30% trở lên. Bên cạnh những nông dân có diện tích bị ảnh hưởng thì cũng có những nông dân, hợp tác xã (HTX) “thắng lợi kép” trong mùa hạn, mặn năm 2019-2020, vì vừa né được hạn, mặn, bảo vệ được diện tích sản xuất, vừa trúng mùa, trúng giá.
Năm qua huyện Tân Trụ đầu tư xây dựng 9 công trình thủy lợi, với tổng kinh phí trên 7,2 tỉ đồng; trục vớt lục bình khơi thông dòng chảy các kênh, rạch tại 10 xã, thị trấn, tổng kinh phí trên 880 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các giải pháp ứng phó hạn, mặn; hướng dẫn nông dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nhằm tiết kiệm nước, tránh bị thiệt hại do thiếu nước; phối hợp các ngành chuyên môn kiểm tra chất lượng nước trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây để vận hành các cống đầu mối, điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân năm 2023-2024.
Để ứng phó với mùa hạn, mặn năm nay Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch và đề ra 2 giải pháp là giải pháp phi công trình và giải pháp công trình. Cụ thể, Trung tâm phối hợp các địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, đo đạc theo dõi diễn biến, tình hình trước xâm nhập mặn trên các trục sông chính và các tuyến kênh, rạch nội đồng; thường xuyên cập nhật các thông tin, dự báo, cảnh báo về thời tiết của các cơ quan chuyên môn trên trang thông tin điện tử của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh để các địa phương cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh biết và chủ động triển khai kịp thời các giải pháp phòng, chống hạn, mặn, thiếu nước.
Nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2023 - 2024, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo mặn có thể xuất hiện sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Theo đó, mặn có thể ảnh hưởng đến vùng cây ăn trái cách biển từ 30 - 45km trong tháng 1. Từ tháng 2 - 3, mặn tăng cao, các vùng sản xuất cách biển từ 50 - 65km khả năng lấy nước tưới bị hạn chế. Các địa phương cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn để lấy nước tích trữ phục vụ sản xuất.
Nhằm ứng phó với xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024, Cục Thủy lợi cho rằng các địa phương cần rà soát, xây dựng cụ thể kế hoạch đắp đập tạm, sửa chữa, nâng cấp các ô bao, bờ bao, cống để vừa bảo đảm ngăn lũ, triều cường và ngăn mặn; xác định vị trí, quy mô công trình, vùng tích trữ nước ngọt. Đồng thời, nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, trữ nước ngọt; vận hành hợp lý công trình thủy lợi để lấy lượng nước ngọt cao nhất xuất hiện trong thời kỳ xâm nhập mặn; phân chia, điều tiết nguồn nước bảo đảm phục vụ cho các mục tiêu, tránh xảy ra tranh chấp, xung đột nguồn nước; định kỳ kiểm kê, theo dõi số lượng, chất lượng nguồn nước để phân phối cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước thiếu hụt.
Lê Hoàng
Bình luận