Hotline: 0941068156
Thứ ba, 05/11/2024 13:11
Thứ năm, 24/10/2024 13:10
TMO - TP. Hải Phòng xác định các trung tâm logistics là các dự án mang tính động lực cho phát triển kinh tế nên ngoài nguồn vốn ngân sách sẽ thực hiện kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các trung tâm logistics cấp vùng, cấp tỉnh.
TP.Hải Phòng hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế. Cụ thể, Hải Phòng được biết đến là đô thị cảng biển đã hình thành đến nay được hơn 135 năm, với hơn 126 km bờ biển, hơn 4.000 km diện tích mặt biển; là đầu mối giao thông - giao lưu quan trọng của Việt Nam và quốc tế. Thành phố có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, với 5 loại hình giao thông (đường biển, đường bộ, đường sắt, hàng không, thủy nội địa) thuận lợi kết nối liên tỉnh, liên vùng và đi các nước trên thế giới.
Những năm qua, Hải Phòng tập trung cao huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đến nay, nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, khu vực đã hoàn thành như đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng; Hải Phòng- Hạ Long- Móng Cái; quốc lộ 5; quốc lộ 10 được nâng cấp, cải tạo, mở rộng; xây dựng cầu Rừng, cầu Lại Xuân; cầu Quang Thanh; cầu Dinh; cầu sông Hóa; cầu và đường Tân Vũ- Lạch Huyện…; đang triển khai xây dựng cầu Nguyễn Trãi…
Hệ thống cảng biển nước sâu không ngừng được đầu tư, đến nay đã xây dựng 8 bến tại Lạch Huyện và đang triển khai các bến tiếp theo. Thành phố có 14 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với chiều dài 265km; 17 tuyến đường thủy nội địa địa phương với chiều dài 191kml 16 cảng thủy nội địa; có khoảng 4000 phương tiện vận tải thủy nội địa đang hoạt động, trong đó đa số là các phương tiện vận tải hàng hóa cỡ nhỏ.
TP.Hải Phòng hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức.
Về đường hàng không, Hải Phòng có Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi được quy hoạch đạt công suất 13 triệu khách và 250.000 tấn hàng hóa/năm vào năm 2030; tầm nhìn tới năm 2050 đạt 18 triệu hành khách/năm và 500.000 tấn hàng hóa/năm. Đồng thời, tương lai của các tuyến vận tải đường sắt cũng rất rộng mở. Hải Phòng hiện có Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải; có 14 KCN đang hoạt động và đang tiếp tục thành lập Khu Kinh tế thứ 2 với nhiều KCN mới, trong đó có Khu Thương mại tự do.
Ngoài ra, Hải Phòng còn giữ vị trí trọng yếu trong vùng Duyên hải Bắc Bộ, giao điểm của 2 hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và tuyến hành lang ven biển phía Bắc; là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc; và được xác định là đô thị trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, đồng thời là đô thị trung tâm gắn kết hoạt động kinh tế hệ thống đô thị của Vùng Duyên hải Bắc Bộ.
Nghị quyết 45 ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ: Đến năm 2025 thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia; đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực: trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao..
Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11- 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn.
Đặc biệt, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố tháng 5-2024 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đưa quan điểm xác định: Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững. Tầm nhìn năm 2050 được xác định: sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30-3- 2023 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mạng lưới logistics của Hải Phòng khoảng 2.200 - 2.500 ha, gồm: trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng ở khu vực Đình Vũ - Cát Hải; các trung tâm logistics cấp thành phố, trung tâm logistics chuyên dụng, trung tâm logistics hỗ trợ gắn với các đầu mối giao thương chính. Ngoài ra, bố trí các khu logistics gắn với khu vực sản xuất công nghiệp, cảng sông, cảng biển và các trung tâm, đầu mối vận tải khác tại quận Hải An, Dương Kinh, huyện Kiến Thụy, An Dương, Tiên Lãng...
Tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ: chủ động nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế đặc biệt là “cửa chính ra biển” đối với cả miền Bắc, xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, trung tâm kết nối kinh tế và động lực phát triển của Vùng Đồng bằng sông Hồng, của Bắc Bộ và cả nước.
Theo đó, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thuỷ nội địa; trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển…
Theo UBND TP.Hải Phòng, địa phương này đã sớm có Chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị và quyết liệt triển khai thực hiện. Trong đó, thành phố luôn xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế thành phố, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Hải Phòng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với dịch vụ cảng biển, logistics là một trong ba trụ cột trong định hướng phát triển của thành phố Cảng.
Để phát triển mạnh mẽ hoạt động logistics, Hải Phòng đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế và nhất là hệ thống cảng biển. Và các dự án lớn theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đều nằm trong danh mục các dự án trọng điểm giai đoạn 2020-2025 được thành phố ưu tiên bố trí và thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển.
Trong đó, nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, khu vực đã hoàn thành như đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; Hải Phòng-Hạ Long-Móng Cái; Quốc lộ 5; Quốc lộ 10 được nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đã hoàn thành xây dựng cầu Rừng, cầu Quang Thanh; cầu Dinh; cầu sông Hóa; cầu và đường Tân Vũ-Lạch Huyện...; đang hoàn thiện cầu Lại Xuân và tiếp tục triển khai xây dựng cầu Nguyễn Trãi...
TP.Hải Phòng tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng cho phát triển ngành logistics.
Trong giai đoạn 2019-2023, Hải Phòng đã đầu tư xây dựng mới gần 20 km đường quốc lộ, gần 29 km đường tỉnh lộ, hơn 55 km đường huyện lộ và hơn 137 km đường đô thị... tạo kết nối đường bộ đi và đến Hải Phòng thuận lợi nhất cả nước. Cùng với đó, hệ thống cảng biển nước sâu không ngừng được đầu tư.
Hiện Hải Phòng đã hoàn thành, đưa vào hoạt động hai bến khởi động của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, đủ khả năng đón tàu trọng tải lên đến 145.000 DWT, nhiều hãng tàu lớn thế giới đã đưa tàu container trọng tải lớn vào cảng khai thác các tuyến vận tải biển quốc tế, kết nối trực tiếp Hải Phòng với các cảng lớn ở khu vực Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ...
Đồng thời, thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng sáu bến tại Lạch Huyện và đang triển khai các bến tiếp theo. Theo dự kiến, trong quý I/2025, Hải Phòng có thêm bốn bến cảng nước sâu tại Lạch Huyện hoàn thành và đi vào khai thác. Thành phố cũng chú trọng đầu tư, cải tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của 285 km đường thủy nội địa quốc gia, 140 km đường thủy nội địa địa phương để phát triển vận tải container trên các tuyến này nhằm vừa giảm chi phí vận tải, chi phí logistics, vừa giảm ùn tắc và tai nạn giao thông...
Hải Phòng hiện có 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics với hơn 170 nghìn lao động, cùng 60 kho bãi chính có tổng diện tích khoảng 701 ha. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp logistics tại Hải Phòng mới chỉ thực hiện các công đoạn thô như bốc xếp, kho bãi, vận chuyển đường bộ..., với nguồn thu thấp, tạo giá trị gia tăng không cao, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài như: ONE, Maersk-line, Mitsui O.S.K line, APL... hiện đang chiếm từ 75 đến 80% thị phần logistics của Hải Phòng.
Thành phố đã phối hợp tích cực với các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ đề án về phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam - một dư địa và động lực cho kinh tế - xã hội thành phố nói chung và hoạt động logistics nói riêng phát triển mạnh mẽ và đột phá trong thời gian tới.
Theo đó, cùng với việc hình thành Khu kinh tế ven biển mới này theo định hướng Khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, thì Khu kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại, là đầu mối của TP.Hải Phòng tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới.
Trên địa bàn TP.Hải Phòng có 4 Trung tâm logistics, gồm 2 trung tâm đã hoạt động là Trung tâm Logistics Green; Trung tâm tiếp vận Yusen Logistics (KCN DEEP C); 2 trung tâm đang được xây dựng là Trung tâm logistics CDC (KCN DEEP C 2) và Trung tâm logistics tại KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (DEEP C 3). Đến năm 2025, Hải Phòng sẽ đầu tư xây dựng từ 1-3 khu dịch vụ logistics cấp quốc gia với tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30%-35%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GDP của thành phố từ 20%-25%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 60%. Sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 300 triệu tấn.
Đến năm 2030, Hải Phòng phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả 5 hệ thống giao thông, ưu tiên quỹ đất để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế, cơ bản hoàn thiện mạng lưới trung tâm logistics trên địa bàn Thành phố.
Đảm bảo tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30%- 35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của Thành phố từ 25%-30%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 65%, các trung tâm logistics mới theo quy hoạch đảm nhận 60%-70% tổng lượng hàng hóa, còn lại các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ logistics đang khai thác đảm nhận 30%-40%. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics, đảm bảo tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo ngành logistics đạt 80%. Sản lượng hàng hóa qua cảng năm 2030 đạt 600 triệu tấn.../.
Thu Trang
Bình luận