Hotline: 0941068156
Thứ hai, 02/12/2024 21:12
Thứ tư, 27/11/2024 06:11
TMO - Là một trong những địa phương có ngành du lịch là thế mạnh, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chú trọng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm, đồng thời quảng bá du lịch tới cộng đồng trong và ngoài nước. Góp phần phát triển ngành du lịch theo hướng hiện đại, bền vững.
Xác định chuyển đổi số là giải pháp, hướng đi tất yếu giúp du lịch tăng tốc bứt phá và phát triển bền vững, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong các hoạt động du lịch nhằm đem lại những thuận lợi và trải nghiệm mới cho du khách.
Thông tin từ Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, hoạt động du lịch trong tháng 10/2024 địa phương đạt kết quả tích cực, trong đó khách du lịch ước đạt hơn 250.000 lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng năm 2024, lượng khách du lịch đến tỉnh này ước đạt hơn 3,2 triệu lượt, tăng 26,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 31,5%. Doanh thu từ du lịch của tỉnh này ước đạt 6.662 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ.
Để tiếp tục thúc đẩy du lịch phát triển, tạo sức bật trong những tháng còn lại của năm 2024, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong quá trình quản lý, vận hành hoạt động du lịch. Đơn cử như từ kiến thức và kinh nghiệm của các nghệ nhân, đầu bếp sau khi chế biến và trình bày các món ăn, Sở Du lịch đã triển khai tái hiện nhiều món ăn đặc trưng xứ Huế thông qua việc số hóa 3D ẩm thực.Công tác số hóa ẩm thực nhằm tạo thư viện lưu trữ công thức các món ăn đặc trưng của Huế một cách bài bản.
Năm nay, nhiều món ăn đã được số hóa 3D, như: Súp yến sào bạch tuyết lê, cá cuộn ngũ liễu hấp, chạo tôm lụi mía, bí đao lục dung...; các món chay như mâm cuốn, khay bánh Huế, cơm sen gói lá, vả trộn nấm sò vua. Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, chuyển đổi số trong du lịch là xu thế tất yếu và việc số hóa 3D ẩm thực là một giải pháp mang lại rất nhiều giá trị. Thông qua hoạt động số hóa trên nền tảng 3D sẽ tạo ra cái nhìn tổng quan về sắc diện, cấu tạo, bài trí của từng món ăn.
Từ giải pháp này, Sở sẽ thuận lợi hơn trong việc lưu trữ chi tiết các món ăn một cách đầy đủ, khoa học giúp công tác phát huy các món ăn sau này được dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc số hóa nền ẩm thực Việt sẽ là một bước tiến giúp các món ăn Việt thân quen hơn với bạn bè, du khách quốc tế.
Khi có được dữ liệu ẩm thực thông qua việc số hóa, ngành du lịch cũng thuận lợi hơn trong công tác quảng bá, truyền thông, giới thiệu về ẩm thực Huế. Số hóa 3D ẩm thực chỉ là một trong nhiều giải pháp thực hiện và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Bên cạnh đó, ngành du lịch địa phương cũng đã triển khai ứng dụng “Hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport”. Nhờ tính tương tác cao, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách, ứng dụng hộ chiếu du lịch Huế giúp du khách dễ dàng tìm kiếm các di tích, thắng cảnh, trải nghiệm ẩm thực, tìm hiểu lối sống của người Huế, nghề truyền thống của địa phương; giúp hành trình du lịch, lưu trú tại Huế của du khách thêm hấp dẫn và có ý nghĩa hơn. Ngành du lịch địa phương cũng đang triển khai làm app (ứng dụng) thuyết minh với 35 điểm du lịch cùng với việc tăng cường chuyển đổi số trong rất nhiều hoạt động về du lịch.
Thừa Thiên-Huế đang đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng chuyển đổi số hiện đại. (Ảnh minh hoạ).
Để đáp ứng được yêu cầu, ngành du lịch còn tổ chức tập huấn công tác chuyển đổi số và báo cáo thống kê ngành du lịch cho cán bộ phụ trách công tác quản lý Nhà nước về du lịch tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2019, Sở Du lịch đã chủ trương, xác định đẩy mạnh chuyển đổi số, xác định đó công cụ đột phá để các ngành, các lĩnh vực phát triển nhanh và bền vững, tiến nhanh đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch. Thực tế, ngành du lịch tập trung rất nhiều cho công tác chuyển đổi số. Tuy nhiên, thẳng thắn để nhìn nhận thì công tác chuyển đổi số đòi hỏi những yêu cầu rất lớn.
Đánh giá về khó khăn trong chuyển đổi số, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch cho rằng, vẫn còn nhiều hệ thống dữ liệu liên quan chưa triển khai đầy đủ, chưa liên thông. Công tác báo cáo, thống kê số liệu khách lưu trú, thị phần... chưa triển khai đồng bộ. Một số đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp du lịch dịch vụ chưa thực sự quan tâm và ứng dụng công nghệ mới vào phục vụ cho khách du lịch.
Bên cạnh đó sự tham gia số hóa, cập nhật thông tin của một số ngành, các doanh nghiệp du lịch để làm giàu dữ liệu du lịch, dịch vụ trên địa bàn còn hạn chế. Giải quyết vấn đề trên, cần có sự đồng hành của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, nhất là sự đồng hành quan tâm đến các báo cáo thống kê; điều tra, cập nhật cơ sở dữ liệu ngành du lịch, dịch vụ.
Đồng thời các địa phương cần quan tâm triển khai số hóa các điểm di tích, văn hóa, tâm linh… ở địa phương để cập nhật thông tin, chia sẻ bổ sung vào cơ sở dữ liệu du lịch. Một mong muốn của nhiều doanh nghiệp và du khách là cần có một bản đồ số hóa các tuyến điểm du lịch, trong đó các điểm đến, ẩm thực…
Đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Thừa Thiên-Huế cho rằng, nếu số hóa các các tuyến điểm vào bản đồ du lịch, du khách dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn các điểm đến, từ điểm vui chơi, ăn uống ở các địa phương. Đó cũng là cơ hội quảng bá du lịch và thu hút khách. Giải pháp trên sẽ mang lại rất nhiều giá trị lâu dài, nhưng để thực hiện, cần nguồn kinh phí để thực hiện lớn và đòi hỏi nhiều công sức, rất cần sự đồng hành, chung tay để tạo được nguồn lực thực hiện, mang lại hiệu quả cho du lịch Cố đô.
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ đã mang đến nhiều cơ hội cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế trong quảng bá, thu hút khách du lịch. Theo thời gian, xu hướng của du khách sẽ có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vẫn là yếu tố quan trọng đảm bảo sự cạnh tranh, phát triển nhanh, mạnh của toàn ngành du lịch.
Thu Huệ
Bình luận