Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/07/2025 11:07
Thứ năm, 10/07/2025 06:07
TMO - Tỉnh Quảng Ngãi hiện nay đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ blockchain vào chuỗi cung ứng nông sản, giúp truy xuất nguồn gốc rõ ràng và nâng cao độ tin cậy với người tiêu dùng; góp phần đảm bảo tính minh bạch của sản phẩm.
Việc đưa công nghệ blockchain vào chuỗi cung ứng nông sản tại Quảng Ngãi đang mở ra nhiều cơ hội mới cho sản xuất nông nghiệp địa phương. Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào phương thức quản lý truyền thống, nông dân và doanh nghiệp giờ đây có thể cập nhật thông tin về quá trình trồng, thu hoạch, đóng gói và phân phối sản phẩm trên nền tảng số.
Theo đó, mỗi sản phẩm đều được gắn mã QR để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, từ đó tăng độ tin cậy và hạn chế tình trạng gian lận thương mại. Không chỉ nâng cao tính minh bạch, công nghệ blockchain còn giúp nông sản địa phương tiếp cận các hệ thống phân phối hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cũng thúc đẩy sự liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị, tạo điều kiện để xây dựng thương hiệu sản phẩm rõ ràng, chuyên nghiệp. Với sự hỗ trợ từ chính quyền và nỗ lực chuyển đổi số của người dân, nông sản Quảng Ngãi đang từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường, hướng đến phát triển nông nghiệp minh bạch, hiệu quả.
Được biết, blockchain là một hệ thống cơ sở dữ liệu phân tán, trong đó thông tin được lưu trữ trong các khối (block) và liên kết chặt chẽ với nhau thành một chuỗi (chain) liên tục. Đây không chỉ là một giải pháp kỹ thuật đơn thuần, mà còn mở ra cơ hội phát triển cho ngành nông nghiệp nói chung, cung ứng nông sản nói riêng qua sự minh bạch, tin cậy và hiệu quả từ người sản xuất đến người tiêu dùng.
Trước đó, theo phương thức canh tác truyền thống, nông dân Quảng Ngãi thường gặp tình trạng “được mùa rớt giá”, người tiêu dùng không biết rõ nguồn gốc hay chất lượng của sản phẩm họ mua; trong khi các đơn vị phân phối cung cấp những thông tin liên quan đến sản phẩm không đồng nhất và thiếu minh bạch.
Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Vì vậy, đã có rất nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản được gắn mác hữu cơ, sạch, an toàn, hay xuất xứ từ vùng sản xuất nổi tiếng, nhưng thực tế không như vậy. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại cho một bộ phận lớn nông dân, doanh nghiệp (DN), mà còn giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường nông sản.
Đơn cử như sản phẩm cá bống sông Trà, đặc sản nức tiếng của quê hương núi Ấn - sông Trà. Thế nhưng, thương hiệu “cá bống sông Trà” đã bị lạm dụng, dẫn đến tình trạng hàng nhái khiến người tiêu dùng e ngại.
Theo Trung tâm Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo tỉnh, minh bạch thông tin liên quan đến sản phẩm không chỉ là nhu cầu của thị trường, mà còn là xu thế tất yếu của sự phát triển. Do đó, công nghệ blockchain với tính năng ghi lại và lưu trữ toàn bộ thông tin từ quá trình sản xuất, vận chuyển, phân phối của sản phẩm đã đáp ứng yêu cầu trên.
Thậm chí, các thông tin về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đến thời điểm thu hoạch, phương thức vận chuyển, điều kiện bảo quản cũng sẽ được công nghệ này ghi lại một cách chi tiết và không thể thay đổi. Những dữ liệu này sau đó sẽ được chia sẻ cho tất cả các bên tham gia chuỗi cung ứng, từ nông dân, nhà phân phối, đến người tiêu dùng đều có thể truy cập và xác minh thông tin về sản phẩm dễ dàng và nhanh chóng.
Quét mã tem truy xuất nguồn gốc giúp người dân biết rõ xuất sứ sản phẩm. (Ảnh: TA).
Đại diện công ty chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quãng Ngãi chia sẻ, ứng dụng công nghệ blockchain sẽ giúp chủ thể tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong quá trình sản xuất, cung ứng và tiêu thụ. Nhờ đó, không chỉ người sản xuất chứng minh chất lượng và nguồn gốc sản phẩm của mình, mà người tiêu dùng còn kiểm tra được thông tin liên quan đến sản phẩm, đảm bảo sự tương xứng giữa giá cả và chất lượng.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Ngãi nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ blockchain vào chuỗi cung ứng nông sản nói riêng không chỉ là một xu hướng công nghệ nhất thời, mà là một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa và phát triển bền vững của nông nghiệp.
Nhất là trong bối cảnh ngành nông nghiệp và môi trường nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, các cấp, ngành cần tuyên truyền nâng cao hiểu biết và kỹ năng sử dụng công nghệ blockchain trong cộng đồng nông dân và người tiêu dùng.
Qua đó góp phần xây dựng một nền nông nghiệp minh bạch, bền vững qua các sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng, “sạch” về thông tin, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa cũng như quốc tế. Ứng dụng công nghệ blockchain hay truy xuất nguồn gốc sản phẩm vào chuỗi cung ứng nông sản không chỉ là bước tiến về kỹ thuật mà còn thể hiện tư duy đổi mới trong phát triển nông nghiệp tại Quảng Ngãi.
Giải pháp này giúp gia tăng niềm tin của người tiêu dùng, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm địa phương trong bối cảnh thị trường ngày càng yêu cầu cao về nguồn gốc và chất lượng. Đồng thời, tạo điều kiện để nông dân chủ động hơn trong sản xuất, kết nối trực tiếp với các đơn vị thu mua, giảm phụ thuộc vào khâu trung gian.
Khi dữ liệu sản xuất được số hóa và chia sẻ minh bạch, các bên tham gia trong chuỗi cung ứng có thể điều phối hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu suất và giảm thiểu rủi ro. Đây là tiền đề quan trọng để Quảng Ngãi xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với xu thế chuyển đổi số và hội nhập thị trường quốc tế trong hiện tại và tương lai.
Hà Quảng
Bình luận