Hotline: 0941068156
Thứ ba, 29/07/2025 02:07
Thứ hai, 28/07/2025 18:07
TMO – Hà Nội đã thực hiện trên 890 chiến dịch diệt bọ gậy với 2,4 triệu hộ gia đình được hướng dẫn, giám sát và tuyên truyền về phòng chống sốt xuất huyết, thực hiện 53 chiến dịch phun chủ động với trên 69.300 số hộ gia đình được phun.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ đầu năm 2025 đến ngày 23/7, Hà Nội ghi nhận trên 400 trường hợp sốt xuất huyết, giảm 68,6% so với cùng kỳ năm 2024. Bệnh nhân phân bố tại 91/126 phường, xã. Một số phường, xã số mắc cao như: Hà Đông (30 ca), Từ Liêm (20 ca), Tây Hồ (18 ca), Bình Minh (17 ca), Hát Môn (16 ca), Phú Xuyên (15 ca)… Trong 8 ổ dịch sốt xuất huyết tại 6 phường, xã; hiện còn 4 ổ dịch đang hoạt động: Phú Xuyên (7 bệnh nhân), Xuân Phương (7 bệnh nhân), Hát Môn (5 bệnh nhân), Tây Hồ (5 bệnh nhân).
Trong thời gian qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh giám sát chủ động phát hiện bệnh nhân sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch trên địa bàn; kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại 100% ổ dịch cũ năm 2024, các khu vực nguy cơ, các ổ dịch mới phát sinh.
Diệt loăng quăng bọ gậy kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền được xem là biện pháp hữu hiệu phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã triển khai giám sát 90 lượt tại các ổ dịch sốt xuất huyết năm 2024, kết quả có 74/90 điểm giám sát có chỉ số BI > 20 chiếm 82,2%, ghi nhận được véc tơ chính tại 64/90 điểm giám sát chiếm 71,1%. Giám sát sau xử lý ổ dịch đang hoạt động năm 2025, kết quả các chỉ số côn trùng sau xử lý đều vượt ngưỡng nguy cơ. Toàn Thành phố đã thực hiện 891 chiến dịch diệt bọ gậy với 2,4 triệu hộ gia đình được hướng dẫn, giám sát và tuyên truyền về phòng chống sốt xuất huyết, thực hiện 53 chiến dịch phun chủ động với trên 69.300 số hộ gia đình được phun.
Nhận định dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội năm 2025 có thể tăng cao trong các tháng tiếp theo, do theo chu kỳ dịch hàng năm, sốt xuất huyết tại Hà Nội thường gia tăng từ tháng 7, tăng nhanh trong tháng 8, 9 và đỉnh dịch thường vào tháng 10. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang có xu hướng lan rộng ra khu vực ngoại thành trong vài năm gần đây, hiện tại đã ghi nhận ổ dịch từ 5 -7 bệnh nhân. Một số nơi chưa kiện toàn được ngay lực lượng cộng tác viên, đội xung kích hỗ trợ trong hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, khó khăn trong công tác phòng chống và xử lý ổ dịch.
UBND TP. Hà Nội đề nghị các xã, phường khẩn trương xây dựng và triển khai Kế hoạch về phòng chống dịch sốt xuất huyết giai đoạn từ nay đến cuối năm 2025, xây dựng đề án về chủ động phòng chống sốt xuất huyết, bố trí kinh phí cho các hoạt động chống dịch. Đặc biệt cần chỉ đạo lập danh sách, bản đồ các điểm, khu vực nguy cơ về bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn để ưu tiên, tập trung triển khai các biện pháp phòng bệnh phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó các địa phương kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, đội xung kích diệt bọ gậy, giám sát chặt chẽ, tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường thường xuyên, lồng ghép các hoạt động vệ sinh xanh, sạch, đẹp hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh (2/9).
UBND cấp xã, phường rà soát lại các nhiệm vụ, cần nắm chắc nhiệm vụ, trách nhiệm của cấp xã, phường trong công tác phòng, chống dịch. Đây là một công việc quan trọng, Thành phố vẫn triển khai, xem xét trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Đồng thời phải xác định các khu vực có nguy cơ cao (nguồn lây bệnh, nơi dịch tập trung nhiều năm lặp đi lặp lại, khu vực mới) về dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết.
Thống nhất cách tổng vệ sinh định kỳ, thường xuyên, nhất là tại các khu vực nguy cơ cao. Trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, lãnh đạo địa phương càng cần nhanh chóng nắm bắt tình hình, quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch. Thành phố sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát đột xuất để đánh giá, gắn trách nhiệm của lãnh đạo xã, phường, lãnh đạo các đơn vị.
Ngoài việc giám sát phát hiện sớm bệnh nhân, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân ổ dịch, bảo đảm chỉ số BI (giúp xác định mối nguy cơ dịch bệnh bùng phát) ổ dịch sau xử lý dưới 20 và tỷ lệ phun hóa chất đạt 95% hộ gia đình, các địa phương bảo đảm công tác hậu cần phòng chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ". Bao gồm, hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy, hóa chất khử khuẩn, vật tư trang thiết bị phòng chống dịch, thuốc, dịch truyền, máy phun.
Trước đó, ngày 20/7, Chính phủ ban hành Công điện về tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Tại Công điện, Chính phủ yêu cầu chính quyền các địa phương chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đảm bảo thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết nói riêng và công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung trên địa bàn.
Huy động các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tham gia tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi trên địa bàn và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường kiểm tra, xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo Sở Y tế, các cơ sở y tế trên địa bàn phối hợp với UBND cấp xã chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, thực hiện các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động phát hiện sớm, cấp cứu, điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện; chủ động dự phòng, bố trí đủ nguồn lực cho công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết…/.
NGỌC HÂN
Bình luận