Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ năm, 02/03/2023 09:03
TMO - Dự báo, từ ngày 5-9/3, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ tăng dần. Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp, phục vụ nông nghiệp và dân sinh; cần hạn chế tưới nhằm giảm thiệt hại.
Theo nhận định của phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết từ ngày 5-9/3, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ tăng dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 3/2022.
Từ ngày 1-10/3, chiều sâu ranh mặn 1‰ có khả năng phạm vi xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 60-75km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 45-55km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên là 50-60km; sông Hậu là 45-50km; sông Cái Lớn là 50-60km. Chiều sâu ranh mặn 4‰ trong thời kỳ này (1-10/3) có khả năng phạm vi xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 45-55km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 35-45km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên là 40-50km; sông Hậu là 30-40km; sông Cái Lớn là 40-50km.
Xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2022-2023 ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao tiếp theo ở cửa sông Cửu Long tập trung trong tháng 3/2023 (từ 18-25/3); tại các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và 4/2023 (từ 18-25/3, 17-23/4). Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Cấp 2.
Các địa phương tại khu vực ĐBSCL chủ động phương án trữ nước trước dự báo xâm nhập mặn gia tăng thời gian tới.
Nhận định về tình hình ĐBSCL trong mùa khô năm 2023, Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn thuộc Ủy ban sông Mekong (VNMC) cho biết: Tổng lượng dòng chảy về đến Tân Châu và Châu Đốc trong mùa khô (từ đầu năm đến hết tháng 5/2023) đạt từ 67- 75 tỷ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm (78 tỷ m3) và cùng kỳ năm 2022 (84 tỷ m3).
Vùng giữa ÐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre được dự báo chịu ảnh hưởng lớn từ hạn mặn. Tháng 3, mặn với nồng độ 4g/l có thể xâm nhập sâu 45-60km ở khu vực cửa sông; gió chướng mạnh có thể làm mặn vào sâu 50-65km, ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước. Vùng ven biển ÐBSCL, bao gồm tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang, được xem là có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt.
Vận hành các công trình ngăn mặn, trữ ngọt góp phần điều tiết, đảm bảo nguồn nước trong cao điểm mùa khô.
Mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có hệ thống kiểm soát mặn hoàn chỉnh. Tháng 3, mặn vào sâu 45-60km; đặc biệt, xâm nhập mặn có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như Gò Công (Tiền Giang), Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật (Sóc Trăng).
Cơ quan chuyên môn đã khuyến nghị các địa phương cần tăng cường công tác giám sát mặn và cần cập các bản tin dự báo thường xuyên. Cần lên kế hoạch lấy nước luân phiên cho phù hợp, tránh xảy ra trường hợp khan hiếm nước cục bộ, tạo điều kiện cho mặn xâm nhập sâu vào trong nội đồng.
Cụ thể, vùng thượng nguồn và vùng giữa lưu vực sông Cửu Long, nguồn nước cơ bản thuận lợi; vì vậy cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước. Trong khi đó, vùng hạ nguồn và đuyên hải, xâm nhập mặn sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thuỷ lợi ven biển như Gò Công (Tiền Giang), phía bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật (Dự án âu thuyền ngăn mặn WB11).
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính gây ra xâm nhập mặn đối với Đồng bằng sông Cửu Long là vào các năm có thời tiết, khí hậu cực đoan, cường độ cực đoan càng mạnh, thời gian cực đoan càng kéo dài, không gian cực đoan càng mở rộng, thiệt hại kinh tế - môi trường càng lớn. Cùng với đó, do hoạt động kinh tế của con người, việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm để phục vụ cho đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội cũng gây ra sự cạn kiệt nguồn nước. Hơn nữa, không có sự bổ sung cần thiết để bù lại lượng nước đã bị khai thác càng làm gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn…
Trước thực tế trên, từ đầu mùa khô 2022-2023 các địa phương tại vùng ĐBSCL như: Bến Tre, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng... đã ban hành kế hoạch, đồng thời đã và đang chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2022-2023.
Đức Trung
Bình luận