Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ sáu, 15/09/2023 14:09
TMO - Hiện đang là cao điểm mùa mưa lũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất đá, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cần kiên quyết tổ chức di dời kịp thời các hộ nằm trong khu vực trọng điểm, xung yếu, nguy cơ cao về thiên tai.
Những năm trở lại đây, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, không theo quy luật, khó lường, khó đoán định. Mỗi năm, ở nước ta chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại hình thiên tai gây thiệt hại rất lớn về con người, tài sản, sản xuất công, nông nghiệp và các công trình. Trên phạm vi tỉnh Hòa Bình cũng ghi nhận thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những thách thức lớn đối với phát triển kinh tế bền vững của tỉnh. Hòa Bình đã hứng chịu hầu hết các loại thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, rét hại, nắng nóng…) gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến môi trường sống, sản xuất của nhân dân.
Từ đầu năm 2023 đến nay tình hình thiên tai diễn ra bất thường, mưa lớn kéo dài (tập trung trong tháng 8/2023), các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu đã bị hư hỏng, xuống cấp từ các năm trước (do thiên tai) nay lại tiếp tục hư hỏng khi có mưa lũ lớn. Đặc biệt là các hạng mục hạ tầng cơ sở phục vụ công tác ổn định dân cư vùng thiên tai, khu vực sạt lở bờ sông bờ suối ảnh hưởng đến các tuyến đường giao thông liên huyện, xã,…khu vực kè ổn định dân cư bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ước tổng giá trị thiệt hại từ đầu năm tới nay khoảng 98,3 tỷ đồng.
UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương rà soát, đảm bảo an toàn cho người dân vùng nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: TTX.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trên địa bàn hiện có 234 điểm với hơn 5 nghìn hộ nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai cao cần có phương án bố trí sắp xếp ổn định dân cư. Trong đó có 143 điểm với hơn 3 nghìn hộ có nguy cơ sạt lở cần bố trí ổn định dân cư; 21 điểm thường xuyên bị lũ ống, lũ quét với khoảng 167 hộ bị ảnh hưởng; 70 điểm thường xuyên bị ngập úng với hơn 1.700 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó nhiều điểm sạt lở đã được UBND tỉnh xếp vào dự án cấp bách triển khai phương án xử lý như: khu vực tổ 15, phường Đồng Tiến; khu vực đồi Ông Tượng, phường Thái Bình (TP Hòa Bình); khu đồi Lủ Thao, xã Lâm Sơn (Lương Sơn)…
Trong đó, huyện Mai Châu được đánh là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cao xảy ra sạt lở vào mùa mưa bão. Với đặc thù địa bàn chủ yếu đồi núi, độ dốc lớn, độ sạt trượt cao, khi mưa to kéo dài xuất hiện các điểm sạt lở đất ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, gây nguy hiểm đến cuộc sống người dân.. Hàng năm, huyện dành một phần ngân sách để duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, gia cố kịp thời những vị trí xung yếu, đoạn đường có nền yếu, nguy cơ ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).
Để đảm bảo ATGT thông suốt trong mùa mưa bão, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm huyện xây dựng phương án phòng, chống lũ bão và đảm bảo ATGT. Các phương án được triển khai toàn diện, đồng bộ, nhất quán từ huyện đến xã, thị trấn. Đồng thời, yêu cầu các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị tuyên truyền sâu rộng đến Nhân dân về công tác phòng chống lũ bão; lập phương án ứng cứu kịp thời khi có tình huống lũ bão lớn xảy ra.
Với địa hình phức tạp, mùa mưa lũ sạt trượt có thể xảy ra bất cứ lúc nào, UBND huyện Tân Lạc đã triển khai nhiều phương án nhằm chủ động ứng phó với mọi tình huống xấu. từ đầu năm, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã thị trấn, thành lập các phương án để phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, để phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sạt lở đất, đá, UBND huyện đã cùng với lãnh đạo các xã và thị trấn thống kê những điểm có nguy cơ sạt lở, cắm biển cảnh báo, di dời người dân an toàn khi xảy ra mưa lũ. Đồng thời tuyên truyền cho người dân tránh xa những điểm sạt lở khi có mưa lớn.
Các địa phương đánh giá hiện trạng, cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo an toàn cho người dân. Ảnh: MN.
Tại huyện Kim Bôi, ngoài các khu vực có nguy cơ sạt lở, trong huyện có nhiều dòng suối độ dốc cao, nước chảy siết, vì vậy khi mưa lớn, mực nước lên rất nhanh, nhiều ngầm bị ngập sâu. Đã có nhiều vụ người dân chủ quan qua các ngầm khi nước chảy siết nên bị nước cuốn trôi. Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, ngay khi bước vào mùa mưa bão, huyện đã chỉ đạo rà soát, cắm biển cảnh báo các điểm có nguy cơ sạt lở và các ngầm. Thành lập chốt chặn, tuyên truyền trên loa yêu cầu người dân không đi qua khu vực nguy cơ sạt lở và qua ngầm khi nước chảy siết. Rà soát, lên danh sách và sẵn sàng phương án di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi mưa lớn kéo dài.
Cùng với công tác rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở cao, trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai, tỉnh Hòa Bình đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn hồ, đập, công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, hiện nay, toàn tỉnh có 544 hồ chứa thủy lợi các loại; trong đó, có 49 hồ lớn dung tích từ 3 - 10 triệu m3. Để bảo đảm an toàn, phòng chống ngập úng và giảm thiểu thiệt hại các công trình thuỷ lợi trong mùa mưa bão năm 2023, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, điều tiết lượng nước trong hồ hợp lý. Đặc biệt là triển khai thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình hồ chứa nhỏ, xung yếu và đang thi công.
Hàng năm, Sở đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bố trí kinh phí phân bổ cho các địa phương để chủ động trong việc tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi bị hư hỏng. Đặc biệt, đối với các hồ chứa để đảm bảo công trình an toàn, phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất; lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, để chủ động phòng chống sạt lở, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan kiểm tra tại các huyện, thành phố; kiểm tra, rà soát các vị trí trọng yếu, nguy cơ xảy ra sạt lở khi có mưa lớn để đưa ra biện pháp khắc phục, trong đó, đặt mục tiêu tính mạng người dân lên trên hết. Ngoài ra, tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo tại các khu vực xảy ra sạt lở đất…
Đối với một số điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở lớn, tỉnh đã lắp hệ thống đo cảnh báo sạt trượt. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh còn nhiều điểm sạt lở lòng sông, lòng suối, khu vực gần núi có nguy cơ sạt lở cao hiện chưa được lắp cảnh báo. Vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo, hướng dẫn trong việc di dời khỏi khu vực nguy cơ sạt lở.
Hồng Thắm
Bình luận