Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ ba, 04/06/2024 14:06
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay cả nước có hơn 1.000 hồ đã được xây dựng từ lâu, nguy cơ về an toàn hồ đập là rất cao, nếu sửa chữa, nâng cấp và cải tạo cần nguồn nhân lực rất lớn.
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, trên cả nước có khoảng 40.200 công trình khai thác, sử dụng nước (29.860 công trình khai thác nước mặt: 6.750 hồ thủy lợi, gần 600 hồ thủy điện, 3.659 đập dâng, còn lại là các công trình cống, trạm bơm và các công trình khác; khoảng 10.346 công trình khai thác nước dưới đất).
Tuy nhiên, đối với các hồ đập thuỷ lợi nhỏ, phần lớn do các xã, hợp tác xã, nông trường đầu tư xây dựng từ những năm 1970 đến 1980, trong điều kiện thiếu kinh phí, trình độ kỹ thuật hạn chế nên chất lượng thiết kế, thi công chưa phù hợp, không có hồ sơ thiết kế, thiếu kinh phí bảo trì nên bị hư hỏng, xuống cấp, suy giảm năng lực, hiệu quả phục vụ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Cụ thể, hiện nay, cả nước còn 1.104 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ, chưa có nguồn vốn để đầu tư sửa chữa nâng cấp (157 lớn, 264 vừa và 683 nhỏ). Các hạng mục hư hỏng xuống cấp nặng thường xảy ra tại các hồ chứa thủy lợi, gồm đập đất bị thấm lớn qua thân, nền, vai đập; sạt, trượt mái đập (do sóng, do thấm); có tổ mối trong thân đập; thân cống bị hư hỏng, mục ruỗng; mang cống bị thấm, hư hỏng tiêu năng sau cống, thấm mang; lớp gia cố tràn xả lũ bị bong tróc, nứt vỡ, thấm luồn dưới lớp gia cố, thiếu khả năng xả lũ.
Về khả năng chống lũ, hầu hết các hồ chứa lớn đã được sửa chữa nâng cấp theo Quy chuẩn 04-05:2012/BNNPTNT, tuy nhiên, vẫn còn 65 hồ thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn cũ (trước năm 2002), cần kiểm tra khả năng tháo lũ. Rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước cũng gia tăng do mưa lũ diễn biến cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật trên lưu vực hồ chứa đang có chiều hướng gia tăng.
Từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 75 sự cố vỡ đập, hồ chứa thuỷ lợi và 14 sự cố mất an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện. Nguyên nhân sự cố do ảnh hưởng của mưa, lũ dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế, công trình đầu mối bị hư hỏng, xuống cấp; năng lực của đơn vị quản lý, khai thác chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt nhiều đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa thuỷ điện không đủ năng lực; công tác kiểm định an toàn đập hầu hết chưa được thực hiện, kiểm tra đập hồ chứa nước bằng trực quan nên chưa phát hiện được ẩn họa trong đập.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay cả nước có hơn 1.000 hồ đã được xây dựng từ lâu, nguy cơ về an toàn hồ đập là rất cao, cần nguồn lực lớn để nâng cấp, cải tạo.
Về phương hướng khắc phục, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã trình Thủ tướng ban hành, sửa đổi 11 quy trình vận hành liên hồ chứa, bảo đảm điều hòa, phân bổ nguồn nước cũng như sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống tác hại hạn hán, thiếu nước. Bộ cũng xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu vận hành của 134 hồ chứa, đập dâng lớn, quan trọng trên 11 lưu vực, phục vụ việc giám sát, vận hành liên hồ, đáp ứng các yêu cầu quản lý, điều hòa phân phối nguồn nước trên 11 lưu vực.
Phối hợp các cơ quan cập nhật và xây dựng kịch bản Biến đổi khí hậu gắn với nhu cầu chi tiết của ngành, địa phương, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Các cơ quan đã xây dựng bản đồ rủi ro lũ và ngập lụt cho 24 lưu vực sông trên toàn quốc phục vụ quy hoạch và phòng chống thiên tai. Khi hạ tầng kỹ thuật bảo đảm, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng đến vận hành an toàn hồ chứa theo thời gian thực, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nước và đảm bảo 100% hồ chứa thủy điện lớn được kiểm soát, giám sát trực tuyến.
Sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã trả lời chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề đại biểu quan tâm. Bày tỏ lo ngại về tình trạng xuống cấp của công trình khai thác sử dụng nước, đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) chia sẻ: Phần lớn các công trình trên hồ thủy lợi trên được xây dựng từ những năm 1970-1980 trong điều kiện kinh phí, trình độ kỹ thuật hạn chế, chất lượng thiết kế thi công chưa phù hợp, thiếu kinh phí bảo trì… Vì vậy đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như ngành tài nguyên và môi trường sẽ có giải pháp để khắc phục tình trạng trên.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc sửa chữa, nâng cấp, cải tạo hơn 1.100 hồ chứa nước xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ đòi hỏi một nguồn lực rất lớn. Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội thông qua, theo đó tập trung giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương… phối hợp để điều hòa, phân phối nguồn nước; đưa ra các kịch bản nguồn nước để bảo đảm an ninh nguồn nước. Tới đây, các Bộ sẽ đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính Phủ để rà soát lại hiện trạng các hồ đập để vừa bảo đảm việc trữ nước phục vụ sản xuất cũng như yếu tố an toàn.
Về giải pháp thu hút đầu tư xây dựng các công trình tích trữ nước theo đề xuất của đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt (đoàn tỉnh Điện Biên), Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết thời gian qua, Việt Nam rất quan tâm đến việc xây dựng hồ thủy lợi để tích trữ nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang rà soát những nơi có đủ điều kiện để xây dựng các hồ đập, hồ thủy lợi. Theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, cơ quan này đã có nhiều cố gắng thực hiện việc yêu cầu các nhà máy thủy điện lắp hệ thống quan trắc, giám sát, kết nối về bộ để theo dõi, giám sát, quản lý.
Hiện nay, trên cả nước đã có hơn 850 hồ thủy điện kết nối về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Khi có hiện tượng không duy trì dòng chảy tối thiểu, cơ quan này sẽ tổ chức trực tiếp kiểm tra, xử lý theo quy định. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện kết nối hồ thủy điện với cấp sở, cấp bộ để cùng giám sát, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Đức Dũng
Bình luận