Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ tư, 05/10/2022 08:10
TMO - Nhằm bảo đảm an toàn hệ thống thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2022, các ngành chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chủ động phương án, huy động lực lượng, vật tư sẵn sàng ứng phó với những sự cố có thể xảy ra và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh có 1.008 km đê sông, đê biển (trong đó, đê từ cấp I đến cấp III dài 315 km, đê dưới cấp III dài 693 km). Trên các tuyến đê có 1.118 âu, cống qua đê; 404 kè lát mái, với tổng chiều dài là 244,1 km. Toàn bộ hệ thống đê bảo vệ cho 17 huyện, thị, thành phố, với 242 xã có đê đi qua.
Những năm gần đây với việc huy động hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, xã hội hóa công tác bảo vệ đê điều, tuy nhiên tại một số địa phương vẫn còn nhiều đoạn đê được đắp trên nền đất yếu sình lầy, thân đê đắp bằng nhiều loại đất không đồng chất, địa chất thân và nền đê yếu; nhiều đoạn thân đê cao hơn 5m dễ xảy ra sạt trượt khi có mưa lũ...
Gia cố, nâng cấp hệ thống đê điều là một trong những nhiệm vụ được tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị ưu tiên hàng đầu
Kết quả đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trên các tuyến đê từ cấp I đến cấp III còn 132,5 km đê thiếu cao trình so với cao trình thiết kế; 59,8 km đê mặt đê còn nhỏ, hẹp, chưa đảm bảo mặt cắt theo thiết kế; 21,6 km mặt đê chưa được cứng hóa.
Đối với đê dưới cấp III còn 238 km đê chính có cao trình đê thấp, chiều rộng mặt đê nhỏ từ 3 - 3,5m, mái dốc; nhiều đoạn đê sát sông đang có diễn biến sạt lở, chưa có kè bảo vệ, như đê sông Hoạt, sông Càn qua huyện Nga Sơn; đê hữu Thị Long qua thị xã Nghi Sơn; đê kênh Tam Điệp qua huyện Hà Trung; đê tả sông Yên qua huyện Nông Cống...
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2022 đến nay, địa bàn tỉnh xảy ra 7 sự cố công trình về đê điều, trong đó, có 3 sự cố công trình đê từ cấp 1 đến cấp 3, 4 sự cố trên đê cấp 4, cấp 5.
Qua công tác kiểm tra các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 591 công trình thủy lợi hư hỏng cần duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa, khắc phục. Trong đó, có 120 công trình hồ chứa; 113 công trình đập dâng; 151 công trình trạm bơm; 186 công trình kênh và hệ thống kênh tưới, tiêu; 21 công trình cống tưới, tiêu.
UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, đơn vị khai thác công trình thủy lợi đảm bảo vận hành an toàn hồ chứa nước.
Trước thực trạng trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện công tác chuẩn bị sẵn sàng hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ”. Các ngành có liên quan của tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ, xác định các vị trí xung yếu. Đồng thời, xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ đoạn đê trọng điểm, xung yếu và triển khai công tác chuẩn bị “4 tại chỗ” theo phương án được duyệt.
Sở NN&PTNT tăng cường phối hợp với các địa phương xây dựng 30 phương án bảo vệ trọng điểm đê xung yếu gồm 2 trọng điểm loại I, 12 trọng điểm loại II và 16 trọng điểm loại III để thực hiện tốt công tác sẵn sàng hộ đê, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra ở mức thấp nhất.
Từ nay đến kết thúc mùa mưa bão, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa tiếp tục rà soát, đốc thúc các địa phương chưa thực hiện tốt công tác phát quang mái đê ở Thọ Xuân, Hậu Lộc, Quảng Xương, Nông Cống... Cùng với đó là chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến, từng phương án trọng điểm và có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân trường hợp có sự cố xảy ra.
Hoàng Hà
Bình luận