Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/07/2025 11:07
Thứ năm, 10/07/2025 11:07
TMO - Những năm qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (tỉnh Quảng Ngãi) đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh được giao quản lý bảo vệ với diện tích 37.546,363 ha rừng, trong đó có 37.469,333 ha rừng đặc dụng và 77,03 ha rừng sản xuất. Toàn bộ diện tích rừng đặc dụng của khu bảo tồn hiện nằm trên 42 tiểu khu và được phân chia thành 3 phân khu chức năng: Phân khu Dịch vụ, hành chính với diện tích 155,85 ha; phân khu Phục hồi sinh thái với diện tích 7.182,54 ha; phân khu bảo vệ nghiêm ngặt với diện tích 30.136,96 ha. Diện tích đất có rừng là 36.384,89 ha.
Với diện tích quản lý rộng, địa bàn dàn trải, vị trí địa lý kéo dài cùng với địa hình núi cao phức tạp, chia cắt bởi nhiều khe suối, đồi núi và trải dài trên nhiều xã nên công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục, bảo tồn hệ sinh thái cũng như công tác phòng cháy chữa cháy; trồng và chăm sóc rừng đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 95%) đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức về giá trị, tầm quan trọng của rừng chưa cao. Cuộc sống chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ rừng nên đã gây ra không ít khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý bảo vệ rừng bằng các phần mềm chuyên ngành và hệ thống định vị GPS. Từ năm 2021, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh đã đầu tư thiết bị bay, đào tạo, tập huấn nhân lực cho việc sử dụng thiết bị ứng dụng thiết thực, hiệu quả vào công tác quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.
Sau một thời gian sử dụng, tìm hiểu, học hỏi, việc ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV) đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng bởi những hữu ích mang lại: Giúp lực lượng bảo vệ rừng giám sát chặt chẽ hơn, các hình ảnh được lưu lại và thực hiện bay lại hàng tháng, hàng quý và đột xuất để kịp thời giám sát được sự thay đổi; Các chi tiết hiện trạng được lưu trữ phục vụ công tác giám sát và cập nhật diễn biến tài nguyên rừng được tốt hơn; Giúp tiết kiệm được thời gian, lực lượng tham gia tuần tra quản lý bảo vệ rừng.
Thiết bị bay không người lái được đưa vào sử dụng góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn (Ảnh: TN).
Ứng dụng bay không người lái trong lâm nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, như giám sát rừng thường xuyên, liên tục hơn, nhất là những khu vực rừng hiểm trở mà con người khó tiếp cận; cung cấp thông tin và giúp cơ quan quản lý nắm bắt nhanh chóng và chính xác diễn biến rừng, từ đó có các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng kịp thời. Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng giúp giảm áp lực về nhân sự cho các địa phương, các chủ rừng.
Những năm trước, với bản đồ giấy truyền thống khi lực lượng đi tuần phải mang theo định vị, la bàn, khi cần xác định điểm tọa độ vị trí mất thời gian khá lâu, độ chính xác thấp vì sai số khi thực hiện đo; với sự phát triển của điện thoại thông minh (smartphone), nhiều ứng dụng miễn phí trong sử dụng bản đồ được xây dựng. Trước thực tế này, đơn vị đã tập huấn, cài đặt phần mềm, đưa cở sở dữ liệu bản đồ hiện trạng rừng vào phần mềm cho lực lượng tuần tra bảo vệ rừng trong đơn vị để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ, đến này toàn bộ lực lượng bảo vệ rừng đã được cài đặt, hướng dẫn sử dụng thành thạo phần mềm Locus map.
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh đã triển khai ứng dụng SMART kể từ tháng 10/2020. Đến nay, SMART Mobile trên thiết bị điện thoại thông minh đã triển khai đến toàn bộ nhân viên của Khu bảo tồn cài đặt và sử dụng công cụ SMART để báo cáo kết quả thực hiện tuần tra, kiểm tra, gắn các cuộc tuần tra, kiểm tra thực hiện báo cáo qua phần mềm SMART.
Theo phương pháp thu thập thông tin và số liệu trên hiện trường thông qua SMART Mobile như hiện nay sẽ nhanh chóng và chính xác hơn vì đã có mô hình dữ liệu mẫu được thiết lập sẵn với nhiều trường thông tin khác nhau để thu thập các dữ liệu cần thiết trên thực địa...
Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi xác định, ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số vào thực tiễn quản lý, bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và phòng chống cháy rừng là giải pháp cốt lõi, góp phần giúp lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt nhiệm vụ. nhờ mạnh dạn ứng dụng khoa học-công nghệ số cho nên những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã và đang mang lại những hiệu quả rõ rệt.
Cụ thể, khi ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng FRMS, các phần mềm Mapinfo, Microstation, QGIS, công chức, viên chức kiểm lâm thông qua ứng dụng kết hợp giữa các phần mềm có thể sử dụng hình ảnh từ vệ tinh cung cấp, bước đầu xác định vị trí và tính toán diện tích bị biến động. Sau khi nắm được sự thay đổi hiện trạng rừng thông qua ảnh vệ tinh từ phần mềm, Chi cục Kiểm lâm sẽ chuyển tải ảnh cho các Hạt Kiểm lâm, chủ rừng và địa phương để kiểm tra biến động thực tế từ hiện trường. Qua đó, đã phát hiện kịp thời và ngăn chặn hàng chục vụ phá rừng trên địa bàn tỉnh.
Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, thông qua sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn, chủ rừng, chính quyền địa phương đã kịp thời kiểm tra, xác minh các điểm cháy. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ đã và đang hỗ trợ tích cực cho lực lượng kiểm lâm tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, góp phần ngăn chặn những biến động xấu xâm hại đến tài nguyên rừng. Nhờ đó, diện tích rừng được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phát hiện hàng trăm điểm biến động rừng và hàng nghìn điểm nghi ngờ cháy rừng, số vụ phá rừng, cháy rừng giảm.../.
Thu Hương
Bình luận