Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ hai, 22/05/2023 14:05
TMO - Tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố Hà Nội vào mùa mưa luôn được các cấp chính quyền và người dân quan tâm. Theo nhận định, mùa mưa năm 2023 sẽ diễn biến phức tạp, mưa lớn xảy ra có thể gây ngập lụt trên diện rộng. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã lên phương án phòng, chống úng ngập cho khu vực ngoại thành với nhiều giải pháp đồng bộ.
Thực hiện Chỉ thị số 1416/CT-BNN-TCTL ngày 10/3/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2023; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 14/4/2023 của UBND thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Trên cơ sở Báo cáo đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi trước lũ và Phương án ứng phó với ngập lụt, úng vụ Mùa năm 2023 và Phương án bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa bão năm 2023 của các Công ty thủy lợi và UBND các quận, huyện, thị xã, Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng “Phương án ứng phó với ngập lụt, úng khu vực ngoại thành và đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa bão năm 2023”.
Hà Nội có 8 tuyến sông (sông Hồng, Đà, Đuống, Cà Lồ, Cầu, Đáy, Tích và sông Nhuệ) phục vụ tiêu úng cho khu vực ngoại thành vào mùa mưa lũ. Về cơ bản, các tuyến sông cơ bản bảo đảm khả năng chống lũ. Tuy nhiên, qua rà soát hiện trạng công trình thủy lợi và các vùng cho thấy, nếu không lên phương án sẵn sàng và chủ động ứng phó thì tình trạng úng ngập có thể xảy ra trong mùa mưa lũ. Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hệ thống thủy lợi của Hà Nội được phân thành 3 vùng, phù hợp với nguyên tắc quản lý nguồn nước theo lưu vực sông và phù hợp với việc phân vùng được quy định trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Chính phủ phê duyệt, gồm: Vùng hữu sông Đáy, vùng tả sông Đáy và vùng Bắc Hà Nội.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu triển khai chống úng hiệu quả khi có mưa dưới 300 mm trong 3 ngày vào giữa vụ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa úng gây ra; đảm bảo an toàn công trình thủy lợi ở mức thiết kế; phối hợp tiêu thoát nước nhanh cho khu vực nội thành. Theo đó, đối với tình hình mưa dưới 50 mm trong 1 ngày: Trong trường hợp này đối với các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa từ khi mới cấy đến khi thu hoạch được coi như một đợt tưới dưỡng, chưa phải vận hành hệ thống công trình tiêu úng.
Khi lượng mưa trung bình từ 100 - 200 mm trong 3 ngày, trong trường hợp này, đối với cây lúa ở giai đoạn đầu (cấy bén rễ - đẻ nhánh) phải đề phòng úng ngập với những chân ruộng thấp, tranh thủ tiêu nước đệm khi mực nước các sông còn thấp. Khi không tiêu tự chảy được phải đóng các cống tiêu dưới đê, vận hành hết công suất các trạm bơm, sẽ có một số diện tích thuộc các vùng trũng bị sâu nước, các công ty thủy lợi phối hợp với địa phương khoanh vùng, tiêu dần từ thấp lên cao, vận hành các trạm bơm tiêu cục bộ để tiêu nước.
Sở NN&PTNT thành phố lên phương án phòng, chống úng ngập cho khu vực ngoại thành với từng kịch bản. Ảnh: LN.
Bên cạnh đó, khi lượng mưa đạt từ 200 - 300 mm (hoặc lớn hơn) trong 3 ngày, đây là kịch bản mưa bất lợi, trong trường hợp bất lợi này, các vùng tiêu phát huy hết khả năng tiêu động lực, khoanh vùng tiêu, có thể buộc phải có những biện pháp tình thế, chấp nhận thiệt hại cục bộ, khoanh vùng khép kín những lưu vực có khả năng chống úng hiệu quả, đồng thời phải đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, các hồ chứa nước.
Trong trường hợp này đối với cây lúa ở giai đoạn đầu (bén rễ), khả năng chịu ngập hoàn toàn của các giống lúa không quá 5 ngày. Sau khi nước rút cần kiểm tra bộ rễ lúa và chồi thân, nếu còn khả năng sinh trưởng tiến hành các biện pháp rửa lớp bùn trên lá, chăm sóc để ruộng lúa phục hồi nhanh. Nếu ruộng lúa không còn khả năng phục hồi, phải cấy lại. Bố trí gieo mạ dự phòng tại các chân ruộng cao. Thời kỳ lúa đã đẻ nhánh, khả năng chịu ngập úng tốt hơn, khi rút nước giữ lại mực nước vừa đủ (3 - 5 cm) để lúa phát triển.
Với kịch bản này, giải pháp là tranh thủ tiêu kiệt nước đệm ngay khi có dự báo bão hoặc áp thấp nhiệt đới, huy động toàn bộ các trạm bơm điện hiện có để chống úng kịp thời; tăng cường tuần tra, kiểm tra, chỉ đạo kịp thời và có biện pháp xử lý ngay giờ đầu sự cố, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn hồ chứa nước.
Ngoài việc chủ động các phương án sẵn sàng ứng phó với tình trạng ngập úng do mưa lớn, UBND thành phố yêu cầu các ngành chức năng, địa phương thường xuyên theo dõi tình hình mực nước tại các triền sông, theo dõi diễn biến thời tiết để điều tiết nước tưới, tiêu cho lúa vụ mùa một cách linh hoạt và chủ động để đảm bảo nguồn nước tưới và kịp thời chống úng khi mưa bão (đặc biệt là giai đoạn đầu vụ mùa). Triển khai gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ, chuyển đổi vùng trũng thường xuyên bị ngập úng sang nuôi trồng thủy sản để giảm áp lực tiêu nước tập trung và hạn chế thiệt hại khi mưa bão xảy ra.
Các công ty thủy lợi và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác duy tu duy trì, quản lý vận hành an toàn, khai thác tối đa năng lực của hệ thống công trình thủy lợi.
Các công ty thủy lợi và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác duy tu duy trì, quản lý vận hành an toàn, khai thác tối đa năng lực của hệ thống công trình thủy lợi hiện có. Tổ chức kiểm tra, đánh giá toàn bộ các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT tại văn bản số 621/SNN-TLPCTT ngày 15/3/2023; triển khai việc sửa chữa các công trình chống úng, bảo dưỡng máy móc, thiết bị; giải tỏa ách tắc dòng chảy trên các sông, trục tiêu, kênh; nạo vét, khơi thông bể hút các trạm bơm tiêu, vận hành thử các trạm bơm tiêu, các cống tiêu. Chuẩn bị đủ vật tư, phương tiện, nhân lực đáp ứng yêu cầu xử lý sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”. Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt là đập, hồ chứa nước và hệ thống cống dưới đê.
Yêu cầu các đơn vị được giao triển khai thực hiện các dự án thủy lợi và các dự án có hoạt động nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành thi công vượt lũ, chống lũ an toàn. Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống úng ngập và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi mùa mưa lũ; kiện toàn Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; quy định rõ trách nhiệm của từng thành viên trong việc điều hành công tác phòng, chống thiên tai. Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống úng ngập.
Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, lực lượng...và xây dựng biện pháp cụ thể phòng, chống úng đối với từng vùng, từng công trình trọng điểm. Triển khai công tác ứng trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước trên các sông, hồ; chủ động vận hành các công trình tiêu ngay khi có mưa lớn. Phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về ý thức bảo vệ công trình thủy lợi; triển khai giải tỏa các vi phạm, các chướng ngại vật trên dòng chảy trong hệ thống, kịp thời ngăn chặn, không để phát sinh vi phạm mới, tái vi phạm; tạo dòng chảy thông thoáng trên các sông, kênh, mương chính (đặc biệt là trục chính sông Nhuệ và các hệ thống tưới, tiêu chính).
Yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản thực hiện các giải pháp gia cố bờ khu nuôi, chuẩn bị vật tư như đăng, lưới đề phòng tràn bờ khu nuôi khi có mưa lớn và nước lũ. Đối với hộ nuôi cá lồng phải có biện pháp gia cố lông bè, đưa lồng nuôi về các khu vực an toàn để phòng, chống bão. Xác định vị trí các vùng chuyên canh rau màu, hoa, cây ăn quả chất lượng cao, khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung, khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao để xây dựng phương án tiêu thoát nước hợp lý; chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực lắp đặt trạm bơm dã chiến phục vụ chống úng khi cần thiết khi có mưa lớn xảy ra, tập trung ưu tiên tiêu úng cho các khu vực này.
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 117 đập, hồ chứa nước thủy lợi trong đó có 06 hồ chứa có dung tích trên 5 triệu m3, gồm: Đồng Mô (thị xã Sơn Tây), Suối Hai (huyện Ba Vì), Quan Sơn (huyện Mỹ Đức), Đồng Sương (huyện Chương Mỹ), Văn Sơn (huyện Chương Mỹ), Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây). Đa phần các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn đều đã được đưa vào sử dụng trên 30 năm.
Trong các năm vừa qua, tuy đã được đầu tư sửa chữa nâng cấp nhưng vẫn còn nhiều hạng mục công trình như đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước đã xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng ảnh hưởng đến phục vụ sản xuất và an toàn công trình khi tham gia chống lũ. Trong mùa mưa lũ năm vừa qua, các Công ty thủy lợi và địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, phát hiện kịp thời những sự cố và có biện pháp xử lý kịp thời. Trước mùa mưa bão, thành phố đặt mục tiêu đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa nước trong mùa mưa lũ và trong trường hợp công trình xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố; đảm bảo an toàn cho dân cư vùng hạ du đập.
Minh Hải
Bình luận