Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ hai, 05/08/2024 04:08
TMO - Triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ, tỉnh Lâm Đồng tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 7 hệ thống sông chính gồm: Cam Ly, Đa Nhim, Đạ Huoai, Đồng Nai, Đa Dâng, La Ngà và Krông Nô. Do đặc điểm địa hình đồi núi và chia cắt nên hầu hết các sông suối ở đây đều có lưu vực khá nhỏ và có nhiều ghềnh thác ở thượng nguồn. Hệ thống hồ tương đối dày đặc, phần lớn là các hồ nước nhân tạo, nhiều hồ thuỷ lợi, hồ thuỷ điện.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có 440 công trình thủy lợi, bao gồm 227 hồ chứa, 90 đập dâng, 19 trạm bơm, 91 đập tạm, 12 kênh tiêu cùng với khoảng 1.200km kênh mương chủ động cấp nước tưới cho khoảng 47.569ha đất canh tác. Trong số 227 hồ chứa có 35 công trình lớn, 61 công trình vừa và 131 công trình nhỏ.
Phần lớn các hồ, đập trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng đã lâu, qua thời gian sử dụng lâu dài nên một số công trình đã bị hư hỏng xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Đây cũng là thách thức lớn của các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình phát triển, vừa phải bảo đảm cho khai thác, vận hành của đập, hồ chứa để bảo đảm mục đích phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hạ du và ổn định cuộc sống của người dân.
Đảm bảo an toàn đập, hồ chứa mùa mưa bão là một trong những nhiệm vụ quan trọng để các địa phương chủ động ứng phó với thiên tai.
Hiện nay vào mùa mưa bão tại địa phương xảy ra tình trạng lũ ống, lũ quét, úng ngập xảy ra thường xuyên, tình trạng sạt lở đất ở một số vùng, cùng với 66 công trình thủy lợi, hồ, đập tại địa phương đã và đang bị xuống cấp, chưa có kinh phí sửa chữa, thì vấn đề an toàn hồ đập cần được đặc biệt quan tâm, chú trọng, ảnh hưởng lớn đến an toàn cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, đơn vị đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân trong vùng hạ du. Thành phần đoàn kiểm tra gồm: đại diện Sở Công Thương; đại diện Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện có thủy điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ thực hiện những nhiệm vụ cụ thể như: kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường, công tác quản lý đầu tư xây dựng và vận hành công trình thủy điện theo quy định. Trong đó, tập trung vào các quy định về: vận hành hồ chứa nước, cảnh báo và đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, kiểm định an toàn đập, phối hợp giữa chủ đập thủy điện với chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trong công tác vận hành hồ chứa thủy điện; kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện.
Qua đó, đánh giá mức độ an toàn của đập, rà soát thiết kế, khả năng chịu tải của đập có tính đến sự tác động của mưa bão; các thiết bị, công trình xả lũ, nhận nước... và khắc phục kịp thời các khuyết điểm trước mùa mưa, lũ. Kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện trước, trong và sau mùa mưa, bão; công tác quản lý vận hành khai thác công trình thủy điện theo quy định.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thuỷ điện; công tác lập và rà soát, điều chỉnh, bổ sung hằng năm cho phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập; việc điều chỉnh, bổ sung hằng năm cho phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước, ứng phó với tình huống khẩn cấp; việc cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập thủy điện…nâng cao chất lượng nắm tình hình, dự báo các nguy cơ đe dọa an toàn đập, hồ chứa nước; bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan làm tốt công tác Quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an toàn đập, hồ chứa nước; phát hiện những sơ hở, vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kịp thời tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, xây dựng chính sách phù hợp.
Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước mùa mưa, lũ UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị về việc tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa, công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, hàng năm, Chi cục Thủy lợi cũng đã phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa và lập phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Để đảm bảo an toàn hồ, đập, tính mạng và tài sản của người dân phía hạ lưu công trình, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; trong đó, kinh phí để sửa chữa nâng cấp công trình bị hư hỏng xuống cấp là 440 tỷ đồng; kinh phí để nâng cao năng lực quản lý vận hành công trình, thực hiện các nội dung về quản lý an toàn đập, hồ chứa là 98 tỷ đồng.
Mặt khác, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương có công trình thủy lợi chủ động gia cố, sửa chữa các hư hỏng, tránh để xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; chủ động tập kết đầy đủ nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” trong phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp được phê duyệt để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Đối với các công trình đang triển khai thi công, yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời, thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình.
Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 đảm bảo an toàn cho toàn bộ các hồ, đập trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cho biết, để đạt mục tiêu an toàn hồ, đập đến năm 2025 nêu trên, toàn tỉnh Lâm Đồng cần đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm. Trước hết là nhóm giải pháp về quản lý, lập, điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, quy trình bảo trì, kiểm định an toàn hồ, đập; đầu tư ứng dụng hệ thống trang thiết bị hỗ trợ nâng cao năng lực vận hành ứng phó với mưa lũ. Đối với các công trình đang sửa chữa hoặc xây dựng mới, chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn. Trước, trong và sau mùa mưa lũ phải thường xuyên kiểm tra đập, hồ chứa nước, thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” trong xử lý sự cố công trình, tổ chức trực ban 24/24 giờ trong mùa mưa lũ.
Từ tỉnh đến cơ sở sắp xếp bộ máy tổ chức, hoàn thiện, nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nhất là tăng cường năng lực chuyên môn trong kiểm tra, quan trắc, dự báo an toàn hồ, đập. Thứ ba, định kỳ hàng năm, kiểm tra, rà soát, tổng hợp đề xuất phân bổ kinh phí sửa chữa, cải tạo các công trình ưu tiên đầu tư theo quy mô và mức độ hư hỏng. Đồng thời, xã hội hóa các nguồn lực huy động để góp phần giảm kinh phí quản lý an toàn hồ, đập từ ngân sách Nhà nước.
Cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng về tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn hành lang công trình thủy lợi; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn hồ, đập. Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định pháp luật vế quản lý an toàn hồ, đập, vi phạm về hành lang bảo vệ công trình thủy lợi…
Hồ chứa nước thủy lợi xây dựng với mục đích cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp điều tiết nước phòng chống lũ trong mùa mưa, bão bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. Trên địa bàn cả nước có 6.750 hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ từ 50.000 m3 hoặc chiều cao đập từ 5m trở lên. Qua thống kê ở 45 địa phương hiện nay có 1.159 hồ đang bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó có 338 hồ chứa nước thủy lợi bị hư hỏng nặng, 555 hư hỏng vừa và 266 hư hỏng nhẹ. Các địa phương có hồ chứa nước thủy lợi hư hỏng, xuống cấp nhiều như: Thanh Hóa 56 hồ chứa, Tuyên Quang 57 hồ chứa, Thái Nguyên 72 hồ chứa, Phú Thọ 63 hồ chứa, Hòa Bình 81 hồ chứa, Nghệ An 69 hồ chứa...
Để bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nước thủy lợi trong mùa mưa, bão, lũ năm nay, các địa phương cần tổ chức kiểm tra tổng thể các hồ chứa thủy lợi, nhất là các hồ chứa bị hư hỏng nặng nhằm chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án bảo đảm an toàn công trình theo phương châm "bốn tại chỗ"; tổ chức vận hành thử các cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước và bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn đập theo quy định.
Trong đó, hoàn thiện đăng ký an toàn đập; lập và thực hiện phương án ứng phó thiên tai, tình huống khẩn cấp; đánh giá an toàn các hồ chứa nước thủy lợi kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để có hướng xử lý kịp thời; chủ động xử lý các ẩn họa trên mái đập, thân đập như: Phát dọn cây cỏ, tổ mối, tháo dỡ chướng ngại vật trên tràn... bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình.../.
Hồng Anh
Bình luận