Hotline: 0941068156
Thứ năm, 17/07/2025 15:07
Thứ năm, 17/07/2025 08:07
TMO - Diện tích rừng trồng bị khai thác trái phép thuộc Dự án trồng rừng phòng hộ vùng cát. Tổng diện tích bị khai thác trái phép 3,1416 ha, trong đó rừng phòng hộ là 2,5843 ha; rừng sản xuất 0,5573 ha.
Văn phòng UBND TP. Huế cho biết, UBND TP. Huế vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ban Thường vụ Thành ủy về việc một số diện tích rừng ven biển thuộc xã Quảng Công (tức phường Phong Quảng hiện nay), TP. Huế bị chặt hạ.
Cụ thể, ngày 2/7/2025, lực lượng kiểm lâm phát hiện có một số diện tích rừng ven biển bị chặt hạ ở thôn An Lộc, xã Quảng Công (cũ). Tổng diện tích bị khai thác trái phép 3,1416 ha, trong đó rừng phòng hộ là 2,5843 ha; rừng sản xuất 0,5573 ha. Tổng số cây bị khai thác 1.461 cây (rừng phòng hộ 1.331 cây; rừng sản xuất 130 cây); loài cây keo lưỡi liềm.
Diện tích rừng bị khai thác trái phép.
Qua điều tra xác minh cho thấy diện tích rừng trồng bị khai thác trái phép thuộc Dự án trồng rừng phòng hộ vùng cát (gọi tắt là dự án 661), do UBND xã Quảng Công quản lý.
Trước đó, ngày 19/2/2025, tại cuộc họp do ông Nguyễn Đình Thông, Chủ tịch UBND xã Quảng Công (cũ) chủ trì đã thống nhất thanh lý rừng trên cho ông Nguyễn Văn Quốc, trú tại thị xã Phong Điền, TP. Huế, với diện tích 8 ha với số tiền 85 triệu đồng. Vụ việc sau đó được Hạt Kiểm lâm phát hiện, đình chỉ khai thác.
Từ những vi phạm trên, UBND TP. Huế chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật. Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục thu thập, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định pháp luật. Xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.
Kiểm lâm địa bàn bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng khai thác rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn thành phố. Chi cục Kiểm lâm biên soạn tài liệu để hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác quản lý bảo vệ rừng của UBND xã, phường khi vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, khẩn trương bàn giao số liệu rừng và đất lâm nghiệp, bản đồ số thuộc 36/40 xã, phường có rừng để các địa phương quản lý chặt chẽ theo quy định. Phối hợp với UBND các xã, phường xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp trong lĩnh vực lâm nghiệp, kiểm lâm.
Theo chuyên gia, rừng phòng hộ ven biển được xem là lá chắn thép ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Phát triển, bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển cần được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp quan trọng để thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại, rủi ro thiên tai. Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, do đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng nhằm nâng cao độ che phủ của rừng, gia tăng chức năng phòng hộ (chắn gió, chắn sóng, chống xói lở) góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
TRÀ GIANG
Bình luận