Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/07/2025 11:07
Thứ bảy, 12/07/2025 06:07
TMO - An Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Tỉnh ưu tiên phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị. Đây được xem là bước chuyển quan trọng để nông nghiệp địa phương có nhiều bứt phá.
Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân, An Giang đang từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình sản xuất thông minh như canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sử dụng hệ thống tưới tiêu tự động,… được triển khai tại nhiều địa phương.
Song song đó, tỉnh khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, hướng tới bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đã chủ động liên kết sản xuất – tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị khép kín, góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản An Giang.
Đặc biệt, chuyển đổi số trong nông nghiệp được xem là giải pháp quan trọng, giúp người nông dân tiếp cận nhanh với tiến bộ kỹ thuật và thị trường. Trong đó, tập trung ứng dụng khoa học và khai thác tiềm năng sẵn có để cơ cấu sản xuất. Nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả được triển khai, góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Theo đó, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh an Giang đã đẩy mạnh trồng cây ăn quả như dưa lưới, rau màu trong nhà lưới, nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, sử dụng các biện pháp thụ phấn tự nhiên để tăng khả năng đậu quả cho cây ăn trái.
Những mô hình “Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ IoT (Internet kết nối vạn vật) kiểm soát nhiệt độ môi trường và hệ thống châm phân tự động” được nông dân An Giang áp dụng hiệu quả; hệ thống châm phân tự động và làm mát nhà màng, giúp quản lý tốt môi trường và nâng cao năng suất cây trồng.
Từ khi mô hình được hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, năng suất cây trồng nói chung và cây dưa lưới nói riêng tăng lên đáng kể mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ. Theo nhiều nông dân, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Tuy nhiên, quá trình sản xuất sẽ tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, thị trường…
Thời gian qua, với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, nông dân trong tỉnh An Giang đã và đang thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn ứng dụng các giải pháp về công nghệ. Đặc biệt là công nghệ sinh học; công nghệ nhà kính, nhà màng; công nghệ tưới nhỏ giọt; công nghệ tuần hoàn, công nghệ cảm biến, tự động hóa…
Các mô hình canh tác nông nghiệp trong nhà lưới, nhà màng mang lại năng suất, chất lượng nông sản vượt trội cho nông dân An Giang.
Nông dân nhiều địa phương còn sử dụng máy bay không người lái (Drone) vào gieo sạ lúa, phun thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng năng lượng mặt trời; canh tác rau màu, cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP… Bên cạnh đó là các mô hình nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh ứng dụng công nghệ biofloc; nuôi tôm - lúa thông minh; ứng dụng công nghệ nuôi mới đối với loại hình nuôi lồng bè trên biển… Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường…
Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngay từ năm 2022, tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch số 167/KH/UBND về phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch nhấn mạnh mục tiêu giai đoạn 2021-2030 phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, trách nhiệm và tăng sức cạnh tranh cao. Thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, tăng thu nhập của người dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế số, các sản phẩm nông sản tham gia rộng rãi trên các sản thương mại điện tử.
Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu An Giang là một trong những trung tâm công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dựa trên nền tảng sản xuất nông thủy sản hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số; phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn.
Phấn đấu đến năm 2050 nền nông nghiệp An Giang thuộc nhóm đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.
Việc xây dựng nền nông nghiệp hiện đại đang mở ra hướng phát triển bền vững cho An Giang trong bối cảnh cạnh tranh thời tiết cực đoan ngày càng gay gắt. Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và người dân, quá trình chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao từng bước được hiện thực hóa bằng những mô hình cụ thể, hiệu quả.
Đồng thời, việc số hóa dữ liệu sản xuất, kết nối thị trường và điều hành hoạt động nông nghiệp thông minh đang dần thay đổi thói quen sản xuất truyền thống. Đây không chỉ là bước tiến về kỹ thuật mà còn là chuyển biến về tư duy trong phát triển nông nghiệp. Với định hướng đúng đắn, An Giang kỳ vọng sẽ hình thành nền nông nghiệp giá trị cao, thích ứng linh hoạt và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Kim Anh
Bình luận