Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ sáu, 26/04/2024 08:04
TMO - Để giảm nghèo có hiệu quả, bền vững, các địa phương và tỉnh Thái Nguyên xác định, việc hỗ trợ thoát nghèo phải căn cứ vào nhu cầu của người dân và tiềm năng, lợi thế của địa phương khi triển khai các chương trình, dự án.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đối với dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai thực hiện, giải ngân được gần 54% trong tổng số kinh phí 37,2 tỷ đồng được phân bổ. Đã có 35 dự án được phê duyệt và triển khai thực hiện, với sự tham gia của gần 700 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trong đó, nổi bật là các dự án phát triển mô hình sản xuất cây lục trúc lấy măng gắn với liên kết chuỗi giá trị nhằm cải thiện sinh kế góp phần giảm nghèo cho người dân tại Định Hóa; hỗ trợ sinh kế cho đồng bào Mông tại xóm Bản Tèn, Văn Lăng, Đồng Hỷ; dự án liên kết chăn nuôi dê, sản xuất chè, nuôi gà thương phẩm tại các địa phương của tỉnh.
Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, huyện Phú Lương đã lồng ghép nguồn vốn hiệu quả, huy động thêm sức dân, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải nguồn vốn, đặc biệt ưu tiên xây dựng, triển khai các dự án sinh kế, phát triển sản xuất, thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên...
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phú Lương đã thực hiện 5 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, tổng kinh phí thực hiện gần 3 tỷ đồng. Qua triển khai thực tế, các dự án đã mang lại hiệu quả lớn và bền vững cho các chủ thể tham gia, gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghề nông nghiệp, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn và giảm rủi ro cho người dân và doanh nghiệp. Các sản phẩm đầu ra sau khi thực hiện dự án được duy trì phát triển với 4 sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, giúp các hợp tác xã đẩy mạnh liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị, liên kết theo chuỗi từng bước được hình thành và phát triển theo chiều sâu...
Các hộ dân được hỗ trợ nguồn vốn cùng với nâng cao kỹ thuật trong sản xuất, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Phú Lương đang tích cực phối hợp với các ban, ngành chức năng của tỉnh để thực hiện Dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng.
Đặc biệt, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 2 năm qua, huyện đã phân bổ hơn 4,5 tỷ đồng để thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Toàn huyện đã thực hiện 10 mô hình chăn nuôi tại 8 xã; hơn 100 hộ nghèo, 52 hộ cận nghèo, 16 hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng được hỗ trợ thụ hưởng Dự án; 7 mô hình giảm nghèo bền vững tại 5 xã miền núi, nổi bật là mô hình nuôi bò lai Sind tại các xã Yên Trạch, Động Đạt, nuôi trâu sinh sản tại các xã Phủ Lý, Ôn Lương, nuôi dê lai sinh sản tại xã Yên Đổ...
Qua giám sát bước đầu, sau từ 1 đến 7 tháng bàn giao con giống, cơ bản các hộ dân đã biết cách chăm sóc con giống, vật nuôi khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Giống trâu, bò trung bình tăng từ 10 đến 17 kg/con/tháng, nhiều con đã có thể nhân giống. Nhờ đó, đời sống của người dân trên địa bàn được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng; hộ nghèo giảm dần qua các năm từ 5,39% (năm 2021), năm 2024 giảm xuống còn 2,68%, bình quân mỗi năm giảm được 1,36% hộ nghèo. Các dự án sinh kế, phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo ra những chuyển biến căn bản để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững cho các hộ nghèo đa chiều tại địa phương...
Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, huyện Đại Từ đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo, tạo động lực để phát triển bền vững. Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân vươn lên thoát nghèo; tập trung phát triển sản xuất; hỗ trợ dạy nghề, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh; hỗ trợ các hoạt động chuyển giao kỹ thuật để hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo.
Đồng thời, huyện huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững…Giai đoạn 2022 - 2023, huyện Đại Từ được giao trên 17 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và chuyển tiếp trên 3 tỉ đồng nguồn vốn từ năm 2022, 14 tỉ nguồn vốn từ 2023. Từ nguồn vốn trên, các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn trên địa bàn đã tập trung thực hiện các mô hình, dự án theo kế hoạch.
Trong đó với Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đang triển khai 8 dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp tại 8 xã với các dự án hỗ trợ phân bón phát triển cây chè; hỗ trợ trâu, bò sinh sản với tổng số người tham gia dự án là 515 người (Hộ nghèo là 276 hộ; hộ cận nghèo 188 hộ; hộ mới thoát nghèo là 43 hộ; hộ làm kinh tế giỏi là 8 hộ).
Huyện Định Hóa là huyện miền núi nhiều khó khăn của tỉnh Thái Nguyên. Theo thống kê, đầu giai đoạn 2022 - 2025 tỷ lệ nghèo đa chiều huyện Định Hóa là 32,23% (trong đó 17,39% hộ nghèo với khoảng 4.596 hộ; 14,84 % hộ cận nghèo với 3.922 hộ). Sau 2 năm thực hiện, đến cuối năm 2023, theo chuẩn nghèo đa chiều huyện Định Hóa còn 9,98% (trong đó 1.432 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,42% và 1.204 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,56%).
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Định Hóa đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và hàng năm, thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, Tổ công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững…
Kết thúc năm 2023, huyện Định Hóa đạt giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 6,30%, trong đó: Hộ nghèo còn 1.432 hộ (chiếm tỷ lệ 5,42%, giảm 3,60% so với đầu năm 2023, đạt 125% so với kế hoạch đề ra); Hộ cận nghèo còn 1.204 hộ (chiếm tỷ lệ 4,56%, giảm 2,70% so với đầu năm 2023, đạt 103,05% so với kế hoạch đề ra). Bên cạnh đó, huyện còn xây dựng được 06 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và 17 mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tổng kinh phí 4.907 triệu đồng.
Đối với các dự án chăn nuôi, người dân được chủ động lựa chọn con giống và thực hiện cân bằng cân điện tử đảm bảo công khai, minh bạch. Con giống khi bàn giao khỏe mạnh, đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine theo quy định. Kết quả về giống vật nuôi có 34/36 phương án đã được phê duyệt, trong đó đối tượng hộ nghèo 224 người, hộ cận nghèo 169 người và hộ mới thoát nghèo 169 người… với 112 con trâu, 188 con bò, 50 con lợn; 45 con dê, 19.310 con gà.
Dự kiến trong năm 2024, huyện Định Hóa phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 2,25% trở lên, trong đó: Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,40% trở lên, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,85% trở lên. Song song với đó, huyện Định Hóa cũng sẽ thực hiện hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 15 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… đảm bảo đến cuối nhiệm kỳ 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 1,2% trở lên, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm bình quân mỗi năm 1,0% trở lên.
Nhờ được hỗ trợ kinh phí mua bò sinh sản, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh có điều kiện vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thái Nguyên cho biết, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 75 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho người dân; 39 dự án hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên cơ sở tham vấn, hỏi ý kiến, nguyện vọng người dân, các dự án này được thực hiện trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, phù hợp với khả năng của người dân và điều kiện thực tiễn ở địa phương.
Một trong những nguyên nhân khó thoát nghèo là người dân thiếu đất sản xuất, đây là tư liệu chủ yếu để người dân phát triển kinh tế, thế nhưng lại chưa xác định được định mức tối thiểu đất sản xuất đối với một lao động, một hộ gia đình cho nên chưa có căn cứ để hỗ trợ. Khắc phục điểm nghẽn này, ngày 14/11/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 26/2023/QĐ-UBND, quy định định mức đất sản xuất làm cơ sở xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh để có căn cứ hỗ trợ, quy đổi phù hợp.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương rà soát, lập danh sách, thẩm định, phê duyệt danh sách hộ gia đình thiếu đất sản xuất để có giải pháp khắc phục. UBND tỉnh ban hành định mức đất sản xuất là giải pháp mang tính đột phá trong việc giải quyết vấn đề giảm nghèo, xóa nghèo đối với nhóm hộ này và phù hợp với tình hình thực tế. Đó là, ở những nơi không có quỹ đất để khai hoang trồng trọt, không có rừng và đất rừng để hỗ trợ người dân thì trên cơ sở quy định về quy đổi, căn cứ năng lực thực tiễn của hộ gia đình thì có thể hỗ trợ bằng dạy nghề, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn để tạo sinh kế, đa dạng sinh kế để người dân thoát nghèo, không nhất thiết phải có đất canh tác mới có thể thoát nghèo bền vững.
Mạnh Dũng
Bình luận