Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 17:01
Thứ hai, 08/07/2024 14:07
TMO - Thời gian qua, các chương trình, dự án giảm nghèo, tạo sinh kế ổn định cho người dân ở vùng sâu biên giới thông qua những mô hình thiết thực, cụ thể, gắn liền với hoàn cảnh của từng thôn, xã đã phát huy hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Để hiện thực hóa mục tiêu, mỗi địa phương tìm ra được hướng phát triển kinh tế phù hợp để xóa đói giảm nghèo.
Mường Chà là huyện miền núi, biên giới thuộc tỉnh Điện Biên với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn. Để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân góp phần đảm bảo an sinh xã hội, huyện Mường Chà rất chú trọng tới việc nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. Từ tháng 5/2023, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn đã bỏ cây lúa năng suất, giá trị thấp để chuyển sang liên kết với hợp tác xã (HTX) trồng cây bí xanh. HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm, người dân góp đất sản xuất, tham gia quá trình trồng và chăm sóc cây bí.
Lợi nhuận thu được được chia theo tỷ lệ người dân góp đất được hưởng 60% giá trị lợi nhuận, hợp tác xã hưởng 40%. Khi chuyển sang trồng bí xanh mỗi năm thu 2 vụ, mỗi vụ cắt 10 lượt quả, có gia đình bán được hơn 100 tấn quả/vụ, với giá 5.000 - 10.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần, người dân rất phấn khởi. Với điều kiện thuận lợi đó, từ mô hình trồng bí xanh đầu tiên 2,6ha, đến nay toàn huyện Mường Chà có hơn 28ha bí. Cây bí xanh được kỳ vọng tiếp tục phát triển hơn nữa trên địa bàn huyện.
Mô hình liên kết trồng bí xanh góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà.
Xác định chăn nuôi là hướng đi quan trọng trong xóa đói giảm nghèo; những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc được cấp ủy, chính quyền huyện Mường Chà đặc biệt quan tâm. Từ năm 2016, huyện đã triển khai thí điểm mô hình chăn nuôi bò theo nhóm tại bản Huổi Đáp, xã Pa Ham. Mô hình được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của các nhóm hộ có cùng sở thích, với mỗi nhóm có 6 hộ tham gia. Để thành lập được mô hình này, các gia đình tự nguyện tham gia “Dự án nhóm hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh”. Từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, nhóm đã mua 5 con bò cái sinh sản về chăn nuôi; đến nay đàn bò đã phát triển lên gần trên 50 con.
Tương tự mô hình chăn nuôi bò theo nhóm tại xã Pa Ham, năm 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà triển khai Dự án Mô hình nuôi bò cái sinh sản giống địa phương năm 2019 - 2020, thuộc nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, Chương trình 30a tại bản Phi Hai, xã Sá Tổng. Ban đầu, dự án được triển khai từ tháng 7/2019 cho 28 hộ nghèo với nguồn kinh phí hơn 594 triệu đồng. Qua 18 tháng thực hiện, số bò khi kết thúc dự án là 24 con, tăng 10 con, số bò có chửa là 7 con. Tổng giá trị đàn bò tăng thêm so với ban đầu là hơn 80 triệu đồng. Thấy được hiệu quả của mô hình đến nay, nhiều nông dân các xã vùng cao trên địa bàn huyện cũng áp dụng mô hình nuôi bò theo nhóm, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Mô hình chăn nuôi đại gia súc tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh được đánh giá là mô hình kinh tế hiệu quả giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Ảnh: QL.
Trên địa bàn huyện Tủa Chùa, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai sọ tại xã Trung Thu được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai thực hiện từ năm 2021, đến nay đã được nhân rộng. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, đồng thời được ký kết hợp đồng tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm. Các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, giúp người dân yên tâm tham gia mô hình.
Hiện nay, năng suất khoai đạt trung bình 12,5 tấn/ha, giá thu mua tối thiểu 8.000 đồng/kg; trừ chi phí thu về 50 triệu đồng/ha. Sản phẩm khoai sọ được Hợp tác xã H’Mông Tủa Chùa cam kết tiêu thụ. Hiện nay, Hợp tác xã đã phát triển liên kết sản xuất, bao tiêu cho gần 100ha khoai sọ tại Tủa Chùa. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, nhận thấy hiệu quả những năm gần đây người dân trong và ngoài mô hình đã mở rộng diện tích. Từ 4ha ban đầu, đến nay toàn xã có hơn 300 hộ dân liên kết với nhau, mở rộng diện tích sản xuất lên hơn 40ha. Mô hình khoai sọ không chỉ được trồng trên địa bàn xã Trung Thu mà còn mở rộng sản xuất sang nhiều địa bàn khác của huyện Tủa Chùa.
Bằng nguồn kinh phí khuyến nông của tỉnh năm 2019 – 2020, Trung tâm Khuyến nông giống cây trồng vật nuôi phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông đầu tư triển khai mô hình trồng cây lê vàng với quy mô 2 ha tại xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông. Sau 5 năm triển khai thực hiện mô hình, đến nay cây lê đã cho quả. Qua đánh giá cây lê sinh trưởng phát triển tốt, mẫu mã quả đẹp, chất lượng quả ngon ngọt, có vị thơm đặc trưng, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của xã.
Phòng Nông nghiệp huyện Điện Biên Đông cho biết, cây lê vàng là loại cây ăn quả dễ trồng, dễ chăm sóc, nhanh cho thu hoạch hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tới bà con nông dân xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông, với quy mô 02 ha, có 15 hộ tham gia mô hình. Đến nay, sau 5 năm thực hiện vườn lê vàng của các hộ đang phát triển rất tốt, bước đầu mỗi năm cho thu hoạch khoảng 10-15 kg quả/cây, mẫu mã quả đẹp, sáng bóng, chất lượng ngon ngọt...
Năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 35.922 hộ, giảm xuống còn 25,68% giảm 4,6% so với năm 2022, là năm thứ 2 liên tiếp, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm trên 4%/năm (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021- 2025), tỷ lệ hộ cận nghèo là 11,29%, tổng số hộ cận nghèo là 15.793 hộ. Trong đó tại các huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,73% so với năm 2022.
Trong giai đoạn 2021-2025, Điện Biên phấn đấu mỗi năm giảm từ 4% trở lên tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều; trong đó, các huyện nghèo giảm trung bình từ 5,5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân từ 5% trở lên. Tỉnh Điện Biên phấn đấu đến năm 2025, có 2 huyện Mường Ảng và Tuần Giáo sẽ thoát nghèo.
Còn đối với các huyện khác sẽ vẫn được hỗ trợ đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ, nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở tại các huyện, thị còn lại của Điện Biên.
Ngọc Ánh
Bình luận