Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 08:01
Thứ tư, 14/06/2023 13:06
TMO - Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự đổi mới, kết hợp tích hợp các công nghệ (vật lý, kỹ thuật số và sinh học) lại với nhau và tác động hệ thống tới tốc độ, phạm vi và chiều sâu đối với doanh nghiệp. Với cuộc cách mạng này, cơ hội và thách thức đều to lớn đến từ cả phía doanh nghiệp và người tiêu dùng và nhà nước.
Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xanh
GS. Klaus Schwab người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới đã viết trong cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”: “Chúng ta đang chứng kiến những biến đổi sâu sắc trên tất cả các ngành công nghiệp, đánh dấu bằng sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, sự phá vỡ của các mô hình hiện tại và sự định hình lại hệ thống sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển và giao nhận... Những cách thức mới trong việc sử dụng công nghệ để thay đổi hành vi và các hệ thống sản xuất, tiêu thụ của chúng ta cũng thúc đẩy tiềm năng hỗ trợ quá trình tái tạo và bảo tồn môi trường tự nhiên, chứ không phải là tạo ra các chi phí ẩn dưới hình thức ngoại ứng”.
Tại cuộc đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu về kinh tế Việt Nam với chủ đề: “Thúc đẩy sự năng động và sáng tạo trong cách mạng 4.0” ở Davos, Thụy Sĩ đầu năm 2019, Thủ tướng Việt Nam cũng xác nhận: “Cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” từng doanh nghiệp, đem đến những thay đổi sâu sắc, mà không quốc gia nào có thể đứng ngoài.
Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp xanh và phần thưởng xứng đáng sẽ dành cho những người biết tận dụng cơ hội và biến thách thức thành cơ hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự đổi mới, kết hợp tích hợp các công nghệ (vật lý, kỹ thuật số và sinh học) lại với nhau và tác động hệ thống tới tốc độ, phạm vi và chiều sâu đối với doanh nghiệp. Với cuộc cách mạng này, cơ hội và thách thức đều to lớn đến từ cả phía doanh nghiệp và người tiêu dùng và nhà nước.
Về phía doanh nghiệp, cơ hội đến từ sự kết hợp, tích hợp các công nghệ không chỉ đem lại năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà còn tiết kiệm chi phí, trong đó có chi phí liên quan đến tài nguyên và môi trường như là nguồn cung cấp đầu vào cho quá trình sản xuất và là nơi tiếp nhận chất thải do sản xuất thải ra. GS.Klaus Schwab cũng lưu ý rằng: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mở ra nhiều cơ hội quan trọng cho thế giới để đạt được lợi ích to lớn trong cách sử dụng tài nguyên và sử dụng sao cho hiệu quả”.
Công nghệ được tích hợp, kết hợp giúp chế biến sâu hơn nguồn tài nguyên tự nhiên và thải ra ít hơn các chất thải ra môi trường qua đó hình thành và phát triển nền kinh tế ít/không chất thải hay nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, thách thức cũng đến với doanh nghiệp nào mà ở đó sự đổi mới, kết hợp, tích hợp các công nghệ như vậy không được thực hiện hay diễn ra, nên các chi phí sản xuất không được giảm bớt hay giảm bớt không đáng kể so với các doanh nghiệp khác, trong đó có chi phí về tài nguyên và môi trường, cuối cùng sẽ bị cạnh tranh thị trường đào thải.
Về phía người tiêu dùng, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 họ đã trở nên thông minh hơn nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn hàng hóa, dịch vụ. Thông minh hơn bao hàm cả lựa chọn hàng hóa, dịch vụ xanh và cơ hội nhiều hơn đến từ kết nối vạn vật – một thành tố cơ bản của Cách mạng công nghiệp 4.0. Kết nối vạn vật là tất cả mọi thứ có thể kết nối chỉ thông qua một mạng lưới nhất định (internet) nhằm đáp ứng các nhu cầu của con người. Trong đó, mọi thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho nhu cầu tiêu dùng luôn sẵn có trên mạng internet để lựa chọn.
Khi nói về người tiêu dùng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, GS. Klaus Schwab đã lưu ý: “Chính khả năng khai thác nhiều nguồn nguyên liệu, từ cá nhân đến nghề nghiệp, từ lối sống đến hành vi giúp cung cấp những hiểu biết sâu sắc về cuộc hành trình mua sắm của khách hàng, điều mà chúng ta không thể tưởng tượng được cho đến gần đây. GS cũng dự báo rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại cơ hội để hợp nhất các nhu cầu chưa được đáp ứng của 2 tỷ người vào nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến các nhu cầu tăng thêm cho các sản phẩm và dịch vụ sẵn có, bằng cách trao quyền và kết nối các cá nhân và cộng đồng trên toàn thế giới với nhau. Còn thách thức đối với người tiêu dùng là không chỉ phải làm quen nhiều hơn và thành thạo tốt hơn về công nghệ thông tin cũng như phải chọn lọc trong vô số thông tin bao gồm cả thông tin giả hay thông tin sai lệch không đúng sự thật để đưa ra quyết định lựa chọn hàng hóa, dịch vụ.
Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp xanh.
Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng đồng hành hướng tới nền kinh tế xanh
Có thể thấy, Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng là 3 chủ thể trung tâm và Cách mạng công nghiệp 4.0 là phương tiện hữu hiệu để hướng tới mục tiêu nền kinh tế xanh. Và nó chỉ có thể được tạo ra từ sự tham gia tích cực và đồng hành của cả 3 chủ thể đó cùng với sự kết nối và thúc đẩy mạnh mẽ nhờ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhờ sự đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng là điều kiện tiên quyết, thậm chí quyết định đối với tiến trình tiến tới nền kinh tế xanh, nền kinh tế tuần hoàn. Sự “lệch pha” của một chủ thể nào đó đều làm chậm hoặc thậm chí còn kìm hãm tiến trình này. Ví dụ nếu Nhà nước không đồng hành, cụ thể không có chính sách tạo môi trường tốt (không tạo ra hệ sinh thái tốt) cho nền kinh tế xanh hình thành và phát triển thì các hạt giống hoặc động thực vật (ở đây là doanh nghiệp xanh, hàng hóa xanh) khó có thể sinh trưởng, phát triển. Đây có lẽ là lý do mà các nhà khoa học, quản lý nhiều lần nhấn mạnh rằng phải tạo ra hệ sinh thái tốt cho mọi sự đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp. Chính sách tốt tạo ra hệ sinh thái tốt (môi trường kinh doanh tốt) mà ở đó mọi hoạt động phát triển đều được nảy mầm phát triển thuận lợi, sớm đem lại kết quả (Sản phẩm xanh, sản xuất xanh, nền kinh tế xanh)...
Sự đồng hành của doanh nghiệp thể hiện ở chỗ sớm nắm bắt cơ hội từ chính sách tạo ra môi trường thuận lợi cho xanh hóa sản xuất của Nhà nước để nhanh chóng đổi mới, sáng tạo. Kinh nghiệm quốc tế cũng như trong nước, trong xanh hóa sản xuất, phát triển nền kinh tế xanh cho thấy phần thưởng lớn nhất dành cho các doanh nghiệp sớm đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp trên nền hệ sinh thái phát triển do nhà nước tạo ra.
GS. Klaus Schwab cho rằng “các quy tắc cạnh tranh của các nền kinh tế trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là khác với các giai đoạn trước. Để giữ thế cạnh tranh, cả các công ty và quốc gia đều phải đạt tới giới hạn của sự đổi mới trong mọi hình thức, điều đó có nghĩa là các chiến lược tập trung chủ yếu vào việc giảm chi phí sẽ kém hiệu quả hơn so với các chiến lược dựa trên việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ với những cách thức sáng tạo hơn”. Ông cũng thẳng thắn cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 “chúng ta phải viết lại sách giáo khoa về kinh tế”, trong đó đối với doanh nghiệp các yếu tố thị trường, quan hệ thị trường (cung, cầu, người mua, hàng hóa, cạnh tranh...) thay đổi một cách cơ bản.
Người tiêu dùng đồng hành thể hiện ở chỗ, với vai trò tác động mạnh tính chất quyết định đối với sản xuất (doanh nghiệp) cũng như là đối tượng hướng tới của cả doanh nghiệp lẫn nhà nước, họ trở nên ngày càng thông minh hơn (thân thiện với môi trường) và nay được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trao cho quyền lực mạnh mẽ hơn nhiều so với trước đây trong quyết định lựa chọn hàng hóa, dịch vụ xanh. Với một cú nhấp chuột hoặc vuốt tay, người tiêu dùng có thể ngay lập tức quay lưng với một thương hiệu hay hàng hóa, dịch vụ để chuyển sang địa chỉ khác. Lối sống và hành vi tiêu dùng sẽ quyết định cách thức sản xuất, cung ứng hàng hóa từ phía doanh nghiệp. Đó cũng là cơ sở lý luận và thực tiễn mà xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững là một trong ba nội dung chủ yếu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ đổi mới ở nước ta.
Kinh tế học bền vững, kinh tế xanh đặt các hoạt động tăng trưởng, phát triển kinh tế trong giới hạn khả năng có thể cung cấp tài nguyên của Trái Đất theo nguyên lý hoạt động của con tàu vũ trụ, theo đó mọi thứ trên con tàu này cần được sử dụng hợp lý, thông minh và được tuần hoàn tái chế để đảm bảo cho các chuyến lâu dài của các thế hệ. Theo đó, Nhà nước là người điều khiển, định hướng đi cho con tàu.
Doanh nghiệp là người vận hành con tàu và người tiêu dùng là hành khách. Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng đồng hành trên con tàu này đều có cùng trách nhiệm và lợi ích ở chỗ làm sao cho chuyến đi không chỉ an toàn cho thế hệ hiện tại mà còn cả cho cả thế hệ sau. Nhà nước xanh, doanh nghiệp xanh, người tiêu dùng xanh là 3 chủ thể chính yếu quyết định chuyến đi như vậy
Doanh nghiệp xanh với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam
Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 27/9/2019 Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động đến lĩnh vực lao động, việc làm tại Việt Nam trên ba khía cạnh: làm suy giảm lao động tại một số ngành thông qua xu hướng thay thế lao động; thay đổi các kỹ năng lao động; làm thay đổi bản chất việc làm và các quan hệ lao động; từ đó, đề xuất một số gợi ý về chính sách giúp thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Lần đầu tiên những tác động này được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, Đảng xác định: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Với sự ra đời của các nhà máy thông minh, vật liệu mới, công nghệ in 3D, internet kết nối vạn vật… tất cả những điều đó đang làm thay đổi cách thức con người làm việc và liên hệ với nhau.
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 đang ngày càng phát triển mạnh mẽ cả ở trong nước và trên thế giới, Việt Nam đón nhận nhiều cơ hội lớn mà cuộc cách mạng công nghiệp này mang lại cho sự phát triển của kinh tế tuần hoàn. Cụ thể: Công nghệ tiên tiến trong cách nghiệp công nghiệp 4.0 giúp kinh tế tuần hoàn (KTTH) xử lý được nhu cầu về công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, sử dụng và tái chế. Ứng dụng các thành tựu công nghệ từ cuộc các mạng công nghiệp 4.0 phân tích dữ liệu, AI, IoT,… cho phép lập bản đồ vật liệu và khởi tạo các dịch vụ quản lý vật liệu mới để các sản phẩm, dịch vụ hệ thống sản xuất đều được thiết kế lại khiến những doanh nghiệp khai thác, chế biến và sản xuất nguyên liệu thô có thể nâng cao năng suất, đạt được hiệu quả cao hơn trong sản xuất. Thứ hai, cách nghiệp công nghiệp 4.0 làm thay đổi nhận thức của các đối tượng trong nền kinh tế về sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển KTTH.
Dưới tác động của cách nghiệp công nghiệp 4.0, quan điểm về quyền sở hữu, quản lý vật chất và chuỗi giá trị được thay đổi trên cả cấp độ của người tiêu dùng và doanh nghiệp, khiến nhận thức về KTTH ngày càng được nâng cao. Theo đó, giá trị sử dụng đang dần được người tiêu dùng đề cao hơn giá trị sở hữu, tạo ra nhu cầu cho các mô hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, tận dụng tối đa vòng đời sản phẩm thay vì mua sắm các sản phẩm mới. Đây là hệ quả của việc ứng dụng các thành tựu của cách nghiệp công nghiệp 4.0 như: thông tin truyền thông, ứng dụng internet, website, thương mại điện tử, nền tảng khách hàng và các cơ sở dữ liệu. Những yếu tố này sẽ giúp thiết kế lại sản phẩm, dịch vụ và hệ thống sản xuất theo hướng tạo ra các giá trị mới dựa trên việc tối đa hóa tiện ích của khách hàng thông qua việc kéo dài tuổi thọ sản phẩm.
T. H
(Trích dẫn và biên tập trong cuốn "Doanh nghiệp với Thương hiệu xanh cho phát triển bền vững" của VACNE)
Bình luận