Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ sáu, 07/07/2023 07:07
TMO - Từ đầu năm 2023 đến nay, các loại hình thiên tai diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước. Với việc chủ động phòng ngừa, ứng phó, thiệt hại về người và kinh tế trên cả nước đã được giảm thiểu.
Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai. Trong đó, có 1 áp thấp nhiệt đới, 27 trận mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất; 148 trận dông lốc, sét, mưa đá; 211 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất; 2 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển…
Riêng trong đợt nghỉ lễ từ 29/4 - 3/5/2023, đã xảy ra dông lốc, mưa đá tại 8 tỉnh miền núi phía Bắc, làm 2.552 nhà bị thiệt hại (58 nhà bị sập, 2.494 nhà bị hư hại, tốc mái) ; 2.986 ha lúa, hoa màu bị hư hỏng... Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 35 tỷ đồng.
Đặc biệt mùa hè năm nay đến sớm, gay gắt và khốc liệt hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 3 đến tháng 5, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước tại khu vực Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tính đến ngày 6/7, các loại hình thiên tai đã làm ít nhất 49 người chết, mất tích và 36 người bị thương. Con số này bằng 0,6 lần thiệt hại về người nếu so với cùng kỳ của năm 2022, năm ghi nhận đến 78 người chết và mất tích.
Bên cạnh đó, thiên tai từ đầu năm 2023 cũng khiến 162 nhà sập đổ, 7.888 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 41.581ha lúa, hoa màu ngập úng; 69 con gia súc, 5.440 con gia cầm bị chết; 20 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng… Thiệt hại về kinh tế hơn 308 tỷ đồng, bằng 0,057 lần thiệt hại về kinh tế so với cùng kỳ năm 2022 (5.437 tỷ đồng).
Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, những tháng đầu năm 2023, đơn vị luôn chủ động tham mưu ứng phó “từ sớm, từ xa”; kịp thời triển khai nhiệm vụ được Bộ NN&PTNT giao, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai. Ngay sau những đợt thiên tai, Cục tổ chức các đoàn công tác phối hợp với bộ, ngành và địa phương hướng dẫn đánh giá, thống kê số liệu thiệt hại, khắc phục hậu quả phục hồi sản xuất; kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo, đôn đốc địa phương rà soát tổng hợp thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ, nhất là về dân sinh và phục hồi sản xuất.
Theo bản tin dự báo, thiên tai trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường. Hiện tượng El Nino đã xuất hiện và duy trì trạng thái đến năm 2024; số ngày nắng nóng nhiều hơn trung bình nhiều năm và gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022 gây nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là tại khu vực Trung Bộ. Từ tháng 7-12/2023, dự báo có khoảng từ 9-13 cơn bão trên biển Đông, đề phòng bão diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo và cường độ.
Đỉnh lũ các sông Bắc Bộ ở mức báo động 1-2, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2-3, tập trung trong các tháng 7-9/2023. Từ tháng 10-12/2023, đỉnh lũ các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2-3, có sông trên báo động 3. Đầu nguồn sông Cửu Long đạt đỉnh vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2023 ở mức dưới báo động 1 đến báo động 1. Tại hạ lưu, đỉnh lũ khả năng xuất hiện vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2023 ở mức báo động 3 và trên báo động 3. Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc; trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông miền Trung và Tây Nguyên khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Nhằm ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến của thiên tai. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; tham mưu kịp thời, chính xác cho Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai để chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, tình huống bất lợi trên diện rộng. Báo cáo, tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra, đề xuất các biện pháp khắc phục khẩn cấp, hỗ trợ trong trung và dài hạn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả.
Tập trung kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, tập trung vào các khu vực đang có diễn biến sạt lở phức tạp; kết hợp hài hòa giữa biện pháp công trình và phi công trình cùng với việc di dời dân cư đảm bảo an toàn về người và tài sản. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình từ Trung ương đến địa phương để truyền thông về tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo ứng phó kịp thời tới các cấp chính quyền và người dân.
Các địa phương cần nâng cao năng lực cảnh báo, chủ động các phương án, diễn tập ứng phó với thiên tai. Ảnh: PN.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, năm 2022, đã bố trí 125 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương xử lý cấp bách các sự cố về đê điều; năm 2023 tiếp tục bố trí 123 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả nước hiện có 2.741 km đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt; trong đó có 288 điểm xung yếu. Vì vậy, nếu có lũ lớn, mưa bất thường chắc chắn có sự cố. Khi có cự cố vỡ đê, thiệt hại vô cùng lớn, không chỉ về con người mà còn hạ tầng, khu chế xuất, khu công nghiệp.
Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều tại các địa phương, thời gian tới, các tỉnh cần tổ chức các đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống lũ; đôn đốc các địa phương rà soát, sẵn sàng triển khai phương án hộ đê khi có lũ, bão; tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng, chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều tại 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.
Theo đánh giá của Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, nhờ cảnh báo và hành động sớm trong công tác phòng, chống thiên tai cũng như việc chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa được quy định tại Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận, đặc biệt trong việc giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, cụ thể trong 10 năm từ 2013-2022.
Thiệt hại về người giai đoạn 2018-2022 giảm 18% so với giai đoạn từ 2013-2017 (trung bình từ 244 người chết, mất tích/năm xuống 199 người chết, mất tích/năm). Thiệt hại về kinh tế giai đoạn 2018-2022 giảm 34% so với giai đoạn từ 2013-2017 (trung bình từ 27.695 tỷ đồng/năm xuống 18.324 tỷ đồng/năm). Ngoài ra, nhờ việc chú trọng công tác thông báo cho tàu thuyền trên biển nên gần như ko có thiệt hại về người do bão trên biển.
Lê Hồng
Bình luận