Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ tư, 27/12/2023 14:12
TMO - Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai, hàng năm tỉnh Lào Cai đều triển khai các phương án nhằm chủ động phòng chống, sẵn sàng ứng phó, đồng thời hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, địa phương này chủ động phân vùng rủi ro ứng phó với từng loại thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Nằm trong khu vực Tây Bắc, địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao và khe suối sâu, độ dốc lớn, hằng năm tỉnh Lào Cai chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, mưa lũ; nhiều khu dân cư tại các huyện thuộc vùng cao, biên giới bị đe dọa an toàn vì lở đất, lở núi. Địa phương này chịu tác động của 19/22 loại hình thiên tai, như: mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối,... gây ra thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội...
Trước diễn biến bất thường, phức tạp của tình hình thiên tai, tỉnh Lào Cai đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện hạ tầng phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, hệ thống thủy lợi, thủy điện có tác dụng điều tiết, phòng, chống thiên tai: Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 1.143 hệ thống công trình thuỷ lợi (tăng 723 công trình so với năm 1991; tăng 26 công trình so với năm 2010), có 107 đập, hồ chứa nước thủy lợi (có 02 đập, hồ chứa nước lớn; 09 đập, hồ chứa nước vừa; 66 đập, hồ chứa nước nhỏ và 30 đập, hồ chứa nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018).
Công trình kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai trong những năm gần đây đã được tỉnh quan tâm đầu tư. Cụ thể, hệ thống kè chống sạt lở bờ sông, suối được kiên cố tại các điểm xung yếu với tổng số 76,226 km, trong đó có 34,246 km kè biên giới, 41,98km kè nội địa; 47 trạm đo mưa; 02 hệ thống cảnh báo sớm thiên tai; 01 hệ thống cảnh báo sớm lũ bùn đá kết hợp...Báo cáo của Sở NN&PTNT Lào Cai, hiện toàn tỉnh đang có 769 điểm có nguy cơ xảy ra thiên tai, trong đó 601 điểm chưa có biển cảnh báo (71 điểm ngầm tràn; 22 điểm sạt lở đất; 113 điểm lũ ống, lũ quét; 107 điểm ngập úng; 36 điểm sạt lở bờ sông, suối; 52 điểm sụt lún do mưa lũ hoặc dòng chảy).
Lũ ống tàn phá nhiều nhà dân ở Lào Cai. Ảnh: QD.
Trước những dự báo về tình hình thiên tai trong thời gian tới, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan, địa phương rà soát, triển khai hiệu quả kế hoạch phân vùng rủi ro đối với từng loại hình thiên tai để chủ động phương án ứng phó.
Trong đó, công tác phòng chống lũ quét, lũ bùn đá và trượt, sạt lở đất chia được coi là một trong nhữnh nhiệm vụ quan trọng. Vùng ứng phó được chia làm 4 vùng phòng chống lũ quét, lũ bùn đá và trượt, sạt lở đất. Vùng có nguy cơ rất cao, vùng có nguy cơ cao, vùng có nguy cơ trung bình và vùng có nguy cơ thấp.
Cụ thể, đối với các khu vực có nguy cơ rất cao: Đây là các diện tích nhỏ lẻ phân bố rải rác khắp tỉnh; với đặc điểm là có các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển trượt lở, hiện đã có các điểm trượt lở và có nguy cơ tiếp tục trượt lở ngay trong thời gian gần đây, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư và các công trình xây dựng với tổng diện tích các vùng có nguy cơ rất cao khoảng 13km2, cụ thể: Huyện Văn Bàn: diện tích khoảng 5 km2, thuộc địa giới các xã Nậm Xé, Minh Lương, Thẩm Dương, Dần Thàng và Hòa Mạc. Chiều dày vỏ phong hóa từ 5-15m, có các đới dập vỡ kiến tạo; sát khu dân cư; Thị xã Sa Pa: diện tích khoảng 0,5 km2 , thuộc địa giới các phường, xã Ngũ Chỉ Sơn, phường Sa Pa, xã Trung Chải, xã Bản Hồ và Thanh Bình. Chiều dày vỏ phong hóa 4-13m, có đứt gãy cắt qua, nước mặt có thường xuyên chảy tràn, sát đường giao thông...
Các vùng có nguy cơ cao là các diện tích nhỏ phân bố rải rác khắp tỉnh; Tổng diện tích các vùng có nguy cơ cao khoảng 143km2, với đặc điểm là có các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển trượt lở, hiện đã có các điểm trượt lở và có thể tiếp tục trượt lở trong thời gian tới, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư và các công trình xây dựng. Trong đó: Huyện Văn Bàn: diện tích khoảng 13,5 km2 , thuộc địa giới xã Thẩm Dương, có các đới dập vỡ kiến tạo, trong khu dân cư và sát QL.279; Thị xã Sa Pa: diện tích khoảng 22 km2, thuộc địa giới các xã Ngũ Chỉ Sơn, phường Sa Pa, Trung Chải, Bản Hồ và Thanh Bình, có các đứt gãy kiến tạo, trong khu dân cư, sát QL.4D và đường dân sinh; Huyện Mường Khương: diện tích khoảng 3,5 km2 , thuộc địa giới xã Tung Chung Phố, có các đới dập vỡ kiến tạo, trong khu dân cư và sát QL.4D...
Các vùng có nguy cơ trung bình: Là các vùng có các điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các điểm trượt lở mới cũng như các điểm trượt lở cũ có thể tiếp tục trượt lở do việc xử lý chưa triệt để; ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư cũng như các công trình xây dựng khác. Tổng diện tích các vùng có nguy cơ trung bình khoảng 1.157km2 bao gồm Huyện Văn Bàn: diện tích khoảng 125 km2, thuộc địa giới các xã Nậm Xe, Minh Lương và Nậm Xây, Thẩm Dương, Dương Quỳ, Dần Thàng và Nậm Chầy, dọc theo đứt gãy sâu và các đới dập vỡ kiến tạo; nhiều khu dân cư nhỏ và hệ thống đường dân sinh rải rác dân cư và QL.279; Thị xã Sa Pa: diện tích khoảng 140 km2, thuộc địa giới các xã Ngũ Chỉ Sơn và phường Sa Pa, Thanh Bình, Mường Bo, Liên Minh, có nhiều hệ thống đứt gãy và đới dập vỡ kiến tạo, rải rác dân cư; QL.4D và hệ thống đường dân sinh...
Các vùng có nguy cơ thấp: Là các vùng còn lại với đặc điểm có các hệ thống đứt gãy và đới dập vỡ kiến tạo, hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ thưa và rải rác dân cư. Các vùng này thường có vỏ phong hóa với chiều dày không lớn, đã xảy ra các hiện tượng trượt lở đất đá song với quy mô nhỏ, số lượng điểm trượt lở ít và phân bố rải rác. Các vị trí hoặc khu vực nguy hiểm cần cảnh báo sớm: Đây là các điểm hiện tại đang có trượt lở và đe dọa ngay đến sự an toàn của công trình và đời sống dân cư, cần được cảnh báo sớm để chính quyền địa phương cũng như người dân biết để có giải pháp phòng tránh kịp thời.
Công tác điều tra và khảo sát thực địa đã xác định được 18 điểm có nguy cơ đặc biệt nguy hiểm cần cảnh báo sớm, điển hình một số điểm như sau: Trên tuyến ĐT.153 thôn Lử Chồ 1, xã Lầu Thí Ngài; thôn Rì Thàng 1, xã Na Hối (huyện Bắc Hà); thôn Nậm Chủ, xã Bản Cầm(huyện Bảo Thắng); Trên QL.279, địa phận bản Bông 2, xã Bảo Hà; trên QL.70 địa phận thôn 9, xã Thượng Hà (huyện Bảo Yên); tại thôn Trung Chải, xã Dền Sáng (huyện Bát Xát); vách Taluy trên tuyến QL.70 địa phận tổ dân phố 10, Phường Lào Cai (Thành phố Lào Cai); thôn Na Khui, thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương); Taluy trên tuyến QL.4D thuộc địa phận thôn Giàng Tra, xã Sa Pả (thị xã Sa Pa); khu Phố Mới (huyện Si Ma Cai); Đoạn QL.279 đi qua địa phận thôn Minh Hạ, xã Minh Lương; tại làng Thẳm, xã Thẳm Dương (huyện Văn Bàn).
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, rét đậm rét hại thường xảy ra tại các khu vực của tỉnh Lào Cai từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Số ngày rét đậm rét hại phụ thuộc vào vị trí (phân bố theo độ cao của các địa phương thuộc dãy Hoàng Liên Sơn) và cường độ hoạt động của gió mùa vùng cực. Phần lớn diện tích của tỉnh như khu vực thung lũng sông Hồng, sông Chảy số ngày rét đậm rét hại thấp hơn 75 ngày/năm. Khu vực phía Đông Bắc (bình nguyên Bắc Hà) có số ngày rét đậm rét hại tương đối lớn dao động từ 75 đến 105 ngày/năm. Khu vực có số ngày rét đậm rét hại nhiều nhất nằm ở phần phía Tây của tỉnh. Tổng số ngày rét đậm rét hại xảy ra trong mùa đông đạt đỉnh vào tháng XII hoặc tháng I. Tùy theo độ cao số ngày rét đậm rét hại sẽ giảm từ 6-8 ngày/100m độ cao.
Tỉnh Lào Cai triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó cháy rừng, rét đậm rét hại.
Ngoài ra, cháy rừng tại khu vực tỉnh Lào Cai thường xảy ra tại các khu vực có độ cao lớn vào mùa khô từ tháng 11 năm trước đến thắng 4 năm sau. Phân vùng cháy rừng với 5 cấp được xây dựng để cảnh báo các khu vực có khả năng xảy ra cháy rừng cao. Trong đó khu vực nguy hiểm tập trung tại các địa phương có địa giới thuộc VQG Hoàng Liên và một số khu vực tại các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bắc Hà, Si Ma Cai, Văn Bàn, Sa Pa, thành phố Lào Cai. Các loại hình thiên tai khác như nắng nóng, sương muối, giông lốc, sét, mưa đá, sạt lở bờ sông...ít xảy ra và với mức độ cục bộ. Do đó phương án phòng chống cho các loại hình thiên tai này là tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức và sự hiểu biết của người dân về những loại thiên đó và phương pháp phòng tránh khi các loại thiên tai đó xảy ra.
Cùng với việc triển khai các giải pháp ứng phó tại các vùng rủi ro thiên tai, tỉnh Lào Cai chú trọng tới việc nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội, nhà ở dân cư, phương tiện, thiết bị. Phòng, chống lũ, ngập lụt cho các vùng, các lưu vực sông đảm bảo an toàn dân sinh, cơ sở hạ tầng và các hoạt động sản xuất. Phát triển đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai đảm bảo cung cấp nước để sản xuất, sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội.
Địa phương này xác định phòng ngừa là chính kết hợp với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Chuyển đổi các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu để chủ động phòng tránh dịch bệnh, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với BĐKH, tăng cường hệ thống bảo hiểm, chia sẻ rủi ro trong nông nghiệp.
Thường xuyên thực hiện củng cố, tu sửa, tu bổ, nâng cấp và xây dựng các công trình phòng chống thiên tai. Củng cố, phát triển thủy lợi nội đồng, gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cấp cơ sở hạ tầng thuỷ lợi nội đồng, đáp ứng các phương thức canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất; đồng thời củng cố tổ chức thủy nông cơ sở bền vững. Quản lý thực hiện tốt các đề án lâm nghiệp của tỉnh, thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên; tiếp tục chuyển đổi quy hoạch lâm nghiệp phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đến năm 2030 duy trì diện tích 3 loại rừng khoảng 65,5% diện tích tự nhiên.
Xây dựng các phương án quản lý rừng bền vững. Trồng rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên: Trồng mới rừng; Trồng lại rừng sau khai thác; Trồng cây phân tán; Khoanh nuôi tái sinh rừng tập trung tại các huyện vùng cao, nguy cơ sa mạc hóa, nơi trồng rừng khó thành rừng. Thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tiến hành áp dụng hệ số K từ năm 2021. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trồng rừng ở vùng thấp; thay thế diện tích cây trồng kém hiệu quả bằng trồng rừng gỗ lớn có năng suất, giá trị cao, trồng cây lâm nghiệp đa mục đích. Phát triển mạnh trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng đa mục đích gắn với quy hoạch các cơ sở chế biến....
Lê Thu
Bình luận