Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ bảy, 05/08/2023 05:08
TMO - Trước tình hình mưa bão khó lường gây ra nguy cơ xảy ra sạt lở trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở Công Thương chủ động phòng chống, đảm bảo an toàn hệ thống điện, an toàn hồ, đập thủy điện trong mùa mưa bão 2023.
Tỉnh Đắk Lắk có địa bàn rộng, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, chịu ảnh hưởng của 17/22 loại hình thiên tai như hạn hán, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy… Nguyên tắc vận hành các nhà máy thủy điện trong mùa mưa lũ là đảm bảo an toàn công trình góp phần giảm lũ cho hạ du; đảm bảo hiệu quả cấp nước, việc phát điện và duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 856 công trình thủy lợi, gồm 619 hồ chứa, 161 đập dâng, 76 trạm bơm, hai tuyến đê bao. Tổng chiều dài kênh mương các loại khoảng 2.428 km, hiện đã kiên cố hóa 1.594 km, đạt 66%. Trên địa bàn tỉnh có 20 nhà máy thủy điện đang vận hành, có 5 nhà máy thủy điện ngoài tỉnh có đấu nối vào hệ thống điện tỉnh Đắk Lắk; trong đó có 18 nhà máy thủy điện có hồ chứa.
Các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được xây dựng đã lâu, nhiều công trình đã hư hỏng, xuống cấp và bồi lắng lòng hồ, không đảm bảo năng lực phục vụ tưới và phòng, chống thiên tai. Một số công trình bị hư hỏng nặng không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời đã tạo ra nguy cơ gây thiên tai như: vỡ đập khi có mưa lớn, không đủ điều kiện tích nước gây ra hạn hán cho diện tích tưới công trình.
Đập thủy điện của nhà máy thủy điện Buôn Kuốp điều tiết nguồn nước đặc biệt trong mùa mưa bão.
Để chủ động phòng chống, đảm bảo an toàn hệ thống điện, an toàn hồ, đập thủy điện trong mùa mưa bão 2023, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Sêrêpốk, quy trình vận hành đơn hồ. Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn để vận hành hồ chứa an toàn cho công trình và vùng hạ du; kịp thời cung cấp thông tin, cảnh báo đến chính quyền địa phương và nhân dân vùng hạ du trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp; cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông báo về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng.
Các đơn vị quản lý vận hành hệ thống điện, chủ sở hữu đập và hồ chứa thủy điện, chủ đầu tư các công trình điện mặt trời, điện gió thường xuyên kiểm tra, rà soát các điểm, khu vực xung yếu, có nguy cơ gây sạt lở của hệ thống lưới điện do mình quản lý để gia cố, sửa chữa, khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục. Các đơn vị lập kế hoạch vận hành, phương án dự phòng, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư để nhanh chóng khắc phục sự cố hệ thống điện do thiên tai gây ra. Đặc biệt, có phương án duy trì cấp điện cho các công trình phòng, chống thiên tai và các phụ tải quan trọng.
Ngoài ra, các cơ quan, doanh nghiệp và người dân có công trình đường dây và trạm biến áp, lưới điện hạ áp cần phối hợp kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng các khu vực xung yếu của lưới điện do mình quản lý, đảm bảo an toàn lưới điện, đúng yêu cầu kỹ thuật hiện hành, những đường dây không đáp ứng được yêu cầu an toàn điện đề nghị tách đấu nối khỏi lưới điện để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị. Các cá nhân, đơn vị không chấp hành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có sự cố xảy ra.
UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vận hành quản lý lưới điện, tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về an toàn điện trong mùa mưa bão năm 2023.
Các đơn vị quản lý vận hành hệ thống điện phối hợp với chính quyền địa phương, nhân dân kiểm tra hệ thống lưới điện do người dân tự đầu tư (các trạm bơm tưới) và các đường dây hạ áp từ sau công tơ vào nhà để yêu cầu sửa chữa, khắc phục đảm bảo an toàn cung cấp và sử dụng điện theo quy định; kiểm tra, rà soát, chặt tỉa cây và tháo dỡ các công trình xâm phạm gây mất an hành lang an toàn lưới điện cao áp; tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong khu vực có lưới điện cao áp đi qua không xâm phạm hành lang an toàn lưới điện.
Hàng trăm ha lúa trong thời gian làm đòng ở huyện Lắk bị nhấn chìm trong nước lũ. Ảnh: NDO.
Mới đây, đợt mưa lũ kéo dài cuối tháng 7, đầu tháng 8 gây thiệt hại lớn tại nhiều địa phương. Tại tỉnh Đắk Lắk, theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, đến chiều 2/8, tình trạng mưa lớn kéo dài những ngày qua đã gây ngập lụt tại các huyện Lắk, Krông Ana, Ea Súp, Krông Bông, làm thiệt hại tài sản, cây trồng của người dân.
Cụ thể, có 1 nhà dân bị sập; 57 lượt nhà bị ngập nước; hơn 4.800 ha cây trồng bị ngập, trong đó có hơn 42ha lúa, 58ha cây lâu năm; một số công trình cơ sở hạ tầng về thủy lợi, giao thông bị sạt lở hư hỏng. Huyện Ea Súp là một trong những địa phương bị hiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra. Toàn huyện có khoảng 2.600 ha cây trồng các loại bị ngập; nhiều tuyến đường bị ngập úng gây chia cắt; mưa lũ làm hư hỏng khoảng 2 km đường kênh dẫn nước N12, thuộc kênh Chính Tây hồ chứa nước Ea Súp thượng, trong đó có đoạn bị vỡ; tuyến kênh Chính Tây bị vỡ tại đoạn K13+300 và hư hỏng một số công trình kênh mương nội đồng khác.
Năm 2022, Đắk Lắk xảy ra 16 vụ thiên tai, làm 1 người chết, 4 người bị thương, hơn 200 nhà, trường học bị ngập, hư hỏng và nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hại; hơn 8.400 ha cây trồng bị ảnh hưởng… Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gần 243 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 đợt thiên tai (10 trận lốc tố; 1 đợt hạn hán và 1 đợt mưa lũ, ngập lụt) làm hư hỏng 259 nhà dân, 5 điểm trường, 741 ha cây trồng bị ảnh hưởng; gãy đổ một số cây xanh và hư hỏng một số công trình công cộng khác. Ước tính thiệt hại gần 11 tỷ đồng.
Thực tế này đòi hỏi các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh như: xây dựng và chủ động triển khai phương án ứng phó với các đợt thiên tai xảy ra trên địa bàn, chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản; sửa chữa, khắc phục, nâng cấp các công trình hư hỏng, xuống cấp, không để xảy ra tình trạng vỡ đập.
Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng chống thiên tai cho cộng đồng; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến bằng nhiều hình thức, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, đảm bảo ngày càng kịp thời, chính xác…
Thanh Nga
Bình luận